Đơn vị tư vấn bận rộn “se duyên”
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, xu hướng phát triển doanh nghiệp bằng hoạt động M&A dần trở lên rõ nét. Thị trường Việt Nam đã diễn ra hàng loạt thương vụ M&A với tổng giá trị liên tục tăng mạnh từ mốc 1 tỷ USD (năm 2010) lên mốc 5 tỷ USD (2015), 7 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 3 tỷ USD. Không ít doanh nghiệp trong nước có chiến lược M&A phù hợp đã trở thành những tập đoàn mạnh.
Trong giai đoạn này, thị trường M&A Việt Nam cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài nhằm huy động nguồn tài chính lớn, tiếp thu những kinh nghiệm quản trị tiên tiến để nâng tầm hoạt động. Chẳng hạn, Vietcombank bán cổ phần cho Mizuho, Vietinbank bán cổ phần cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ…
Theo đánh giá của các chuyên gia, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A dần được hoàn thiện theo hướng cởi mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng hoạt động đã thúc đẩy các hoạt động M&A.
Đáng chú ý, hoạt động M&A có bước chuyển rõ nét về chất, không chỉ đối với tư duy trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp, mà hoạt động M&A rộng mở vừa là cơ hội, vừa tạo sức ép cho các nhà tư vấn phát triển các dịch vụ có chiều sâu, chuyên nghiệp mới đủ sức làm “bà mối”.
Vai trò của các nhà tư vấn ngày càng trở nên quan trọng khi giúp cho các bên nhận biết được tiềm năng tăng trưởng, khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, qua khâu tư vấn, doanh nghiệp có thể tìm hiểu và làm quen dần với các vấn đề hậu M&A như quản trị, văn hóa để hòa hợp thành công.
Thực tế, nhiều đơn vị tư vấn là các công ty chứng khoán, công ty luật, doanh nghiệp kiểm toán bận rộn với các hợp đồng tư vấn M&A, nhằm “se duyên” cho bên mua và bên bán. Giá trị những thương vụ M&A theo báo cáo tại Diễn đàn M&A Việt Nam trong 8 năm qua bởi các nhà tư vấn M&A tiêu biểu như: Mayer Brown, Baker McKenzie, VILAF, LNT Partner, KPMG, Deloitte, BVSC, VCSC, VPBS, MBS… gia tăng đáng kể qua từng năm, với giá trị tăng lên từ vài triệu USD lên hàng chục, hàng trăm triệu USD, thậm chí có những thương vụ trị giá hàng tỷ USD.
Đặc biệt, các thương vụ M&A không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng cũng được cải thiện mạnh mẽ. Ngoại trừ một số thương vụ do yếu tố khách quan về chính sách cũng như do vấn đề tồn tại từ trước chưa thể khắc phục được liên quan đến một số thương vụ của ngành ngân hàng, một số công ty tài chính và địa ốc, thì phần lớn các thương vụ M&A do các nhà tư vấn nội địa thực hiện đều mang lại giá trị tích cực trong dài hạn cho cả người mua và người bán.
… nhưng trung gian thực hiện một quy trình M&A khép kín không nhiều
Thị trường đang râm ran những câu chuyện mua doanh nghiệp, bán dự án. Theo các chuyên gia, trong không gian kinh tế mở như hiện nay, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng, bất động sản.
Luật sư Đặng Dương Anh, Công ty Luật VILAF cho rằng, nhu cầu M&A ngày càng đa dạng, nhưng thực tế tiến hành vẫn chịu một số vướng mắc, trong đó các văn bản điều chỉnh hoạt động M&A chưa theo kịp các diễn biến và yêu cầu đa dạng của thực tiễn. Chẳng hạn, M&A là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, loại giao dịch M&A nào phải theo những quy định nào... chưa được xác định rõ ràng, gây khó khăn cho các bên thực hiện.
Bên cạnh đó, mặc dù các đơn vị tư vấn M&A được coi là có chuyên môn sâu, có cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp với danh sách các khách hàng tiềm năng, nhưng không nhiều công ty tư vấn hiện nay đủ sức trở thành cầu nối giữa người mua thực với người bán thực, cũng như là sợi dây liên hệ giữa doanh nghiệp, công ty tài chính, công ty kiểm toán, công ty luật, làm trung gian thực hiện một quy trình M&A khép kín.
