1. Tôi đang ở tại Vũng Tàu, ngay sau khi Sài Gòn được xóa bỏ giãn cách, cho tới tận thời điểm gõ các dòng chữ này. Thực ra thì cũng có khoảng thời gian chạy qua chạy lại, nhưng chủ yếu tôi dành thời gian làm việc trực tuyến tại thành phố biển này, trong căn hộ “second home” của gia đình.
Trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội, Vũng Tàu vắng vẻ, bãi biển không có ai. Chung cư của gia đình tôi kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào, thậm chí cô con gái tôi từ Sài Gòn xuống thăm mẹ cũng bị giữ lại ở bên dưới lễ tân. Phải sau đủ các cuộc nhắn tin, gọi điện xin phép Ban quản lý, kiểm tra thân nhiệt, báo cáo y tế, tôi mới đưa được con gái lên nhà. Những ngày đó, nhìn dãy hành lang hoang vắng, khác hẳn với trước đây tấp nập du khách tới thuê nhà ở ngắn ngày do nhiều chủ gia đình kinh doanh homestay, mới thấy một cuộc sống quá khắc nghiệt do dịch bệnh mang lại.
Gần ngày lễ 30/4 năm nay, lệnh dỡ bỏ giãn cách có hiệu lực, hoạt động cho thuê homestay bắt đầu khởi động lại. Tuy nhiên, vì Vũng Tàu vẫn chưa cho phép du khách và người dân tắm biển, nên rất nhiều khách đã đặt thuê homestay, rồi lại hủy phòng. Giới kinh doanh loại hình lưu trú này khóc ròng thời điểm ấy. Có người bạn gửi cho tôi 1 biệt thự đẹp, 5 phòng ở, có hồ bơi, ngay gần biển, mà giá chỉ có 2 triệu đồng/đêm. Ai mà hình dung được vào ngày lễ mà giá dịch vụ lưu trú cao cấp lại “bèo” tới vậy. Chưa năm nào mà người ta phải chứng kiến những khó khăn chồng chất trong kinh doanh như năm nay, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch.
Nhưng, chỉ ngay sau khi chính quyền cho phép người dân được tắm biển, thì ngay lập tức du khách lại tới rất đông. Chung cư của gia đình tôi ở gần Bãi Sau, trong thang máy lại tấp nập các nhóm gia đình, nhóm bạn trẻ rủ nhau đi chơi, đi tắm biển. Hành lang lại vẳng tiếng cười đùa, tiếng con trẻ bi bô đòi ăn món này món kia khi đi chơi.
Sáng nay, tôi ghé thăm anh bạn kinh doanh quán cà phê có view mặt biển ở Bãi Trước, cả quán đông nghẹt khách, tìm mãi mới có ghế ngồi. Anh khoe có ngày cao điểm đón tới 700 lượt khách tới ăn uống. Vì nhiều khách quá, nhân viên chạy bàn mệt xỉu. 21h, lẽ ra ngày bình thường vẫn đón khách, nhưng các bữa đông quá thì quán phải từ chối không nhận. Nhìn ông bạn mồ hôi đầm đìa ướt áo thun, chạy tới lui trong quán vất vả quá, nhưng cũng mừng. Một cuộc sống “bình thường mới” đang quay trở lại, dù có nhiều sắc thái, nhưng đó mới chính là những lát cắt cuộc đời.
2. Tôi có chị bạn hàng xóm thuê tới hơn 20 căn hộ để kinh doanh homestay. Mấy năm nay, chị tất bật với công việc mới này. Ngày thứ Bảy và Chủ nhật, gần như không hẹn hò được với chị. Chị chạy dẫn khách lên phòng, chị nghe điện thoại và điều phối đủ thứ chuyện.
Từ công việc làm homestay, chị có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều khách từ khắp nơi tới, Sài Gòn, các tỉnh miền Tây, miền Đông, các tỉnh phía Bắc… Và rất nhiều Việt kiều ở nhiều nơi trên thế giới, sau khi tới ở các căn hộ của chị, thì đều trở thành bạn, gọi điện thăm hỏi.
Từ mối quan hệ trong công việc này, chị kinh doanh căn hộ rất mát tay. Năm vừa rồi, chị mua bán tới hơn 20 căn hộ, và tất nhiên lần nào cũng có lời. Ít thì sang tay ngay khi vừa đặt cọc 50 triệu, nhiều thì mua rồi và bán ra lời 200-300 triệu đồng. Tôi vẫn nói vui với chị rằng, lỗi của chị lớn lắm nha, “nhờ” chị mà căn hộ gần biển lên giá đó.
Nhưng dù kiếm được tiền lời kha khá từ việc mua bán căn hộ, nhưng chị hàng xóm vẫn chung thủy với công việc kinh doanh homestay. Chị nói công việc tất bật lắm, vất vả lắm, vì toàn các việc lặt vặt, không tên, thậm chí nửa đêm cũng vẫn phải nghe điện thoại và xử lý khi khách đi bỏ rác mà để quên chìa khóa trong phòng.
Gió biển thổi vô sập cửa, vậy là khách lại alo í ới nhờ chủ tới mở cửa dùm. Các chuyện tùm lum ấy rèn cho người kinh doanh sự kiên nhẫn, cách giao tiếp hòa nhã, sự thân thiện tình nghĩa. Và sau đó, thì người ta quay lại, rồi giới thiệu người thân quen tới ở tiếp nữa. Rồi vì thích nơi ở quá, có người lại hỏi mua căn hộ luôn.
Sự khó khăn bao giờ cũng khiến nhiều người nản chí. Nhưng cũng là thử thách để tạo cơ hội cho người có ý chí. Còn nhớ thời điểm bắt đầu mùa dịch, nhiều người kinh doanh homestay đã vội vã trả nhà cho thuê. Nhiều chủ thực sự thì vội vã kiếm khách khác cho thuê với việc hạ giá thấp tới mức thảm luôn. Tới giờ mọi việc đã đi vào guồng quay trở lại, thì không có sản phẩm để kinh doanh nữa. Nên lại hối hả tìm kiếm, lại nâng giá thuê vội vàng vì sợ mất cơ hội.
Mừng vì Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh. Mừng vì các hoạt động kinh doanh du lịch đã tìm được đà phát triển trở lại. Mọi kế hoạch vĩ mô quá khó để nhìn nhận và đánh giá được ngay. Nhưng mừng là nghe được tiếng cười nói xôn xao, hình ảnh tất bật của những người kinh doanh homestay chạy đón khách, alo trả lời báo giá phòng ngày cuối tuần và ngày bình thường trong tuần.
Vậy thôi, cũng đủ vui rồi!