Giếng trời tại nhà ga Bến Thành đã lộ diện, những luồng sáng bên ngoài đã chiếu vào.
Trái ngược với không khí rộn ràng chuẩn bị để đón Tết ở bên ngoài, tại công trường của dự án, nhiều công nhân vẫn miệt mài làm việc. Ghi nhận thực tế tại công trường cho thấy, tại khu vực phía dưới tầng B1, nhóm công nhân khác cũng đang ráo riết thi công, dù môi trường làm việc oi bức và bụi bặm.
Anh Trần Hải Trường, công nhân phụ trách khâu rải đế, lót ray tại ga ngầm Bến Thành, dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, ăn vội ổ bánh mì để bắt đầu công việc. Trong lớp khẩu trang kín mít cùng chiếc nón bảo hộ, anh Trường thoăn thoắt tay nện từng nhát búa chan chát lên đường ray.
Một số hạng mục của tuyến metro số 1 sẽ được thi công xuyên tết để đẩy nhanh tiến độ toàn dự án. |
Có thể nói, Tết năm nay đặc biệt hơn mọi năm, bản thân anh Trường cũng như nhiều công nhân khác vừa nôn nao vừa lo lắng. Nôn nao vì lại một năm sắp qua, nhưng buồn vì kinh tế eo hẹp. Do vậy, những người công nhân như anh chỉ mong ước năm 2022 sẽ không chịu cảnh mất việc vì dịch bệnh lần nào nữa.
Chị Mai Thị Vân, công nhân vệ sinh bê tông, làm đẹp bề mặt, cho biết đây là năm đầu tiên chị làm việc tại công trình. Trải qua đợt dịch khó khăn, chị Vân và gia đình nhỏ quyết định không về Thanh Hóa mà ở lại thành phố đón Tết.
“Thấy ai rục rịch về quê tôi lại nao lòng. Hy vọng trong năm mới, cuộc sống sẽ ổn định, dịch chóng qua đi, nhịp sống trở lại bình thường. Lúc đó tôi có thể tự tin về quê đón Tết, sum họp với người thân ở nơi chôn rau cắt rốn”, chị Vân chia sẻ.
Tương tự, ông Bùi Văn Dũng, công nhân tại nhà ga Bến Thành cũng chia sẻ, năm nay, chủ đầu tư và nhà thầu tạo điều kiện cho công nhân được về quê ăn tết sớm nên ai cũng cảm thấy nôn nao. Tuy nhiên, những người ở quê xa như ông sẽ không về mà đăng ký ở lại làm việc xuyên Tết.
Dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn trả toàn bộ mặt bằng khu vực quận 1 như Công viên 23-9, quảng trường trước chợ Bến Thành, đường Lê Lợi… |
Thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cho hay, Ga Bến Thành là nhà ga trung tâm, kết nối các tuyến metro số 1, 2, 3… Ngoài nhiệm vụ phục vụ giao thông công cộng, ga này còn có chức năng trung tâm thương mại.
Hiện nay, các hạng mục liên quan như kết cấu, kiến trúc của nhà ga đã hoàn thành. Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ đắp trả mặt bằng phía trên nhà ga và đoạn đào hở Lê Lợi. Đoạn đào hở hiện nay đang chờ bàn giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc để thực hiện chỉnh trang, mang lại mỹ quan cho trung tâm thành phố.
MAUR cho biết thêm, hiện nay các gói thầu khác đang tập trung hoàn thiện những hạng mục cuối. Riêng gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe) cũng đang tập trung lắp cửa chắn ke ga PSD và lắp cấp điện trên cao cho đoàn tàu.
“Năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới nhiều dự án, trong đó có metro số 1. Do đó, hai năm qua, nhiều công nhân kỹ sư cũng chưa thể về quê. Họ đã quyết định cùng với dự án thi công xuyên lễ, xuyên tết để đẩy mạnh tiến độ cho toàn dự án.
Vì vậy, trong dịp tết này, MAUR và các nhà thầu sẽ tạo điều kiện cho các công nhân và kỹ sư được về quê sum họp cùng gia đình. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ toàn dự án, MAUR và các nhà thầu sẽ duy trì thi công xuyên tết đối với một số gói thầu”, ông Nguyễn Bùi Minh Quân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 1 chia sẻ.
Đại diện MAUR cho biết thêm, sắp tới, gói thầu CP3 sẽ phối hợp với các đơn vị để kéo cáp điện đoạn trên cao. Đồng thời tiến hành chạy thử tàu ở khu vực depot Long Bình và đoạn trên cao.
Tính tới thời điểm hiện nay, dự án tuyến metro số 1 đạt 88,61% tổng khối lượng. Trong đó, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đạt 95%; gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đạt 99%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot đạt gần 95%; gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe) đạt 75,08%.
Năm 2022, MAUR đặt ra mục tiêu nhập khẩu xong 17 đoàn tàu và tiến hành chạy thử các đoàn tàu. Cũng trong năm 2022, đơn vị sẽ hoàn trả toàn bộ mặt bằng khu vực quận 1 như Công viên 23-9, quảng trường trước chợ Bến Thành, đường Lê Lợi…