Điều này dẫn đến hệ quả là khi thiếu một trong các khâu nêu trên, có thể dẫn tới tình trạng thiếu thông tin và các dữ liệu thống kê không đầy đủ, thiếu tính chính xác và không được cập nhật, ảnh hưởng tới việc định giá doanh nghiệp, nhất là với loại hình doanh nghiệp đặc biệt như ngân hàng hay công ty chứng khoán.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, các điều kiện để hoàn tất một thương vụ M&A ở Việt Nam quá nhiều, chủ yếu liên quan đến các giấy phép và sự phức tạp không cần thiết ở khâu thủ tục do luật định. Trong khi đó, một số đơn vị tư vấn không thể xây dựng được các phương án giải quyết hoặc thay thế, làm nản lòng các nhà đầu tư hoặc làm mất cơ hội kinh doanh của họ.
Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tới, các nhà tư vấn nội địa cần tập trung cập nhật diễn biến của nền kinh tế, không chỉ am hiểu về pháp lý, tài chính đơn thuần, mà cần am hiểu nhiều hơn về lĩnh vực kinh doanh của khách hàng để có những giải pháp tư vấn sát với yêu cầu, đồng thời có tính sáng tạo.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho rằng, khi tư vấn M&A, thông thường nhà tư vấn sẽ bảo vệ lợi ích của khách hàng, tuy nhiên cũng cần mềm dẻo trong quá trình tư vấn, đảm bảo cho đối tác tiến tới việc ký kết thương vụ trong bối cảnh các bên cùng thắng. Các nhà tư vấn M&A cũng nên tích cực đóng góp và hoàn thiện cơ chế pháp lý và tài chính để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, giúp hoạt động M&A diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Nhà tư vấn giỏi là người biết nắm bắt thời cuộc
Nihon là một trong những công ty tư vấn M&A hàng đầu của Nhật Bản, thực hiện hàng trăm thương vụ tư vấn M&A mỗi năm. Sau 10 năm niêm yết từ năm 2006, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn 10 lần. Nihon do Yasuhiro Wakebayashi sáng lập, nhưng không nhiều người biết xuất phát điểm của ông là một người bán máy tính.
Năm 1991, sau 25 năm liền làm nghề chào hàng và bán máy vi tính cho các văn phòng trên khắp nước Nhật, Yasuhiro Wakebayashi quyết định nghỉ việc tại Công ty Olivetti để bước vào một cuộc phiêu lưu mới. Cùng với đồng nghiệp cũ là Suguru Miyake, ông bước chân vào lĩnh vực tư vấn, môi giới M&A và đặt tên cho công ty là Nihon M&A. Với kinh nghiệm nhiều năm gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Yasuhiro phát hiện ra rằng, rất nhiều người trong số họ không tìm được ai để kế nghiệp hay tiếp quản công ty. Đặc biệt, không ít lãnh đạo doanh nghiệp không có con nối dõi, trong khi đội ngũ nhân viên không có đủ tiền để mua lại công ty.
Bằng việc tìm kiếm các đối tác và thực hiện mua - bán lại các doanh nghiệp, Nihon đã giúp cho các doanh nghiệp này giải quyết được khó khăn nêu trên. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, điều làm nên thành công trong các thương vụ tư vấn và môi giới của Nihon đến từ việc mạng lưới xã hội của Ban lãnh đạo Nihon là lớn nhất trong số các công ty tương tự ở Nhật Bản.
Việc chuyển đổi nghề nghiệp từ bán máy vi tính sang tư vấn M&A của Yasuhiro và Miyake thoạt nhìn có vẻ kỳ lạ, nhưng thực ra cả 2 công việc này đều có một điểm chung: tận dụng được mạng lưới quan hệ xã hội khổng lồ với các công ty kế toán, ngân hàng địa phương và doanh nghiệp mà họ đã tích lũy được sau nhiều năm làm việc ở Olivetti.
Ngoài ra, chiến lược của Nihon là theo đuổi các thương vụ cỡ vừa và nhỏ mà những ngân hàng đầu tư hay quỹ góp vốn tư nhân thường bỏ qua. Hầu hết lợi nhuận của Nihon đến từ những thương vụ dành cho các doanh nghiệp có từ 10 - 100 nhân viên. Mức phí tư vấn của Nihon cũng thấp hơn so với các công ty tương tự đến từ nước ngoài. Hiện tại, đội ngũ 200 nhà tư vấn của Nihon xử lý khoảng 500 thương vụ M&A mỗi năm, trong đó tỷ lệ thành công là 50%.