Tình trạng cắt giảm lao động đang phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu. Ảnh: Đ.T
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Ngay khi có tín hiệu báo nghỉ giải lao giữa cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã bị nhiều doanh nghiệp vây quanh.
“Nhiều doanh nghiệp báo chưa có đơn hàng cuối năm. Tình hình thiếu điện hiện hữu. Chiều 18/5, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và Khu công nghiệp Vân Trung vừa bị cắt điện toàn bộ để giảm phụ tải… Khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, nếu không kịp gỡ, người lao động sẽ không có việc làm, thu nhập giảm, ảnh hưởng đến sức mua, đến an ninh trật tự”, ông Dương chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Ngay trong cuộc làm việc trước đó, ông Nguyễn Cường, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đã gửi một danh sách dài những khó khăn mà các hội viên gửi lên. Trong đó, các doanh nghiệp may mặc, chế biến xuất khẩu, cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng… thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp bất động sản, nhà thầu xây dựng đình trệ…
“Đặc biệt, lãi suất còn quá cao, tuy đã hạ; điều kiện vay vốn vẫn ngặt nghèo. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã có, nhưng triển khai chậm…”, ông Cường “điểm danh”.
Đây không phải là khó khăn riêng của doanh nghiệp ngành nào, vùng nào. Ngay tuần trước, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã chính thức báo cáo quyết định không kéo dài hợp đồng với hơn 5.700 lao động (khoảng 10% tổng số lao động của doanh nghiệp này), với nguyên nhân là đơn hàng sụt giảm. Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội nhiều tỉnh, thành phố cũng đang gửi đi thông tin về tình trạng cắt giảm lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu…, như dệt may, da giày, cung ứng phụ trợ…
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo về khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế, khi tăng trưởng tín dụng chững lại, bất chấp việc nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3/2023 và thanh khoản thị trường dồi dào.
Thực ra, khó khăn từ thị trường quốc tế đã được dự báo, khi đơn hàng bắt đầu sụt giảm từ quý IV năm ngoái. Cho tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn, đơn hàng mới chưa có, còn đơn hàng tồn thì bị đối tác hoãn, giãn giao hàng.
“Nếu chỉ khó khăn như vậy, thì doanh nghiệp chỉ cần vốn để qua được giai đoạn này, chờ kinh tế thế giới phục hồi. Nhưng đó là bài toán của doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Với nhiều doanh nghiệp khác, như bất động sản, xây dựng, du lịch…, thì thủ tục hành chính vẫn là khó nhất”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành chia sẻ.
Theo ông Tín, đây là bài toán khó giải nhất, khó dự liệu nhất, cả về thời gian và chi phí thực thi.
Niềm tin kinh doanh bấp bênh
Trong dự thảo tình hình doanh nghiệp mà Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đang hoàn thiện, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần này, các doanh nghiệp đều kêu khó. Nhưng, khó khăn không chỉ nằm ở các vấn đề hiện hữu.
“Doanh nghiệp tư nhân đang bi quan hơn khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhỏ đang khó hơn doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp khu vực TP.HCM đang thấp hơn các tỉnh, thành phố khác. Đây là thách thức rất lớn của nền kinh tế”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV thông tin.
Đáng nói là, sự lo lắng, bi quan hơn đang đến từ tình trạng khó khăn trong thực thi chính các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thậm chí, bà Thủy còn cho biết, các doanh nghiệp gọi đây là “khúc mắc toàn diện”.
Vì cho tới thời điểm này, những kiến nghị kiểu như “một số quy định pháp lý liên quan đến điều kiện kinh doanh còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, thiếu khả thi; một số văn bản pháp lý đã ban hành có quy định chưa phù hợp với thực tế, gây khó cho doanh nghiệp. Một số vấn đề doanh nghiệp kiến nghị từ lâu, nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo; quy định tại một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn tạo nên những thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với thực tiễn, có thể tạo nguy cơ gia tăng gánh nặng tuân thủ, cản trở đáng kể hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…”, vẫn tiếp tục có mặt trong kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới các bộ, ngành, địa phương và cả Chính phủ.
