Không cứng nhắc, biết tận dụng cơ hội, khắc phục hạn chế và vượt qua thách thức, ASEAN được nhìn nhận tổng thể là một tổ chức khu vực luôn biết tự điều chỉnh để thích nghi với môi trường khu vực và thế giới đang thay đổi hàng ngày. Qua đó, ASEAN khẳng định được sức sống và giá trị tồn tại của mình, cũng như thể hiện được vai trò trong khu vực. ASEAN đã hình thành và phát huy được bản sắc riêng - “bản sắc ASEAN”, “phong cách ASEAN”, dựa trên sự “thống nhất trong đa dạng” và các nguyên tắc quan trọng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), nhất là nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp.
Thành công lớn nhất của ASEAN trong 40 năm qua chính là đã hình thành được một tổ chức khu vực bao gồm đầy đủ 10 nước Đông Nam Á, đưa đến những thay đổi căn bản về chất của Hiệp hội, thúc đẩy xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực; hợp tác nội bộ được gia tăng và đi vào chiều sâu; tổ chức bộ máy dần hoàn thiện. ASEAN cũng đã thiết lập được quan hệ đối thoại với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới và khởi xướng thành công, giữ vai trò chủ đạo tại nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là ASEAN+3 (gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF, hiện gồm các nước ASEAN và 17 thành viên khác, trong đó có 10 nước đối thoại của ASEAN là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Canada và Liên minh châu Âu).
Hiện nay, ASEAN đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu của Tuyên bố hoà hợp ASEAN II được lãnh đạo các nước ASEAN ký năm 2003 tại Indonesia (còn gọi là Tuyên bố Bali II). Tuyên bố này hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN (ASCC). Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ XII tổ chức hồi đầu năm nay tại Philippines, ASEAN đã quyết định đẩy nhanh thời hạn hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, sớm 5 năm so với dự định ban đầu là năm 2020. Trước mắt, dự kiến cuối năm nay, Hiến chương ASEAN sẽ được hoàn tất, đưa ra những định hướng quan trọng cho hợp tác, phát triển của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực đến năm 2015 và sau đó.
Tiếp theo những thành công rực rỡ trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế của năm 2006, nhất là việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 14, năm nay Việt Nam cùng các nước ASEAN kỷ niệm 40 năm thành lập Hiệp hội, đồng thời nhìn lại chặng đường 12 năm tham gia ASEAN (từ 28/7/1995) với vai trò tích cực và có những đóng góp quan trọng.
Việt Nam luôn đóng vai trò chủ chốt trong việc xác định các quyết sách lớn và phương hướng hợp tác quan trọng của ASEAN, cũng như tăng cường đoàn kết, hợp tác và nâng cao vị thế quốc tế của Hiệp hội. Trong đó, đóng góp nổi bật là thúc đẩy hình thành một ASEAN gồm đủ 10 nước trong khu vực, tăng cường đoàn kết, hợp tác, mở ra thời kỳ phát triển mới về chất của quan hệ giữa các quốc gia.
Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN VI tại Hà Nội (tháng 12/1998), đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2000 - 2001, tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, cũng như nhiều hội nghị bộ trưởng chuyên ngành khác của ASEAN tại Việt Nam. Những đóng góp cụ thể của Việt
Xuất phát từ quan điểm “một ASEAN vững mạnh, đoàn kết, hội nhập và liên kết là lợi ích chung của các dân tộc khu vực Đông Nam Á”, Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hợp tác chặt chẽ cùng các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển ổn định và phồn vinh, xứng đáng với vị trí ở “trái tim của châu Á năng động”.