Một phần sa mạc gần thị trấn khai thác mỏ Kalgoorlie ở vùng Goldfields được mệnh danh là “hành lang quyền lực lithium”, trong khi các thương vụ ở Pilbara nằm ở Tây Úc đã khơi dậy ký ức về sự bùng nổ quặng sắt vào những năm 1960 và cơn sốt niken vào những năm 1970.
“Những giai đoạn thú vị này không diễn ra quá thường xuyên, những khoảng thời gian kéo dài về nhu cầu đối với một loại hàng hóa”, Tom Reddicliffe, Giám đốc điều hành của GreenTech Metals cho biết.
Cuộc chiến giành quyền khai thác hành lang lithium bắt đầu vào tháng 9, khi Tập đoàn Albemarle của Mỹ, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới đồng ý trả 4,3 tỷ USD cho Liontown Resources, một dự án mới đã đạt được thỏa thuận cung cấp với Tesla và Ford. Tuy nhiên, việc tiếp quản đã bị Gina Rinehart, người giàu nhất nước Úc ngăn cản thành công.
Rio Tinto - công ty đã bị cản trở trong nỗ lực mở mỏ lithium ở Serbia vào năm ngoái - cũng để mắt đến tiềm năng của Tây Úc khi đã nộp đơn xin một loạt giấy phép khám phá một khu đất để lấy tài nguyên, bao gồm khoảng 130.000 ha trong hành lang lithium.
Diễn biến giá lithium |
John Prineas, Chủ tịch điều hành của Công ty Khai thác St George Mining cho biết, các khoản đầu tư cho thấy các công ty trong chuỗi cung ứng pin đang đi theo sự dẫn dắt của các nhà sản xuất ô tô như Tesla trong việc hỗ trợ các công ty khai thác Úc giai đoạn đầu.
“Những người chơi lớn đang nắm giữ vị thế sớm vì việc làm như vậy sau khi được phát hiện sẽ rất tốn kém. Đó chắc chắn là một dấu hiệu tích cực cho tương lai của ngành công nghiệp lithium ở đây”, ông cho biết.
Những thỏa thuận này cũng xảy ra vào thời điểm giá lithium đã giảm tới 70% so với mức cao nhất đạt được trong năm ngoái, do kỳ vọng về nhu cầu xe điện tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc đã giảm xuống.
“Tất cả những lời bàn tán đều là về tình trạng dư cung lithium, nhưng đó không phải là những gì chúng tôi thấy từ người tiêu dùng cuối cùng”, ông John Prineas cho biết.
Tây Úc đã cung cấp khoảng một nửa lượng lithium thô của thế giới và được coi là nơi đầu tư ổn định so với các khu vực ở Châu Phi (nơi có bất ổn chính trị) và Chile (nhà nước đã chuyển sang kiểm soát các dự án lithium).
Một báo cáo của nhà kinh tế trưởng của Úc cho biết, xuất khẩu sản phẩm lithium đã vượt 20 tỷ đô la Úc trong năm tính đến tháng 6/2023, tăng so với 5 tỷ đô la Úc của năm trước. Báo cáo cho biết rằng đến năm 2028, giá trị xuất khẩu lithium sẽ vượt quá giá trị than đá, một mặt hàng chủ lực của nền kinh tế Úc trong nhiều thập kỷ.
Úc có tham vọng tăng cường nỗ lực tinh chế spodumene - một loại khoáng chất thường được khai thác từ các mỏ đá cứng ở Úc - để giữ nhiều giá trị hơn thay vì vận chuyển tất cả tài nguyên của mình sang Trung Quốc, quốc gia có vai trò chỉ đạo trong quá trình tinh chế lithium.
Quá trình tinh chế tạo ra lithium hydroxit có giá trị cao hơn, một hợp chất hóa học được sử dụng trong pin xe điện. Bộ trưởng Tài nguyên Úc Madeleine King cho biết các khoáng sản quan trọng như lithium và đất hiếm cần được xử lý nhiều hơn than và quặng sắt mà Úc luôn tập trung vào. “Chúng tôi có tham vọng cao và muốn cạnh tranh với những công ty hiện đang thống trị thị trường”, bà cho biết.
Tuy nhiên, nỗ lực đẩy mạnh tinh chế đã gặp phải trở ngại bởi sự chậm trễ, chi phí vượt mức, thách thức kỹ thuật và thiếu kỹ năng, có nghĩa là thách thức của Úc đối với vị thế của Trung Quốc đã đạt được tiến bộ chậm hơn dự đoán.