Ba đối tượng giả danh nhân viên Viettel lừa đảo đã bị bắt giữ

Ba đối tượng giả danh nhân viên Viettel lừa đảo đã bị bắt giữ

Mạo danh VNPT, Viettel để lừa khách hàng

Một số chiêu thức mới được các đối tượng tội phạm sử dụng để lừa đảo khách hàng qua điện thoại đã được phát hiện.

Từ việc giả danh Viettel lừa trúng thưởng

Cuối tháng 2/2014, Viettel phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) và Công an Hà Tĩnh bắt giữ 4 đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại. Các đối tượng là Trương Văn Chỉ (sinh năm 1991), Trần Xuân Hùng (sinh năm 1994), Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1991) và Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1957) đều trú tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Các đối tượng trên đã cùng nhau tham gia lừa đảo. Cụ thể, ngày 12/2/2014, Trương Văn Chỉ cùng Hùng, Tuấn Anh giả là nhân viên Viettel gọi điện cho ông Nguyễn Đình Phúc (trú tại Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội), thông báo ông đã may mắn trúng thưởng một chiếc xe máy và tiền mặt trị giá 137 triệu đồng từ một chương trình khuyến mãi. Để nhận thưởng, đối tượng yêu cầu ông Phúc mua thẻ cào điện thoại có mệnh giá từ 100.000 đến 500.000 đồng, rồi gửi mã số cho chúng để làm thủ tục nhận thưởng. Sau khi lừa được của ông Phúc số thẻ cào trị giá 10,5 triệu đồng, chúng tắt máy điện thoại, ngừng liên lạc. Tiếp đến, chúng bán số thẻ chiếm đoạt được cho Nguyễn Thị Xuân, rồi chia nhau tiêu xài.

…đến chiêu mạo là “Tổng đài VNPT”

Cũng từ cuối năm 2013 đến cuối tháng 2/2014, nhiều độc giả phản ánh hiện tượng kẻ xấu mạo danh tổng đài Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) lừa đảo khách hàng.

Một khách hàng ở Bình Dương mô tả chiêu thức này như sau: đối tượng gọi đến số cố định của khách hàng giới thiệu là Tổng đài của VNPT và thông báo việc người này còn nợ tiền cước hơn 8,3 triệu đồng. “Nhân viên tổng đài” yêu cầu giữ máy, ấn phím 9 để được “giải đáp”.

Lát sau, một giọng nam khác trò chuyện, hỏi số chứng minh nhân dân và bảo: “Chúng tôi là cán bộ thuộc VNPT xin thông báo với anh rằng, có người đã sử dụng giấy tờ tùy thân của anh ký hợp đồng với Viễn thông Hà Nội lắp đặt 1 máy điện thoại cố định, số thuê bao là: 043… vào ngày XYZ. Số máy này thường xuyên gọi đi nước ngoài, nên đến nay, đã nợ VNPT số tiền là 8.338.000 đồng. Chúng tôi đã thông báo cho Công an đồn 142B - Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội để nhờ can thiệp. Xin anh đừng bỏ máy, chúng tôi sẽ nối liên lạc miễn phí với Công an để anh trình bày thêm, nhờ họ giúp đỡ”.

Ít giây sau phía đầu dây bên kia giới thiệu: “Chúng tôi là Công an đồn 142B Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Xin thông báo với anh rằng, VNPT có gửi chúng tôi 1 hóa đơn yêu cầu anh phải thanh toán 8.338.000 đồng tiền nợ cước điện thoại. Trong vòng 2 giờ, anh phải thanh toán số tiền nợ vào tài khoản của VNPT mà chúng tôi sẽ cung cấp sau. Nếu anh không nộp, chúng tôi sẽ cùng VNPT xử lý theo pháp luật và cắt, thu hồi số điện thoại trên”.

Nghi ngờ mình bị lừa đảo, khách hàng này gọi điện đến tổng đài VNPT Bình Dương xin số điện thoại của người mới gọi. Ông được tổng đài thông báo là số điện thoại rất dài, có thể là từ nước ngoài gọi về. Vụ việc lừa đảo này đã bị chặn khi khách hàng làm việc với lãnh đạo Viễn thông Bình Dương và được biết đây là vụ mạo danh VNPT để lừa đảo khách hàng.

Cảnh giác từ các cuộc điện thoại bất thường

Theo VNPT, từ tháng 9/2013 đến nay, nhiều thuê bao cố định và di động (là khách hàng của VNPT tại Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu,  Long An, Cần Thơ…) thường bị kẻ xấu gọi đến quấy rối, lừa đảo, uy hiếp nhằm trục lợi, chiếm đoạt. Đối tượng lừa đảo mạo danh VNPT và cả nhiều cơ quan, tổ chức khác.

Mới đây, Công an TP.HCM đã bắt được hai đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo theo kịch bản này là Trần Văn Tèo (25 tuổi), Trần Văn Huy (21 tuổi, cùng quê TP. Cần Thơ). Cơ quan điều tra cho biết, đây là nhóm tội phạm lừa đảo có tổ chức xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ viễn thông để kết nối vào đường truyền điện thoại của cơ quan pháp luật Việt Nam, nhằm đánh lừa người bị hại.

Các chuyên gia phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân qua điện thoại, email cho người khác, vì dễ dàng tiếp tay cho các băng nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao hoặc bị chính đối tượng đó sử dụng để lừa đảo lại.

Tin bài liên quan