Gần đây, HSC có nhận được các yêu cầu tư vấn tài chính của doanh nghiệp hay không?
Chúng tôi nhận được nhiều đề nghị yêu cầu tư vấn từ các doanh nghiệp do bối cảnh điều kiện kinh tế tăng trưởng tốt nên nhu cầu huy động vốn đáp ứng phát triển kinh doanh hoặc mua - bán công ty của các doanh nghiệp rất lớn.
Các vấn đề về quản trị công ty mà các doanh nghiệp thường gặp phải là gì khi tìm đến với HSC?
Thời gian qua, tôi mới tiếp xúc với một công ty sản xuất quạt có tình hình quản trị rất tốt. Hai vợ chồng cùng điều hành doanh nghiệp, chỉ có một hệ thống sổ sách, doanh thu tăng trưởng hàng năm hai con số, tỷ suất lợi nhuận cao. Nhưng những công ty như vậy thực sự không nhiều.
Ông Phạm Ngọc Bích
Việt Nam có nhiều công ty gia đình, muốn niêm yết huy động vốn nhưng họ không để ý rằng, muốn huy động vốn, mời nhà đầu tư khác vào tham gia công ty, bắt buộc phải có quản trị công ty tốt hơn thì nhà đầu tư mới mua cổ phiếu hay góp vốn vào dự án của mình. Họ cũng biết sơ sơ rằng phải chuyên nghiệp hơn, phải chuẩn chỉnh hơn, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Một số công ty gia đình kinh doanh rất thành công và thường nghĩ rằng, họ đã làm tốt rồi.
90% các doanh nghiệp tìm đến là có vấn đề quản trị công ty khác nhau cần thay đổi. Công ty gia đình thì có nhiều vấn đề hơn. Nghiêm trọng nhất là hệ thống hai sổ sách, né thuế, giao dịch tiền mặt nhiều, có báo cáo tài chính kiểm toán nhưng chỉ để đủ điều kiện vay ngân hàng và lợi nhuận rất thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Vấn đề quản trị này áp dụng với cả các công ty đã niêm yết, công ty nhà nước. Khi công ty lên niêm yết thì khó có thể trốn thuế, nhưng họ có nhiều cách khác để “rút ruột” công ty, ví dụ mua bất động sản, nguyên liệu sản xuất qua trung gian với giá được đẩy lên cao… Người trong nội bộ công ty quản lý cả đầu ra lẫn đầu vào, dẫn đến công ty kinh doanh không hiệu quả.
Vậy HSC làm thế nào để thuyết phục họ thay đổi và họ có sẵn sàng thay đổi?
Chúng tôi tư vấn họ rằng, muốn huy động vốn thành công thì trước tiên phải thay đổi về quản trị để kết quả kinh doanh hiệu quả hơn. Sự thay đổi phải là cam kết lâu dài và liên tục. Khi lợi nhuận tăng lên, tỷ suất lợi nhuận được cải thiện, khi đó mới có thể nói chuyện với nhà đầu tư.
Khi nhà đầu tư đã bỏ vốn vào thì luôn có những điều khoản cam kết tài chính buộc người chủ điều hành doanh nghiệp phải đạt được các mục tiêu đặt ra. Nhưng thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận sự thay đổi và quyết tâm thay đổi.
Theo ông, áp lực nào mạnh nhất để buộc các công ty phải thay đổi?
Áp lực mạnh nhất đến từ thị trường. Thông thường, các công ty thay đổi mạnh mẽ nhất là do áp lực thị trường, áp lực từ các đối thủ cạnh tranh dẫn đến nguy cơ họ bị mất thị phần, mất khách hàng. Nhưng để sự thay đổi về quản trị công ty diễn ra mạnh mẽ, trở thành cam kết lâu dài, thì vai trò của chủ tịch hội đồng quản trị, hay nhóm cổ đông lãnh đạo công ty là cực kỳ quan trọng.
Tùy quy mô, ngành nghề kinh doanh mà quá trình thay đổi sắp xếp lại công ty nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản trị một cách chuẩn mực hơn có thể diễn ra trong thời gian khác nhau. Có công ty đã phải thuê tư vấn vào cơ cấu, sắp xếp lại công ty vài ba năm rồi mới bắt đầu niêm yết. Vấn đề là khi nhà đầu tư bỏ vốn vào, họ cần doanh nghiệp cam kết tạo ra các giá trị với cổ đông, với khách hàng.
Về mặt bằng quản trị công ty Việt Nam, ngay cả ở nhóm các công ty được bình chọn tốt nhất trong khuôn khổ giải thưởng Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết cũng có khoảng cách so với chuẩn ASEAN. Vậy theo ông, vai trò của cơ quan quản lý trong việc tạo áp lực lên doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng quản trị công ty như thế nào?
Vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Theo tôi, các cơ quản lý phải chặt chẽ hơn trong giám sát, phát hiện và xử phạt những hành vi vi phạm về quản trị công ty. Các quy định hiện nay đã có, nhưng các trường hợp bị phát hiện, bị phạt còn rất ít so với thực tế vi phạm đang diễn ra.
HSC là một trong những công ty thuộc nhóm dẫn đầu về quản trị công ty cả trong nước cũng như trong khu vực, trong chương trình Thẻ điểm quản trị ASEAN. Theo ông, đạt được chuẩn mực quản trị công ty cao vượt trội so với mặt bằng chung, doanh nghiệp phải vượt qua những khó khăn gì?
Một công ty đạt được chuẩn mực quản trị cao vượt trội so với mặt bằng chung thực sự là khó khăn, vì không phải chuẩn mực nào cũng có thể áp dụng ngay, dù nó đúng. Đơn cử, với quy định về cho vay ký quỹ, chúng tôi chỉ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) 100 mã chứng khoán lớn, trong khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép tối đa hơn 300 mã chứng khoán được cấp margin. Trong đó, 80 mã lớn được vay từ 40%.
Điều này cho thấy, tính tuân thủ của HSC cao hơn quy định. Đối với các nghiệp vụ kinh doanh, tại HSC, chúng tôi đề ra những hạn mức thẩm quyền và các chính sách, quy trình cụ thể nhằm đảm bảo hoạt động quản trị công ty được triển khai một cách đồng bộ và được chuẩn hóa trong toàn công ty.
Tuy nhiên, việc áp dụng các chuẩn mực quản trị cao hơn hẳn so với mặt bằng chung cũng có những khó khăn, khi HSC muốn áp dụng một số quy định thì anh em môi giới hoặc khách hàng đặt câu hỏi, tại sao phải làm như thế trong khi các công ty khác vẫn được làm?
Thế nên, việc áp dụng các chuẩn mực tốt hơn là cả một lộ trình mà chúng tôi phải phấn đấu nhằm cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và quản trị.
HSC đang làm gì để quản trị công ty tốt hơn?
HSC đang tiếp tục củng cố hệ thống quản trị rủi ro, rà soát, chuẩn hóa các qui trì quy chế hoạt động các phòng ban thông qua dự án SOP (Standard Operating Procedures) kết hợp với việc “digitalize” (công nghệ hóa) các quy trình nghiệp vụ nhằm gia tăng độ chính xác, tính hiệu quả của quy trình và nhất là tránh những sai phạm xuất phát từ những lỗi của con người (human error).
Bên cạnh đó, việc triển khai hê thống đánh giá hiệu quả công việc (EPM - Employee Performance Management) còn giúp củng cố tính minh bạch trong việc đánh giá, khen thưởng, giúp thu hút và gìn giữ nhân tài - một nguồn lực quan trọng của HSC.