MB thay đổi để dẫn đầu

MB thay đổi để dẫn đầu

(ĐTCK) Lần thứ 3 MB chính thức công bố chuyển về nhà mới, số 21 Cát Linh, Hà Nội cũng là lúc MB bước sang tuổi 20, tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, mỗi tổ chức. Chia sẻ với ĐTCK, ông Lê Công, Tổng giám đốc MB cho biết, so với chính mình, MB đã có những bước tiến vượt trội, nhưng nếu mở rộng tầm nhìn ra khu vực và quốc tế, MB còn phải cố gắng rất nhiều.

MB - Thay đổi để dẫn đầu

Sự phát triển nhanh và bền vững của MB, nhất là từ năm 2010 đến nay, xuất phát từ định hướng chiến lược của Ngân hàng, đặt mục tiêu MB sẽ tăng trưởng gấp 1,5 đến 2 lần mức tăng trưởng bình quân toàn ngành, với phương châm kinh doanh mới: Thay đổi để dẫn đầu.

Với 25 nhân sự, vốn điều lệ 20 tỷ đồng và 6 cái máy tính, Ngân hàng TPCP Quân đội (MB) khai trương hoạt động vào ngày 4/11/1994 tại 28A Điện Biên Phủ - có diện tích khoảng 300 m2, được Tổng cục Quốc phòng nhường cho MB để bắt đầu vận hành. “Thời điểm đó, không ai dự tính được rằng, Ngân hàng sẽ phát triển như hôm nay, mà chỉ tâm niệm, cố gắng duy trì hoạt động ổn định và thực sự cũng không dám so với các ngân hàng thương mại nhà nước”, ông Lê Công nhớ lại.

28A Điện Biên Phủ hôm nay là Chi nhánh của MB, với trên 200 nhân sự. Nhiều nhân sự mới đang làm việc nơi đây chắc không biết rõ rằng, MB đã bắt đầu như thế và đã đóng đô ở đây 10 năm đầu tiên, trước khi chuyển sang Tòa nhà số 3 Liễu Giai, Hà Nội.

Năm 2005, MB chuyển về nhà mới (trụ sở số 3 Liễu Giai, Hà Nội) là năm Ngân hàng có sự tăng trưởng toàn diện ở tất cả các lĩnh vực trong chiến lược phát triển 2004 - 2008. Ở thời điểm này, MB tập trung cao độ cho chiến lược nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, mở rộng kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tạo lập văn hóa DN.

Về mô hình hoạt động, điểm đặc biệt nhất của giai đoạn này là MB đã tách thành 2 cấp: cấp quản lý hệ thống, tập trung tại hội sở; cấp kinh doanh trực tiếp tại các chi nhánh, phòng giao dịch. Cùng với đó, bắt đầu từ năm này, MB thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh theo phân khúc khách hàng, ở MB hình thành nên khối khách hàng DN, khách hàng cá nhân và các khối phòng ban, khác.

“Đây là giai đoạn có ý nghĩa rất lớn với Ngân hàng, bởi đánh dấu bước chuyển đổi mô hình tổ chức MB theo thông lệ quốc tế”, ông Lê Công nói.

Năm 2005 cũng là năm MB chính thức bắt tay hợp tác với các đối tác lớn, như Tổng công ty Viễn thông Quân đội, Citibank, Temenos (Thụy Sĩ)…, đồng thời mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch tại các địa bàn quan trọng, khởi đầu cho những bước tiến mạnh mẽ của MB.

Từ giai đoạn 2010 đến nay, MB không ngừng lớn mạnh, với mức tăng trưởng bình quân trên 25%/năm tính trên tất cả các chỉ tiêu chính: khách hàng, huy động vốn/dư nợ tín dụng, lợi nhuận… Điểm đặc biệt của giai đoạn này là MB xác lập chiến lược phát triển mới (từ năm 2010), với mục tiêu đứng trong Top 3 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm gấp 1,5 đến 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành ngân hàng.

Kể từ đây, MB định hướng theo một mô hình tổ chức mới, với 12 khối chính, đặt các khối đứng độc lập tương đối trong cùng một tổng thể tổ chức, để vừa đảm bảo tính khách quan, trung thực, vừa đảm bảo tính gắn kết, hợp tác. Bên cạnh đó, năm 2011, MB chính thức mở chi nhánh đầu tiên tại Lào và năm 2012, mở tiếp chi nhánh nước ngoài thứ hai tại Campuchia.

Cả hai bước đi này đều mang lại hiệu quả thiết thực, các chi nhánh MB tại nước ngoài đã có lãi ngay sau 6 tháng hoạt động đầu tiên và đang ngày càng đóng góp nhiều hơn cho kết quả chung của Ngân hàng.

Ngoài những nỗ lực tự thân, để vươn tầm một cách mạnh mẽ và bền vững, năm 2010, MB ký hợp đồng tư vấn chiến lược với Mckinsey - nhà tư vấn uy tín lớn trên thế giới. Theo đó, MB được đánh giá một cách độc lập, khách quan về những điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Như ông Lê Công chia sẻ, MB đã nhìn rõ 3 điểm yếu nhất: đó là tính định hướng, tính sáng tạo và năng lực thực thi. Từ đây, MB thực hiện những bước thay đổi mạnh mẽ, đổi mới, sáng tạo hơn trong quản trị, điều hành và các hoạt động, với phương châm:

“Thay đổi để dẫn đầu”.

