Doanh nghiệp cần tăng giám sát để tránh rủi ro
Luật Thi hành án hình sự 2019 đã được thông qua với tỷ lệ 91,53% với đa số đại biểu Quốc hội tán thành. Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
So với luật cũ, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 gồm 16 chương, 207 điều và có nhiều nội dung mới, trong đó dành một chương nhằm thống nhất với quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 về pháp nhân thương mại (Chương XI) gồm 9 điều quy định quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại…
Luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh cho rằng, căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 về các hình phạt với pháp nhân thương mại và Luật Thi hành án hình sự sắp có hiệu lực, có thể thấy chủ trương mở rộng áp dụng pháp luật hình sự với cả pháp nhân đã được cụ thể hoá, được thực hiện bằng luật.
Ðây là chủ thể mới được bổ sung trong Bộ luật Hình sự mới và sẽ được thi hành án khi mà pháp nhân thương mại bị kết án và phải chịu hình phạt, biện pháp tư pháp theo bản án hoặc quyết định của toà án.
“Với một quy định mới như vậy, rõ ràng không chỉ còn là trách nhiệm hình sự cá nhân mà còn cả pháp nhân, tức là liên quan đến sự tồn tại của bản thân pháp nhân đó hoặc có thể bị hạn chế, hoặc bị xoá sổ hoặc bị phạt tiền nặng hoặc các chế tài khác.
Ðể tránh ảnh hưởng đến pháp nhân hoặc phần vốn góp, các thành viên phải tự tăng cường sự giám sát công việc cũng như pháp luật trong hoạt động kinh doanh, làm sao để tránh vướng pháp luật đối với cả cá nhân và pháp nhân. Việc lựa chọn đối tác hay nhân sự cũng như công việc cũng cần thận trọng hơn nữa để không phải đối mặt với rủi ro pháp luật”, luật sư Chi phân tích.
Cũng theo luật sư, việc đưa ra chế tài với một chủ thể mới này xét ở góc độ quản lý cũng là cần thiết bởi rõ ràng một thực thể là pháp nhân luôn luôn tồn tại và song hành với việc có thể thịnh vượng hoặc phá sản, hoặc có thể trong sáng hoặc bị lợi dụng để vi phạm pháp luật....
Trong các hành vi đó, nhà làm luật đã tính toán để có những ứng xử phù hợp với từng loại chủ thể khác nhau trong các quan hệ pháp luật
Về bất cập hay vướng mắc có hay không hoặc lớn hay nhỏ, theo luật sự, hiện giờ còn quá sớm để khẳng định được, vì từ 1/1/2020 Luật mới bắt đầu triển khai và thực hiện.
Tuy nhiên vì bản chất của các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, do vậy việc sẽ có bất cập cũng là điều dễ thấy và những bất cập sẽ tiếp tục được ghi nhận, khắc phục trên cơ sở thực tiễn áp dụng Luật.
Luật sư Vũ Ngọc Chi cho biết thêm, Ðiều 33 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 3 hình phạt chính với pháp nhân thương mại phạm tội gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ vĩnh viễn (khoản 1).
Ngoài ra, pháp nhân còn chịu hình phạt bổ sung gồm cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền khi không áp dụng hình phạt chính (khoản 2).
Pháp nhân thương mại chỉ chịu áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung.
“Với những loại hình phạt theo mức độ lớn, hoặc bé, hoặc vừa, tuỳ việc mà pháp nhân thương mại phải chịu các loại và mức hình phạt khác nhau, có thể thấy có sự phù hợp về tính chất mức độ, do đó chắc chắn quy định mới sẽ có tác dụng răn đe nhất định”, luật sư Chi đánh giá.
Thêm công cụ để doanh nghiệp tự bảo vệ
Sau rất nhiều tranh cãi, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước được thông qua với 94% số phiếu của Ðại biểu Quốc hội đồng thuận.
Có 2 điểm đáng chú trong luật mới là sửa đổi, bổ sung quy định kiểm toán nhà nước có quyền được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử kiểm toán của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và bổ sung quyền khởi kiện của đơn vị được kiểm toán.
Ðánh giá quy định mới này, luật sư Hoàng Minh Hiển cho rằng, việc truy cập dữ liệu chỉ được thực hiện giới hạn trong nội dung, phạm vi kiểm toán.
Luật cũng quy định việc truy cập dữ liệu phải đặt dưới sự giám sát về quyền truy cập, khai thác của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Mặt khác, việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật, bảo mật, an toàn. Tổ chức, cá nhân thực hiện truy cập dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bí mật, bảo mật, an toàn.
Như vậy, việc truy cập dữ liệu của kiểm toán nhà nước vào cơ cơ sở dữ liệu của đơn vị kiểm toán, cá nhân chỉ được thực hiện trong giới hạn cho phép và phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, dưới sự giám sát của đơn vị được kiểm toán nên lo ngại việc lộ, lọt thông tin là không đáng kể.
Với quy định bổ sung quyền khởi kiện quyết định của cơ quan kiểm toán, luật sư Hoàng Minh Hiển cho rằng, đây là một quy định rất tiến bộ, văn minh, phù hợp với tinh thần chung của Hiến pháp và Luật Tố tụng hành chính.
Trước đây Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 chỉ quy định quyền khiếu nại của đơn vị bị kiểm toán thì nay Luật sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước đã bổ sung thêm quyền khiếu nại của cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán và quyền khởi kiện quyết định của cơ quan kiểm toán nếu như đơn vị được kiểm toán hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhận thấy quyết định của cơ quan kiểm toán là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
“Nếu như khi thực hiện quyền khiếu nại thì cơ quan giải quyết khiếu nại vẫn là cơ quan kiểm toán nhà nước thì khi thực hiện quyền khởi kiện, cơ quan giải quyết là Tòa án - là đơn vị khách quan hơn, thực hiện giải quyết theo trình tự tố tụng, đảm bảo được việc giải quyết được khách quan, minh bạch.
“Do vậy, quy định quyền khởi kiện quyết định của cơ quan kiểm toán đối với khối doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm phương tiện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình”, luật sư Hoàng Minh Hiển nhấn mạnh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước được thông qua gồm 3 điều. Theo đó, Luật chỉ rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, đó là các đối tượng có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Luật cũng quy định rõ, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong trường hợp cần kiểm toán toàn diện đối với nhóm đối tượng này, Kiểm toán Nhà nước phải thực hiện quy trình để bổ sung vào kế hoạch kiểm toán và ban hành quyết định kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.