Ông Chu Thuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (TDT) cho biết, Công ty bận rộn đầu tư hai nhà máy mới, nhưng vẫn nỗ lực lên niêm yết để phục vụ nhu cầu minh bạch thông tin, trước tiên là với các khách hàng.
“Một số khách hàng mới yêu cầu cao về mức độ minh bạch thông tin, nhất là khách hàng Nhật Bản. Khi TDT niêm yết, công bố thông tin theo quy định thì khách hàng nước ngoài có thể tìm hiểu mọi thông tin từ xa, trước khi đến tham quan nhà máy”, ông Thuyên nói.
Thị trường chứng khoán giảm giá không làm chùn bước kế hoạch niêm yết của TDT. Ngày 18/7/2018, doanh nghiệp ngành dệt may có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trụ sở chính tại tỉnh Thái Nguyên này niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Cách đây hơn 1 tháng, Công ty Văn Phú (VPI) đã chuyển niêm yết từ HNX sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Mục tiêu của VPI cơ bản là công khai, minh bạch theo chuẩn mực cao hơn. Trước đó, khi chưa đáp ứng điều kiện niêm yết trên HOSE, VPI đã niêm yết tại HNX.
Nhiều doanh nghiệp đại chúng nhận ra rằng, chỉ có minh bạch và không ngừng nâng cao các chuẩn mực hoạt động mới là động lực cho doanh nghiệp phát triển dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều bất ổn cho do tác động của USD tăng giá và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, khác với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước đây, những biến động của kinh tế thế giới lần này tạo ra thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội với các doanh nghiệp khi hàng rào thuế quan sẽ tái phân bổ sản xuất và thương mại trong khu vực cũng như trên toàn cầu.
Đơn cử, thép là lĩnh vực mà Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã áp hàng rào thuế quan với Trung Quốc từ 3 năm trước. Vì thế, đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Trung Quốc vào sản xuất thép cán nóng tại Indonesia tăng lên khiến công suất thép cán nóng của nước này vượt nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đầu tư nước ngoài trong ngành thép ở Việt Nam tăng lên, xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam cũng được hưởng lợi.
Những câu chuyện tương tự nhiều khả năng sẽ xảy ra khi các mặt hàng khác bị áp thuế vào Mỹ. Nhu cầu tiêu dùng của Mỹ với các mặt hàng bị đánh thuế nhập khẩu không giảm nên sẽ có sự dịch chuyển sang các nhà cung cấp khác không xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong sự dịch chuyển của đầu tư và thương mại toàn cầu, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam có đón bắt được cơ hội từ sự dịch chuyển này hay không phụ thuộc vào nỗ lực minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Sự chuyển động như tại TDT, VPI là những bước đi cơ bản đáng khích lệ.
Ở tầm quốc gia, thị trường chứng kiến thông điệp mạnh mẽ từ Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Đó là yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Quyết liệt hơn, Thủ tướng cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, định kỳ báo cáo về sự tăng/giảm, nguyên nhân của việc tăng/giảm số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh trong kỳ báo cáo.
Những nỗ lực ở tầm vĩ mô và những bước tiến ở các doanh nghiệp tiến tới sự minh bạch sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào tương lai TTCK và nền kinh tế.