Trong các kiến nghị mà Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang gửi Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc làm việc ngày 18/5 vừa qua, ông Nguyễn Cường cũng đã nhấn mạnh những khó khăn trong tiếp cận quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, các kế hoạch đầu tư công, thông tin về đấu thầu, những định hướng phát triển lớn của địa phương cũng như những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, xin thuê đất…
Đáng nói là, trong bối cảnh quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, nhiều điểm trong luật chưa được rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, các cơ quan Trung ương thường trả lời chậm và trả lời rất chung chung, khiến doanh nghiệp không biết thực hiện thế nào, thì ở địa phương, một số sở, ngành còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thiếu họp bàn kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Môi trường kinh doanh phụ thuộc vào chất lượng thực thi
Ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 436/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương báo cáo những kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành chưa được các bộ, cơ quan giải quyết.
Bắc Giang là một trong 15 địa phương báo cáo có một số kiến nghị, đề xuất chưa được bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giải quyết. Ở cấp bộ, có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh việc báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh đã yêu cầu cán bộ không đùn đẩy trách nhiệm, nói không với nhũng nhiễu, với vô cảm, để đồng hành với doanh nghiệp.
Cần phải nói thêm rằng, số địa phương có ý kiến trên được tập hợp đến ngày 17/5, từ báo cáo của 4/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ và 16 tỉnh, thành phố theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 365/CĐ-TTg về việc khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, với thời hạn là trước ngày 15/5.
Có thể thấy, tỷ lệ bộ, ngành, địa phương chưa báo cáo còn khá nhiều, buộc Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Công điện số 436/CĐ-TTg, với thời hạn mới là ngày 25/5/2023. Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, trường hợp không có kiến nghị, đề xuất nào chưa được bộ, cơ quan giải quyết, thì phải báo cáo rõ là không có.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một số doanh nghiệp cho biết, họ rất hiểu những khó khăn hiện tại mà các bộ, ngành đang phải đối mặt trong xử lý các đề xuất, kiến nghị, khi nhiều quy định chồng chéo, khó hiểu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, vai trò của cơ quan thực thi vô cùng quan trọng. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, môi trường kinh doanh tốt hay không đang phụ thuộc vào chất lượng thực thi của bộ máy công chức các cấp.
“Nhiều nhà đầu tư chia sẻ với tôi, họ chọn địa điểm đầu tư không chỉ bởi số ngày cấp phép cho dự án, mà là sự vận hành của bộ máy công chức ở địa phương. Một khi đã quyết định đầu tư, thì việc vận hành có thuận lợi hay không mới là yếu tố họ quan tâm nhất”, ông Tuấn nói.
Đây cũng là kiến nghị mà VCCI gửi tới nhiều địa phương, khi đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các tài liệu có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, đấu thầu, pháp lý, ưu đãi đầu tư…
Theo VCCI, các sở, ban, ngành, các địa phương cần nâng cấp cổng thông tin điện tử và cập nhật thường xuyên các thông tin có liên quan, hạn chế việc phải có mối quan hệ thân quen mới tiếp cận được tài liệu; đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, tiếp cận nguồn vốn…
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Làm sao để các quy định chỉ có một cách hiểu và thực hiện
- Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành
“Trách nhiệm công chức được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật, nên để gỡ, thì cần gỡ các quy định, làm sao để chỉ có một cách hiểu và thực hiện. Nếu còn tình trạng địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan Trung ương có thể lý giải khác nhau về cùng một vấn đề, thì không thể giải quyết được các ách tắc hiện tại”.
Sớm cụ thể hóa chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
- Ông Nguyễn Cường, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang
“Một số việc thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành nhưng vẫn chờ chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc có văn bản hỏi bộ, ngành Trung ương.
Các sở, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cấp, các ngành sớm cụ thể hóa những chính sách của Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là tình hình cấp bách hiện nay”.