Mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu ở Biển Đỏ vẫn ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu ở Biển Đỏ vẫn ở mức cao, ngay cả khi có nỗ lực bảo vệ các tàu thương mại khỏi các cuộc căng thẳng quân sự.
Mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu ở Biển Đỏ vẫn ở mức cao

Quyết định của hãng vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch hôm thứ Ba (2/1) về việc tạm dừng các chuyến vận tải qua Biển Đỏ và Vịnh Aden cho đến khi có thông báo mới đã nhấn mạnh sự khó khăn đối với sáng kiến Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng (OPG) do Mỹ dẫn đầu.

Công ty cung cấp dịch vụ phân tích MarineTraffic cho biết, đứng trước nhiều nguy cơ, một số tàu thương mại đang di chuyển khỏi Biển Đỏ và thay vào đó đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi. Điều đó đã thúc đẩy sự gia tăng giá cước container đi từ Thượng Hải.

Cho đến nay, tình hình ở Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến 225 tỷ USD giao dịch thương mại. Hãng hậu cần Kuehne+Nagel cho biết, căng thẳng ở Biển Đỏ đã làm ảnh hưởng đến 330 tàu với tổng công suất ước tính là 4,5 triệu container 20 feet (TEU). Theo công ty tư vấn vận tải MDS Transmodal, giá trị của mỗi container vận chuyển qua Kênh đào Suez là 50.000 USD.

Giá cước vận tải container từ Thượng Hải đến một số địa điểm quan trọng

Giá cước vận tải container từ Thượng Hải đến một số địa điểm quan trọng

Nhà cung cấp dữ liệu thương mại toàn cầu Kpler cho biết, số lượng tàu thực hiện định tuyến đã tăng lên 124 trong tuần này từ mức 55 của tuần trước và 18 của một tháng trước.

Jean-Charles Gordon, Giám đốc theo dõi tàu tại Kpler cho biết: “Đồng thời, phân tích của chúng tôi về giao thông qua eo biển Bab al-Mandeb đối với tất cả các tàu kết hợp cho thấy xu hướng giảm nhất quán trong việc đi qua eo biển đối với cả tàu đi theo hướng Bắc và hướng Nam” (Eo biển Bab al-Mandeb nối Biển Đỏ với Vịnh Aden, mở ra Biển Ả Rập ở Ấn Độ Dương).

Điều đó làm tăng nguy cơ cho Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng. Để đạt được kết quả, lực lượng đặc nhiệm sẽ cần rất nhiều sự phối hợp hải quân.

Mark Montgomery, thành viên cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, từng giữ chức giám đốc chính sách của Ủy ban Quân vụ Thượng viện dưới thời Thượng nghị sĩ John McCain lưu ý rằng, chi phí cho việc bắn nhiều tên lửa là quá lớn.

“Chúng ta sẽ cần phải nhóm chúng thành các đoàn xe lỏng lẻo, phối hợp vận chuyển của hải quân và bạn phải xuất kích bằng trực thăng để ngăn chặn các tàu nhỏ tiến đến các điểm tắc nghẽn”, ông cho biết.

Mặt khác, sự lãnh đạo của Mỹ trong chiến dịch này đã dẫn đến một số căng thẳng. Ami Daniel, Giám đốc điều hành của công ty dữ liệu Windward và là cựu sĩ quan hải quân Israel cho biết, việc xây dựng thương hiệu của liên minh do Mỹ lãnh đạo khiến Pháp chỉ muốn bảo vệ các công ty có trụ sở chính tại quốc gia của họ. CMA CGM - một hãng vận tải biển của Pháp - đang được hải quân nước này hộ tống.

“Các nước đang bảo vệ lợi ích của mình. Những gì tôi thấy là sự thiếu hiểu biết về cách hoạt động của vận chuyển và thương mại toàn cầu. Thương mại không chỉ là một lá cờ gắn liền với một con tàu. 130 tàu do các công ty có trụ sở tại Mỹ sở hữu và vận hành nhưng không treo cờ Mỹ. Khi mở rộng liên kết cờ, sẽ có nhiều sắc thái”, ông Ami Daniel cho biết.

Tuy nhiên, Goetz Alebrand, người đứng đầu vận tải đường biển tại DHL Global Forwarding cho biết, các hãng vận tải đang đưa ra quyết định theo từng trường hợp cụ thể về việc có nên đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez hay không, điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng về thiết bị và tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra ở châu Á khi thời gian vận chuyển tăng lên.

“Trước những thách thức hiện tại ở Kênh đào Suez, nhiều hãng vận tải đang chọn tuyến đường dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng để đảm bảo an toàn cho thủy thủ đoàn và hàng hóa”, ông cho biết.

Tin bài liên quan