Trung Quốc mở lại 'Con đường tơ lụa' bằng xe lửa đến châu Âu

Trung Quốc mở lại 'Con đường tơ lụa' bằng xe lửa đến châu Âu

“Một vành đai - Một con đường” không dễ dẫn đến thành công

(ĐTCK) Chuyến tàu hỏa đầu tiên (ngày 1/1/2017) kết nối từ vương quốc Anh tới tỉnh Chiết Giang miền Đông Trung Quốc, hay từ Khu vực thương mại tự do Hạ Môn tại tỉnh Vũ Hán tới Moskva (Nga) là 2 trong số những hợp tác mới nhất cho thấy sự phát triển của dự án “Một vành đai - Một con đường”, còn được biết đến với tên gọi Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khởi động dự án này vào năm 2013 và coi nó là ưu tiên chính sách phát triển trọng điểm của nước này. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh vào ngày 14-15/5 tới để đánh giá về những thành tựu, triển vọng thương mại và cơ sở hạ tầng mà dự án này mang lại.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” của Trung Quốc có thể vươn tới 65 quốc gia và 4,4 tỷ người dân trên thế giới, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Các quốc gia này tạo ra hơn 1/3 thương mại thế giới và sẽ cần khoảng 5.000 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng mới trong thập kỷ tới.

Rõ ràng, Trung Quốc là nguồn tài chính để giúp tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 26.000 tỷ USD mà Ngân hàng Châu Á (ADB) từng ước tính cho nhu cầu của 45 quốc gia châu Á vào năm 2030. Con số này tương đương với mức chi 1.700 tỷ USD mỗi năm, tức là cao gấp đôi so với mức trung bình hiện nay.

Bên cạnh đó, sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” cũng là khuôn mẫu cho các thỏa thuận thương mại, qua đó giúp tăng cường quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và trao đổi văn hóa Trung Quốc, bên cạnh mấu chốt nằm trong tác động tiềm năng tới cơ sở hạ tầng như: dầu mỏ và đường ống dẫn khí đốt, đường sá, tàu hỏa, cầu cảng và sân bay...

Clip chuyến tàu đầu tiên trở hàng Anh - Trung Quốc  

Trên phương diện quy mô, sáng kiến này lớn hơn so với “Kế hoạch Marshall” của Mỹ cuối chiến tranh thế giới thứ II, có quy mô khoảng 130 tỷ USD nếu tính về giá trị thực tế hiện nay.

Tuy nhiên, giới phân tích đặt ra câu hỏi, liệu sáng kiến này là một dự án phát triển kinh tế Á-Âu, hay chỉ là một dự án quan hệ và chính sách quốc tế nhằm đem lại lợi ích cho Trung Quốc?

Không thể phủ nhận Trung Quốc vừa muốn đặt dấu ấn địa-chính trị, lại vừa muốn giành lợi thế về kinh tế và thương mại.

Các dự án cơ sở hạ tầng và kinh tế sẽ giúp hội nhập các tỉnh nghèo miền Tây vào các khu vực trung tâm công nghiệp tại Đông Bắc Trung Quốc, kết nối mạng lưới đường ống năng lượng tại Trung Á và Nga, cùng với các cảng nước sâu tại Nam Á và Đông Nam Á.

Sáng kiến này cũng cung cấp cho các doanh nghiệp quốc doanh cơ hội để chuyển công suất dư thừa ra nước ngoài, qua đó thúc đẩy sản xuất nội địa Trung Quốc, mở rộng thị trường và chế xuất.

Thách thức phải đối mặt

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc và các đối tác Á-Âu có nhiều điểm không hoàn toàn tương thích và trong một số trường hợp, nó thậm chí còn gây ra các trở ngại.

Thứ nhất, sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” đã trở thành mái nhà chung cho rất nhiều dự án và ý tưởng, mà đa phần trong đó không hề mới. Nhiều dự án đã được triển khai, hay phối hợp hành động.

Chẳng hạn, dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan kết nối Kashgar tại miền Tây Tân Cương với Cảng Gwadar biển Ả Rập, từng được manh nha từ hàng chục năm trước, song chỉ mới được chính thức hóa qua chuyến thăm Pakistan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4/2015.

Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các quốc gia có mức độ xếp hạng tín dụng thấp hoặc dưới mức đầu tư tín dụng, thường chỉ phát huy hiệu quả nếu nhận được các ưu đãi đặc biệt. Bên cạnh đó, các liên kết giao thông cũng cần phụ thuộc vào hệ thống đường bộ và đường sắt, quy trình quản lý và hải quan hiệu quả, cũng như cơ sở hạ tầng phân phối và lưu trữ.

Các dự án cơ sở hạ tầng thường đối mặt với rủi ro tham nhũng và quản trị yếu kém. Đây chính là chủ đề mà Trung Quốc sẽ phải thảo luận kỹ lưỡng với các quốc gia tham dự sáng kiến này.

Thứ ba, các vấn đề chính trị, cũng như tranh cãi trong và giữa các quốc gia tham gia sáng kiến là không giống nhau. Đơn cử, Nga vẫn thể hiện quan điểm “nước đôi”, khi Moskva chưa hết e ngại về sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Nga và Trung Quốc tại khu vực Trung Á. Hay tại Ấn Độ, giới chức hoạch định chính sách nước này cho rằng, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là điều không thể chấp nhận với New Delhi…

Cuối cùng, bản thân Trung Quốc cũng đang gặp những khó khăn kinh tế nhất định, khi quốc gia này phải giải quyết tình trạng dòng vốn chảy ra bên ngoài, suy giảm dự trữ ngoại tệ hay không để đồng Nhân dân tệ mất giá quá mạnh…

Trên cơ sở đó, giới phân tích cho rằng, dự án “Một vành đai - Một con đường” là rất tham vọng và có tiềm năng đem lại lợi ích cho cuộc sống của rất nhiều người. Tuy nhiên, liệu nó có thể triển khai hiệu quả, hay mãi chỉ là một công trình tập hợp nhiều dự án “triển vọng” vẫn là một câu hỏi lớn.

Tin bài liên quan