Hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh diễn ra ngày 23/11 có rất nhiều ý kiến thẳng thắn đến gay gắt
Ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp lý và Chính sách- VPĐD công ty BowerGroupAsia tại Việt Nam cho biết, trong vòng 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh nhưng chỉ có 2- 3 vụ việc có kết luận, xử phạt là một con số rất khiêm tốn. Theo ông, Việt Nam có pháp luật cạnh tranh nhưng chưa có chính sách cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh ở Việt Nam ra đời khá sớm, trước cả Trung Quốc và các nước khác trong khu vực nhưng việc thực thi lại chưa được mong muốn, Luật ra đời nhưng chưa “mọc đủ răng” nên vẫn chưa phát huy được trên thực tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có quá nhiều ngoại lệ, đặc thù, cách làm riêng.
“Trong những năm qua, chúng ta chứng kiến sự thất bại của doanh nghiệp Nhà nước không phải do thời tiết xấu hay yếu tố khách quan mà do những doanh nghiệp này quá kém. Khu vực doanh nghiệp nhà nước gây nhiều vấn đề, nhiều hệ lụy, hạn chế cạnh tranh nhất”, ông Phước nói.
Đánh giá 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh, LS. Phùng Anh Tuấn, Luật sư Điều hành VCL Legal, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cũng cho rằng cần phải “trồng thêm răng” cho Luật Cạnh tranh và chống độc quyền Việt Nam.
Theo ông Tuấn, Luật Cạnh tranh ở Việt Nam ra đời khá sớm, trước cả Trung Quốc và các nước khác trong khu vực nhưng việc thực thi lại chưa được mong muốn, Luật ra đời nhưng chưa “mọc đủ răng” nên vẫn chưa phát huy được trên thực tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có quá nhiều ngoại lệ, đặc thù, cách làm riêng.
Cụ thể, theo ông, doanh nghiệp Nhà nước vẫn được coi là thành phần kinh tế chủ đạo, vẫn được ưu tiên trong nhận phân bổ các nguồn lực xã hội, vốn vay, ưu đãi…
“Doanh nghiệp nhà nước chưa cần cạnh tranh trên thị trường mà chỉ cần cạnh tranh về mặt cơ chế, chính sách cũng đã là bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân”, ông Tuấn nói.
Ông Phùng Văn Thành, Phó trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh cũng thừa nhận, sau 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh (2005- 2015), việc xử lý cạnh tranh không lành mạnh vẫn dừng lại ở mức độ khiêm tốn.
Cụ thể, phòng Điều tra đã tổ chức điều tra tiền tố tụng 78 vụ việc, điều tra chính thức 8 vụ việc (70 doanh nghiệp bị điều tra) và quyết định xử lý 5 vụ việc (tiền phạt gần 5,5 tỷ đồng) liên quan đến vấn đề thỏa thuận và lạm dụng; tiếp nhận hơn 300 đơn khiếu nại, quyết định điều tra 137 vụ việc, quyết định xử phạt 127 quyết định… Điển hình vụ Vinapco tự ngừng bán xăng bị phạt hơn 3 tỷ đồng năm 2009; phạt 19 doanh nghiệp bảo hiểm hơn 1,7 tỷ đồng do liên kết tăng phí năm 2010.
Tại Hội thảo, ông Phúc Hoàng Duy đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng than phiền về cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm hiện nay cũng vô cùng gay gắt và có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, 29 doanh nghiệp cung cấp hàng loạt sản phẩm giống nhau, bắt chước nhau nên cạnh tranh gay gắt, giành giật khách hàng và dịch vụ bảo hiểm. Đặc biệt có đến 1000 chi nhánh công ty thành viên, phòng giao dịch của Doanh nghiệp bảo hiểm ở các tỉnh, thành phố hoạt động như một pháp nhân không đầy đủ cạnh tranh với nhau, thậm chí cạnh tranh trong cùng một doanh nghiệp.
Còn trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, có trường hợp trong một ngày văn phòng giao dịch hoặc tổng đại lý thay tên đổi chủ mang tên tuổi, logo hình ảnh của doanh nghiệp bảo hiểm mới nguyên nhân do các doanh nghiệp bảo hiểm mua chuộc, lôi kéo bằng cách trả hoa hồng, chi phí tốt hơn doanh nghiệp trước.
Bên cạnh đó, là các hình thức cạnh tranh khác như lôi kéo dụ dỗ khách hàng của đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm khác; lôi kéo nguồn nhân lực cao cấp…
Trong lĩnh vực truyền hình trả tiền cũng đang diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Ông Lương Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) cho biết, hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nổi trội là hoạt động: chính sách, giá cước, khuyến mãi…
Đáng nói là hiện tượng cắt cáp của nhau; bù chéo từ dịch vụ này sang dịch vụ kia; một số doanh nghiệp được hưởng các quyền đặc quyền đặc lợi như giảm 50%, 70% giá thuê trụ điện, miễn phí thuê trụ điện, kéo cáp…
Theo ông Đoàn Tử Tích Phước, để hoàn thiện pháp luật cạnh tranh có hiệu quả, cần 3 yếu tố là: chính sách cạnh tranh, quy định cạnh tranh, tổ chức thực thi cạnh tranh.
Chính sách cạnh tranh phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp mới gia nhập ngành, giới hạn những trường hợp nào nhà nước được phép can thiệp vào thị trường.
“Ví dụ nhà nước quy định giá sữa trên thị trường, tôi nhận thấy quy định đó dựa trên sự bức xúc của công chúng và quyết định tình thế, tạm thời chứ không phải xây dựng trên nền tảng cạnh tranh cụ thể”, ông Phước nói.
Cũng theo ông Phước nếu chúng ta không rốt ráo giải quyết vấn đề doanh nghiệp nhà nước, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động cạnh tranh thì rốt cục cạnh tranh cũng chỉ là giữa tay phải, tay trái. Nhà nước sẽ cảm thấy đau, phải điều hòa quyền lợi của doanh nghiệp nhà nước thay vì khôi phục Luật chơi chung của thị trường và Luật Cạnh tranh cũng không thể đảm bảo được vai trò của nó.
Đồng quan điểm, LS. Phùng Anh Tuấn cho rằng, tác dụng của Luật Cạnh tranh khó phát huy được trong môi trường kinh tế ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước. Sẽ không có doanh nghiệp nào dám kiện doanh nghiệp nhà nước trong trường hợp độc quyền, vi phạm tập trung kinh tế…
“Luật Cạnh tranh nên ủng hộ cho việc tư nhân hóa chứ không phải tạo ra một sân chơi mới, độc quyền mới cho các doanh nghiệp Nhà nước”, LS. Tuấn nhấn mạnh.