Kinh doanh bất động sản sẽ là một trong những ngành có lượng giao dịch M&A nhiều nhất.

Kinh doanh bất động sản sẽ là một trong những ngành có lượng giao dịch M&A nhiều nhất.

M&A ở Việt Nam sẽ sôi động trong thời gian tới

(ĐTCK-online)Theo thống kê của Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), năm 2006, tại Việt Nam, có 32 vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), đạt tổng giá trị 245 triệu USD, vượt xa các con số tương ứng của năm 2005 (18 vụ với 61 triệu USD). Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đó mới chỉ là tín hiệu tốt, chứ thời điểm “nóng” của M&A ở Việt Nam chưa tới!

Những tín hiệu khởi động

Hơn một năm trước, một số công ty tư vấn trên thế giới từng đánh giá rằng, năm 2007 sẽ là năm mở đầu cho sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động tập trung kinh tế dưới hình thức M&A ở Việt Nam.

Dự báo đó của các chuyên gia hoàn toàn có lý, bởi có nhiều dữ liệu cho thấy, xu hướng M&A ở Việt Nam đang ngày càng “nóng”. Điển hình như vụ Quỹ đầu tư bất động sản VinaLand bỏ ra 16,5 triệu USD để sở hữu 52% Khách sạn Omni Sài Gòn. Trước đó, Quỹ này đã tung ra 43 triệu USD để giành quyền sở hữu 70% Khách sạn Hilton từ tay các nhà đầu tư Đức và Áo... Sau đó là hàng loạt thương vụ lớn khác, như vụ mua bán giữa Tập đoàn HiPT và New Horison (Mỹ) tại Việt Nam, giữa Pacific Airlines và Quantas, giữa Daii-chi và Bảo Minh CMG, giữa HSBC và Techcombank...

Cùng với các thương vụ cụ thể như vậy, sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty tư vấn trong lĩnh vực M&A và nhượng quyền thương hiệu cũng phần nào cho thấy sức “nóng” của xu hướng này. Tại Việt Nam , đã có một số doanh nghiệp được coi là chuyên nghiệp trong lĩnh vực M&A, như IDJ, Tigerinvest, First Asia Limited và mới đây là Công ty cổ phần Mua bán doanh nghiệp và Kết nối đầu tư quốc tế (ICE)... Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã thành lập bộ phận chuyên trách về M&A.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty cổ phần ICE phân tích: “Việt Nam hiện có khoảng 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2007 sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp được lập mới. Hơn 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn sau 5 - 6 năm hoạt động, do thua lỗ, không còn lợi thế kinh doanh, hoặc không thích nghi được với sự thay đổi của môi trường kinh doanh... Những doanh nghiệp đó nay không còn bị dồn vào ‘chân tường’ phá sản hay giải thể nữa, mà hoàn toàn có thể trở thành đối tượng cho các nhà đầu tư khác mua lại. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để hoạt động M&A ở Việt Nam phát triển”.

 

Chờ thị trường “nóng”

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng khối M&A Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhờ quá trình cổ phần hóa được đẩy nhanh, việc Việt Nam gia nhập WTO, Nhà nước có thêm nhiều chính sách ưu đãi để thu hút vốn FDI, nhiều tập đoàn kinh tế mạnh được thành lập và thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển hơn nữa. Xu thế M&A trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc các công ty đổ vốn, đầu tư vào nhau (trở thành đối tác chiến lược) và mở rộng các mô hình tập đoàn. Các lĩnh vực được dự đoán có lượng giao dịch nhiều nhất là ngân hàng, dịch vụ tài chính, đầu tư kinh doanh bất động sản và bán lẻ.

Còn ông Phạm Minh Đức (Công ty cổ phần ICE) thì cho rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ có những nét rất riêng phù hợp với đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số đông ở Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có điểm yếu là vốn nhỏ, chưa tiếng tăm, không nắm được nhiều về các vấn đề pháp lý, nhưng nhu cầu chuyển nhượng, tìm vốn đầu tư lại khá lớn.

“Chúng tôi đang tập trung vào một số mảng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa định giá và quảng bá miễn phí thương hiệu, tạo kênh kết nối đầu tư quốc tế để mỗi doanh nghiệp, thậm chí cả cá nhân trong nước, ngoài nước có thể trao đổi, nắm rõ nhu cầu chuyển nhượng, đầu tư lẫn nhau nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Hướng đi của ICE không đơn thuần như là một quỹ đầu tư, mà coi trọng cả những nhu cầu sát thực của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay nói cách khác, ICE cố gắng đi sát đời sống doanh nghiệp Việt Nam hơn. Gỡ được nút thắt ấy, tôi tin rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ rất sôi động”, ông Đức nói.