Phú Quốc (Kiên Giang) dự kiến thí điểm đón khách quốc tế trong 6 tháng kể từ tháng 10/2021.
Cánh cửa du lịch dần mở
Sau thời gian dài đóng băng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thí điểm mở cửa đón khách du lịch. Đơn cử, Phú Quốc (Kiên Giang) dự kiến thí điểm đón khách quốc tế trong 6 tháng kể từ tháng 10/2021.
Tương tự, TP.HCM cũng đã thí điểm mở cửa ngành du lịch huyện Cần Giờ, khi tổ chức tour dành cho hơn 100 nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch tại TP.HCM. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cũng đã cho phép thực hiện thí điểm mô hình “bong bóng du lịch” đối với 4 cơ sở, bước đầu áp dụng với khách nội địa và khách quốc tế đang lưu trú tại Việt Nam.
Hay tại Khánh Hòa cũng có kế hoạch đón khách du lịch. Theo đó, tỉnh dự kiến mở cửa du lịch nội tỉnh từ ngày 15/10 và sẽ ưu tiên khôi phục du lịch nghỉ dưỡng khi Chính phủ thông qua việc đón khách quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng sử dụng các khu du lịch ven biển có tính biệt lập để đón khách du lịch nội địa. Có thể kể đến như Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Khu du lịch Bãi Dài) hiện có 12 khách sạn nghỉ dưỡng đang hoạt động đã đăng ký tham gia với hơn 6.000 phòng lưu trú, nhân viên làm việc tại khu vực Bãi Dài đã được phủ tiêm vắc-xin hơn 80%.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đang xin Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép đón khách quốc tế sau khi Phú Quốc thí điểm thành công. Còn TP. Đà Nẵng, dự kiến từ ngày 1/10, địa phương này sẽ cho các cơ sở dịch vụ, địa điểm nghỉ dưỡng tổ chức hoạt động bình thường trở lại...
“Phá băng” bất động sản nghỉ dưỡng
Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, việc mở cửa tại các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, cũng như xu hướng của giới đầu tư vào phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng trong thời gian này là tất yếu. Đây không chỉ là tin vui đối với ngành du lịch và hàng không, mà còn là một tín hiệu tích cực của cả nền kinh tế sẽ sớm phục hồi sau thời gian trì trệ.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels đánh giá, việc Phú Quốc thí điểm đón khách du lịch là một bước đi đáng khích lệ cho ngành du lịch và hy vọng chương trình này sẽ được triển khai một cách thận trọng ở nhiều địa phương, nhằm tiến gần hơn tới việc mở cửa các hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước vào thời điểm thích hợp.
“Chuẩn bị lộ trình để tái mở cửa biên giới là cần thiết, để Việt Nam sớm nắm lấy cơ hội khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế. Số lượng du khách được đề xuất trong giai đoạn đầu vẫn chỉ là một phần nhỏ so với nguồn cung phòng của Phú Quốc và chương trình thí điểm này có thể chỉ giúp đem đến nguồn khách cho một số khu nghỉ dưỡng nhất định”, ông Mauro Gasparotti nói.
Tại một tọa đàm mới đây, ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO cũng nhận định, đây là chủ trương mới, các doanh nghiệp ở Phú Quốc cũng như các doanh nghiệp đang làm việc trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ rất kỳ vọng việc thí điểm này sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, sau khi các doanh nghiệp gần như đóng băng trong suốt thời gian dịch bệnh vừa rồi.
“Thông tin về việc thí điểm đón khách quốc tế cũng như mở rộng áp dụng thẻ xanh cho khách nội địa được chúng tôi rất quan tâm và đánh giá rất cao, mong đợi đến ngày đưa chủ trương này vào cuộc sống”, ông Trần Đạo Đức chia sẻ.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho biết thêm, trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn duy trì một lượng nhân viên để đảm bảo các hoạt động tối thiểu của khách sạn. Đồng thời thực hiện công tác đào tạo nhân viên, bảo hành bảo trì, sửa chữa nâng cấp các cơ sở dịch vụ sẵn có để sẵn sàng phục vụ du khách ngay sau khi ngành du lịch được mở cửa trở lại.
Đồng quan điểm, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME phân tích, du lịch hoạt động trở lại sẽ tạo ra dòng tiền cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, các chủ đầu tư tái đầu tư các dòng bất động sản nghỉ dưỡng, từ đó gián tiếp tạo ra sức hút cho các dòng sản phẩm thuộc phân khúc này.
Cốt lõi hấp dẫn của bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn nằm ở khâu vận hành và lấp đầy công suất nhờ cho thuê du lịch. Điều này cũng sẽ tạo nên niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư, các quỹ và hơn nữa là các đơn vị phát triển, quản lý vận hành quốc tế, vốn luôn hào hứng và mong muốn rót tiền vào thị trường đầy tiềm năng này.
“Khi ngành du lịch được hoạt động trở lại thì bất động sản, mà cụ thể là phân khúc nghỉ dưỡng sẽ là một trong những ngành liên đới, được hưởng lợi đầu tiên và mạnh nhất”, ông Cao Hữu Phi khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và bất động sản ven biển sẽ là phân khúc tiềm năng với tất cả khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng “cá mập” từ các nước lân cận. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng tìm kiếm những bất động sản có giá tốt, có khả năng thương thảo với ngân hàng và chủ đầu tư tiềm năng, mang về lợi nhuận lớn hơn.