Hàng loạt sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho DN, cho khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm có yếu tố công nghệ cao đã giúp MB vươn mình, vượt lên trên tất cả các ngân hàng TMCP khác về nhiều chỉ tiêu hoạt động.

Năm 2012, MB dẫn đầu về lợi nhuận, dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh tính trên mỗi nhân sự trong khối các ngân hàng cổ phần. Năm 2013, dù môi trường kinh doanh chung gặp rất nhiều khó khăn, MB vẫn vững bước, dự kiến tiếp tục đứng đầu khối ngân hàng TMCP về lợi nhuận, với nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,5%.

Nếu vào thời điểm bắt đầu (năm 1994), MB không dám so sánh mình với các ngân hàng thương mại quốc doanh thì nay, sau 19 năm, khoảng cách  giữa MB với khối này còn khá nhỏ. Năm 2012, MB đứng thứ 4 về lợi nhuận trong toàn ngành ngân hàng, chỉ sau 3 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, Vietinbank.

“Năm 2013, dù chưa hết năm, nhưng khả năng MB giữ vững vị trí này”, ông Lê Công khẳng định và chia sẻ, với ông, điều khó nhất trong điều hành là phải xây dựng được các kịch bản để quản trị được sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, với hệ thống nhân sự vững mạnh, có đạo đức tốt, chuyên môn tốt, văn hóa tốt, thì trong mọi kịch bản của nền kinh tế, MB vẫn sẽ đứng vững và vươn lên.

Giá trị cốt lõi

Điều gì đã giúp MB, từ bước khởi đầu thô sơ, sau 19 năm, trở thành 1 trong 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, bắt đầu vươn rộng sang một số nước trong khu vực? Câu trả lời có lẽ nằm ở giá trị nhân sự, giá trị văn hóa của MB.

Văn hóa doanh nghiệp, hiểu một cách chung nhất, là phẩm chất riêng biệt của tổ chức, được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong cùng lĩnh vực. Đúc kết của các nhà kinh tế trên thế giới cho thấy, những DN có sự phát triển bền vững nhất là những DN có nền tảng văn hóa vững mạnh nhất.

Nhưng văn hóa không phải là cách giao tiếp hay kinh doanh, không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo, mà phải được thấm nhuần, phải được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi mỗi thành viên doanh nghiệp.

Hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, từ năm 2004 - 2008, với sự hỗ trợ của nhà tư vấn chiến lược, MB đã hình thành nên 6 giá trị cốt lõi là Tin cậy/Hợp tác/Chăm sóc khách hàng/Sáng tạo/Chuyên nghiệp/Hiệu quả. “Bước sang giai đoạn phát triển mới, thực thi chiến lược kinh doanh mới 2010 - 2015, định vị mình trong Top dẫn đầu hệ thống ngân hàng TMCP, những giá trị cốt lõi của DN cũng cần thay đổi, để có tính thực tiễn cao hơn, trên cơ sở kế thừa những giá trị cốt lõi đã có”, ông Lê Công nói.

“HĐQT đã giao trách nhiệm cho Tổng giám đốc thực hiện nhiệm vụ này, đây là một việc rất lớn, tôi đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều để làm sao định hình được những giá trị cốt lõi mới, kết tinh được giá trị nền tảng của MB, nhưng dễ đọc, dễ nhớ, dễ thấm vào từng nhân viên và dễ thực hiện”, người đứng đầu MB chia sẻ.

8 chữ, bắt đầu bằng chữ TÂM đã được Tổng giám đốc MB chọn ra làm giá trị cốt lõi cho MB giai đoạn mới. Sở dĩ chọn chữ TÂM đứng đầu, vì theo ông Lê Công, 19 năm qua, xuyên suốt sự vận hành của MB là sự tận tâm, xuất phát từ lòng yêu ngành, yêu nghề của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Ngân hàng.

“Nếu nhân sự chỉ thực hiện nhiệm vụ như người làm thuê thì không thể có sự chủ động, sáng tạo, tâm huyết với công việc, không thể tạo nên sự bứt phá trong công việc”, ông nói.

Bên cạnh chữ TÂM là chữ TRUNG, chữ TÍN, thể hiện sự trung thành với quân đội, với Đảng, với đất nước; giữ chữ TÍN với khách hàng, với đối tác trong mọi hoạt động kinh doanh.

8 chữ vàng của MB: Tận tâm, Trung thành, Tuân thủ và Thực thi, không chỉ đúc rút kinh nghiệm thực tiễn hoạt động 19 năm qua, mà còn là động lực để triển khai thành công mục tiêu chiến lược. Những giá trị này đang lan tỏa, thấm nhuần đến từng cán bộ, nhân viên MB bằng con đường truyền thông, đào tạo, đặc biệt là việc làm gương của các cán bộ, người đứng đầu Ngân hàng.

Từ 25 nhân sự ngày khởi đầu, MB hôm nay chính thức công bố chuyển sang Tòa nhà mới (số 21 Cát Linh, Hà Nội), là nơi hội tụ của 7.000 nhân sự, làm việc tận tâm, hiệu quả. MB hôm nay mang vị thế của một ngân hàng lớn, với tầm nhìn và hoài bão lớn. Chắc chắn còn rất nhiều thách thức phía trước, nhưng MB - thế hệ này nối tiếp thế hệ khác - đang viết tiếp câu chuyện kinh doanh của những người lính thời bình, nỗ lực hết mình để phục vụ mục tiêu phát triển Ngân hàng, phát triển đất nước.

Tin bài liên quan