Mua cổ phiếu quỹ với giá gấp 41 lần thị giá: Hóa chất Đà Nẵng (DCI) một mình một… “kiểu chợ”

Mua cổ phiếu quỹ với giá gấp 41 lần thị giá: Hóa chất Đà Nẵng (DCI) một mình một… “kiểu chợ”

(ĐTCK) Trong khi thị giá cổ phiếu chỉ 2.800 đồng/cổ phiếu thì CTCP Hóa chất Ðà Nẵng (DCI) lại thực hiện mua cổ phiếu quỹ với giá 114.000 đồng/cổ phiếu, gấp 41 lần thị giá. Dư luận quan tâm đến việc bên bán cổ phiếu cho DCI là ai và khoản lợi thương vụ này là như thế nào?

Chi 26,2 tỷ đồng mua lại 230.000 cổ phiếu quỹ với giá cao gấp 41 lần thị giá, điều đáng nói là Hóa chất Ðà Nẵng không mua trên sàn, mà mua lại cổ phiếu từ 3 cổ đông.

Ðó là bà Lưu Thị Bảo Thu, Lê Thị Kim Duyên, Nguyễn Thị Thu Hà. Dư luận đặt câu hỏi, nguồn tiền sử dụng để mua cổ phiếu lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo kiểm toán 2018 nhưng lại chỉ “tối đa lợi ích” cho 3 cá nhân, liệu có sai quy định pháp lý?

Mục đích của đợt mua cổ phiếu quỹ ghi rõ là để tối đa lợi ích cổ đông, nhưng thực tế diễn ra là DCI đã mua lại từ 3 cá nhân.

Các cá nhân này có thể được lợi gần 26 tỷ đồng, bởi nếu bán trên sàn chỉ thu về vẻn vẹn hơn 640 triệu đồng (tính theo thị giá hiện nay).

Mức giá DCI mua cổ phiếu quỹ được xác định dựa trên cơ sở định giá của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC ngày 18/3/2019 (113.700 đồng/cổ phần) và mức giá mà Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái vốn thành công tại DCI (có giá khởi điểm là 113.700 đồng/cổ phần).

Nội dung này đã được Ðại hội đồng cổ đông bất thường ngày 27/9/2019 thông qua.

Tài liệu Ðại hội của Hóa chất Ðà Nẵng không lý giải vì sao mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ chỉ từ 3 cá nhân khiến dư luận đặt câu hỏi: 3 cá nhân trên có liên quan gì đến Ban lãnh đạo Công ty?

Phải chăng mục tiêu của Ban lãnh đạo (có thành viên là cổ đông lớn, sở hữu chi phối) muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu, giảm cổ phiếu trôi nổi…, nhưng lại sử dụng “tài nguyên” của toàn Công ty?

Ðặc điểm của cổ phiếu DCI là giá dao động ở vùng rất thấp, không có biến động nhiều và cơ cấu cổ đông rất cô đặc.

Gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Ðình Huỳnh, nắm giữ hơn 54% vốn DCI.

Sau khi Vinachem thoái toàn bộ 900.411 cổ phần (tương ứng 37,32% vốn DCI) với giá khởi điểm 113.700 đồng/cổ phần, thì tại DCI xuất hiện 2 cổ đông lớn cá nhân khác là ông Nguyễn Thái Phúc, nắm giữ 24,89% vốn và bà Lê Thị Lan, thành viên Ban Kiểm soát, nắm giữ 12,46% tại DCI.

Một dấu hiệu đáng chú ý khác, ông Nguyễn Thái Phúc thực hiện một số giao dịch sau khi trở thành cổ đông lớn, nhất là động thái bán ra 230.000 cổ phiếu, tương ứng 9,5% vốn chỉ nửa tháng sau khi Vinachem chính thức không còn là cổ đông lớn.

Sau giao dịch, DCI không xuất hiện cổ đông lớn mới, nên lượng cổ phần của ông Phúc được chuyển nhượng cho ai cũng là câu hỏi ngỏ tại DCI.

Vinachem thoái vốn thành công tại DCI với giá rất cao so với thị giá, nhưng danh tính người mua vẫn chưa được thấy một cách rõ ràng.

Nhiều ý kiến dự báo, các giao dịch này nhiều khả năng đều do người có liên quan của Chủ tịch DCI thực hiện. Bởi lẽ, khó có khả năng nhà đầu tư bên ngoài mua giá cao khi không nắm được quyền chi phối doanh nghiệp.

Nếu kịch bản này xảy ra, gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị DCI càng củng cố hơn quyền chi phối và ra quyết định trong doanh nghiệp.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của DCI khá mờ nhạt, khi Công ty sản xuất phân bón và hợp chất nitơ; kho bãi và lưu giữ hàng hóa; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; sản xuất thuốc trừ sâu và sản phẩm hóa chất khác dùng trong nông nghiệp…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 363 tỷ đồng và lãi ròng hơn 7 tỷ đồng. Cuối năm 2018, tổng tài sản đạt 214 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 50 tỷ đồng.

Năm 2019, DCI đặt kế hoạch doanh thu 300 tỷ đồng, giảm 17%; lãi ròng chỉ còn 5 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước đó.

Nguyên nhân, theo Ban lãnh đạo, là bởi tình hình ngành sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm phân bón tiếp tục khó khăn. Công ty chỉ duy trì hoạt động này theo quy mô hợp lý.

Tuy nhiên, nhìn sâu vào DCI sẽ thấy, Công ty đang quản lý sử dụng 4 khu đất trung tâm tại TP. Ðà Nẵng với diện tích hơn 16 ha, bao gồm quyền sử dụng đất lâu dài với diện tích 1.362 m2 tại 53 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu; đất sản xuất - kinh doanh 3.805 m2 tại đường Yết Kiêu, quận Sơn Trà; phần diện tích 81.788 m2 tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu và 75.272 m2 ở đường số 3 Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Phải chăng, khối tài sản mà DCI sở hữu/được giao quản lý là các bất động sản đó mới là cái lý khiến giá cổ phiếu DCI được giao dịch cao ngất?

Theo đó, cổ đông lớn nhất của DCI càng tăng tỷ lệ sở hữu càng nắm chắc quyền sử dụng các tài sản “vàng” này.

Trong khi DCI đang là doanh nghiệp đại chúng trên sàn UPCoM, những dấu hiệu bất thường về giá cổ phiếu, về giao dịch chuyển nhượng cứ diễn ra như thể, doanh nghiệp là một ốc đảo, một mình một… “kiểu chợ”.    

Tin bài liên quan