Từ đầu năm 2018 đến hết tháng 2/2019, giá cổ phiếu BCC chủ yếu dao động dưới mức 7.000 đồng/cổ phiếu, dù kết quả kinh doanh trong năm 2018 khả quan hơn năm trước đó. Cụ thể, năm 2018, theo số liệu của Bộ Xây dựng, sản phẩm xi măng tiêu thụ toàn ngành đạt khoảng 96,73 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2017.
Cơ cấu Chi phí kinh doanh của BCC giai đoạn 2010 - 2018 và 4 quý gần nhất.
Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 31,65 triệu tấn, tăng 55%; giá trị xuất khẩu vượt con số 1 tỷ USD, lập kỷ lục. Sản phẩm xi măng Việt Nam đã có mặt trên 40 nước, giá xuất khẩu xi măng khoảng 50 USD/tấn và giá clinker từ 38 - 42 USD/tấn.
Nhờ lực đẩy của thị trường chung, trong năm 2018, BCC đạt doanh thu 3.679 tỷ đồng, tăng 6% (mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty là clinker và xi măng). Do tiết giảm được nhiều loại chi phí nên Công ty lãi ròng gần 94 tỷ đồng, gấp 28,5 lần năm 2017. Mặc dù vậy, trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư vẫn thận trọng, khiến giá cổ phiếu BCC duy trì diễn biến lình xình cho đến cuối tháng 2/2019.
Cơ cấu lợi nhuận trước thuế của BCC giai đoạn 2010 - 2018 và 4 quý gần nhất.
Hơn 1 tháng qua, BCC tăng giá khá mạnh. Thực trạng này, theo quan sát của một số môi giới, là do hiệu ứng thông tin khi Công ty lên kế hoạch kinh doanh năm 2019 tăng trưởng cao. Cụ thể, BCC đặt kế hoạch doanh thu hơn 4.005 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 171 tỷ đồng, tăng gần 83% so với năm 2018.
Để đạt kế hoạch này, Hội đồng quản trị BCC đã đề ra một số giải pháp cải thiện hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án chuyển đổi công nghệ nghiền xi măng đến đóng bao để hoàn thành chạy thử dự án trước 31/5/2019.
Theo Công ty Chứng khoán FPT, kỳ vọng sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp BCC chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, tiết giảm được chi phí gia công xi măng. BCC sẽ sử dụng được phần dư thừa clinker triệt để hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí vận chuyển. Công ty cũng sẽ giảm được định mức tiêu hao điện, nguyên vật liệu đầu vào và clinker dùng cho sản xuất xi măng. Dây chuyền mới còn giúp cải thiện chất lượng, chuyển đổi sản phẩm nhanh, đáp ứng được đa dạng hơn nữa nhu cầu của thị trường.
Sau khi trả 15% cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2016, BCC duy trì mức vốn điều lệ 1.100,1 tỷ đồng đến nay, tương ứng có hơn 110 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
Tuy nhiên, thực tế, BCC vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2019, dự báo tăng trưởng tiêu thụ xi măng ở thị trường nội địa khoảng 6 - 8% do nhu cầu còn lớn, nhưng đa số doanh nghiệp trong ngành có sự hạn chế về tài chính và đầu tư xây dựng nên chưa chắc sẽ có sự bứt phá.
Còn với xuất khẩu, dự báo sản lượng đạt 20 - 25 triệu tấn, nhưng cần cẩn trọng với sự thay đổi chính sách nhập khẩu vật liệu xây dựng của các thị trường lớn như Bangladesh, Trung Quốc… Ngoài ra, nếu các nhà máy từ Trung Quốc có sự đầu tư cải tiến, đảm bảo được vấn đề môi trường thì diễn biến thị trường xi măng sẽ rất khác.
Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu ngành xi măng cần lưu ý đến các yếu tố đầu vào như điện, than tăng giá và tình hình cạnh tranh khốc liệt. Chính vì vậy, dù mã BCC trong xu thế tăng giá, nhưng nhà đầu tư nên chờ thêm các tín hiệu về hiệu quả hoạt động của Công ty trong năm nay, trước hết là quý I năm 2019, trước khi quyết định giải ngân.