“Danh sách đen” trên UPCoM
Danh sách cổ phiếu thuộc Bảng Cảnh báo nhà đầu tư trên UPCoM bao gồm 39 cổ phiếu; trong đó, 4 cổ phiếu thuộc diện bị tạm ngừng giao dịch và 35 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.
4 cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch gồm những cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, gồm MTM, VSP, PTK, KTB.
Cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung vừa gây cú sốc lớn trên thị trường, khi dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, Công ty đã ngừng hoạt động, đang trong thời gian chờ đóng mã số thuế.
Chỉ mới lên giao dịch trên UPCoM hơn hai tháng nay và trước thời điểm thông tin này rò rỉ, cổ phiếu MTM có thanh khoản rất lớn, với hàng triệu đơn vị được giao dịch trong mỗi phiên. Được biết, khi nhà đầu tư tìm đến trụ sở chính và văn phòng đại diện Công ty như trong giấy phép kinh doanh thì chỉ thấy quán cà phê, nhà hàng, mà không có bất kỳ biển hiệu hay văn phòng của doanh nghiệp.
Trong lúc giới đầu tư hoang mang, ngày 17/6/2016, HNX đã chính thức ra thông báo về việc tạm ngừng giao dịch trên hệ thống UPCoM với cổ phiếu MTM để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Hiện HNX đang cùng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vào cuộc điều tra xác minh hiện trạng doanh nghiệp này.
Nếu như câu chuyện của MTM khiến thị trường ngỡ ngàng thì việc cổ phiếu VSP của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải bị tạm ngừng giao dịch lại là cái kết được báo trước. Giai đoạn 2007 - 2008, VSP là một trong những cổ phiếu “hot” trên sàn HOSE, tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, ngành vận tải biển gặp khó khăn thì hoạt động kinh doanh của VSP tụt dốc không phanh.
Theo số liệu cập nhật nhất về doanh nghiệp này, đến cuối năm 2013, VSP lỗ lũy kế gần 3.150 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Công ty âm hơn 1.800 tỷ đồng. Đầu tháng 4/2016, Hội đồng quản trị VSP thông qua quyết định tạm dừng hoạt động doanh nghiệp do không thể khắc phục được tình trạng âm vốn chủ. Ngay sau đó, HNX thông báo về việc tạm ngừng giao dịch với cổ phiếu VSP.
2 cổ phiếu còn lại bị tạm ngừng giao dịch là cổ phiếu PTK của CTCP Luyện kim Phú Thịnh và cổ phiếu KTB của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc. Cả 2 doanh nghiệp này đều từng niêm yết trên sàn HOSE và đồng loạt bị hủy niêm yết từ ngày 3/3/2016 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Được biết, từ tháng 10/2015, PTK bị HOSE đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt với lý do, con dấu của Công ty bị công an tạm giữ trong thời gian dài và Công ty liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là hai doanh nghiệp hiện không xác minh được địa chỉ trụ sở.
Thực tế cho thấy, sau khi hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ kéo dài, hiếm doanh nghiệp nào có thể cải thiện được tình hình kinh doanh và thoát khỏi gánh nặng tài chính từ các khoản lỗ lũy kế khổng lồ trước đó. Đây cũng là lý do đưa 29/35 cổ phiếu vào diện bị hạn chế giao dịch tại UPCoM. Trong nhóm này, chiếm chủ yếu vẫn là các cổ phiếu ngành vận tải biển và nhóm doanh nghiệp là công ty con, công ty liên kết của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX).
Với nhóm cổ phiếu ngành vận tải biển, ngoài VSP còn có 7 mã nằm trong “danh sách đen” của UPCoM, bao gồm: DDM (CTCP Hàng hải Đông Đô), ISG (CTCP Vận tải biển và hợp tác quốc tế), NOS (CTCP Vận tải Biển Bắc), SSG (CTCP Vận tải biển Hải Âu), VSG (CTCP Container Phía Nam), VST (CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam) và WTC (CTCP Vận tải thủy Vinacomin). Cả 7 doanh nghiệp này đều âm vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2015. Tính đến 31/3/2016, có doanh nghiệp lỗ lũy kế trên 3.000 tỷ đồng như NOS.
Năm qua, giá cước vận tải tàu hàng khô (BDI) giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, tỷ giá biến động khiến các doanh nghiệp đi vay ngoại tệ để đầu tư đội tàu chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam có nhiều hạn chế, từ cơ cấu đội tàu không hợp lý, thiếu liên kết giữa chủ tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kỹ thuật tàu yếu kém, năng lực quản lý chưa tốt, nên kém sức cạnh tranh. Thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt khoảng 10 - 12%. Những nguyên nhân này khiến ngành vận tải biển càng thêm khó khăn…
Nhóm công ty thành viên của PVX góp mặt trong danh sách cổ phiếu mà HNX cảnh báo nhà đầu tư mới đây gồm Công ty Đầu tư và xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG), CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA), CTCP Xây lắp Dầu khí miền Trung (PXM). Đây là 3 trong 4 doanh nghiệp mà đầu tháng 6 vừa qua, PVX đăng ký thoái hết vốn thông qua thị trường chứng khoán.
Khó khăn của các doanh nghiệp này cũng phản ánh tình cảnh của PVX hiện tại, khi tính đến 31/3/2016, Công ty còn lỗ lũy kế 2.896 tỷ đồng. Quý I/2016, PVX cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh của các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong kỳ đa số gặp khó khăn, chỉ có 4 doanh nghiệp có lãi.
Ngoài nguyên nhân âm vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2015, các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch còn do không nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 và 2015, hoặc báo cáo tài chính năm 2015 bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, có ý kiến kiểm toán trái ngược. (Xem bảng).
Giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư
Với biên độ giao dịch lên đến 15%/phiên và 40% trong ngày giao dịch đầu tiên, sàn UPCoM đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Thanh khoản của sàn UPCoM thời gian qua có nhiều phiên lấn át cả hai sàn niêm yết. Và có một thực tế, dòng tiền vẫn tập trung vào các cổ phiếu từng bị hủy niêm yết bắt buộc. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX cho biết, đi đôi với việc tạo hàng cho UPCoM, HNX đang triển khai các biện pháp giám sát thị trường, bảo vệ nhà đầu tư. Từ đầu năm tới nay, Sở đã quyết liệt tiến hành sàng lọc các cổ phiếu trên sàn này.
Theo Bộ Nguyên tắc phân bảng được HNX ban hành, Bảng cảnh báo nhà đầu tư gồm các chứng khoán đăng ký giao dịch bị hạn chế giao dịch và tạm ngừng giao dịch theo Quy chế tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết tại HNX.
Về cơ chế giám sát doanh nghiệp trên UPCoM, theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX, tại HNX có 3 hình thức giám sát thường xuyên các doanh nghiệp, bao gồm: giám sát điều kiện, giám sát công bố thông tin và giám sát tích cực với các trường hợp có bất thường giao dịch.
Trường hợp của cổ phiếu MTM, HNX thực hiện giám sát với lý do ban đầu là có các nguồn thông tin và kết hợp với diễn biến giá bất thường. Trong 3 năm qua, mỗi năm, HNX thực hiện giám sát hoạt động khoảng 40 doanh nghiệp trên sàn. HNX không đủ nguồn lực để rà soát tất cả các doanh nghiệp trên sàn niêm yết và UPCoM, nhưng trước mắt, Sở sẽ giám sát 39 doanh nghiệp trong diện bị cảnh báo lần này.