TS. Cao Sĩ Kiêm

TS. Cao Sĩ Kiêm

Lợi nhuận ngân hàng 2013, nhiều đòi hỏi…

(ĐTCK) TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 12% cho năm nay là không dễ.

Theo ông, cái khó đối với hoạt động ngân hàng trong năm nay là gì và các nhà băng phải chú ý những điểm nào trong điều hành để có thể đạt được kế hoạch lợi nhuận?

Hoạt động của DN khó khăn khiến họ khó có thể trả được nợ vay. Nợ xấu chính là rào cản lớn đối với ngân hàng trong phát triển tín dụng. Nếu đẩy mạnh cho vay khi nợ xấu tăng thì ngân hàng sẽ vi phạm chuẩn cho vay và nợ xấu tăng lên, nhưng nếu không cho vay, ngân hàng sẽ càng khó khăn. Do đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động cũng như kỳ vọng lợi nhuận trong năm nay, ngân hàng phải chú ý nhiều hơn đến chất lượng nợ xấu và các khoản vay, đồng thời giảm tối đa chi phí trong hoạt động, chi phí vận hành, tăng nguồn thu từ dịch vụ ngoài tín dụng. Ngoài ra, ngân hàng phải nâng tầm quản trị, quản lý rủi ro để hạn chế nợ xấu gia tăng. Khi đó, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra mới kỳ vọng đạt được.

 

Mục tiêu kiểm soát nợ xấu được các ngân hàng xây dựng năm nay cao hơn năm trước. Ông nhận định như thế nào về tình hình nợ xấu của ngành năm nay?

Hiện tại, việc phân loại nợ của nhiều tổ chức tín dụng với cùng một đối tượng vay nợ cũng rất khác nhau, nhưng theo Thông tư số 02 của NHNN quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến áp dụng từ ngày 1/6/2013, sẽ tính theo mức xếp hạng của tổ chức tín dụng xếp hạng rủi ro cao hơn. Ví dụ, một DN đang được ngân hàng A phân loại nợ nhóm 3, nhưng DN này được ngân hàng B phân loại nợ DN là nhóm 4, thì theo quy định tại Thông tư 02, phân loại nợ của DN trên tại cả 2 ngân hàng sẽ được đưa xuống nhóm 4. Khi đó, theo quy định nội bộ của ngân hàng A, DN sẽ bị dừng giải ngân và khả năng khoản vốn đã giải ngân sẽ trở thành nợ xấu (nợ nhóm 4 phải trích lập dự phòng 50%). Phương pháp phân loại nợ này sẽ tăng sự an toàn đối với những khoản cho vay của ngân hàng, nhưng nếu áp dụng Thông tư 02 khi hệ thống phân loại nợ giữa các ngân hàng còn chênh lệch nhiều, sẽ gây trở ngại lớn cho hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, dù muốn dù không, Thông tư 02 cũng phải áp dụng vào thực tiễn để hạn chế rủi ro cho hoạt động ngân hàng và quản trị theo các chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, khi Thông tư 02 đi vào thực tiễn sẽ bộc lộ hết khó khăn cũng như nợ xấu của các ngân hàng. Hiện việc giải quyết nợ xấu chưa đạt được kỳ vọng cao, trong khi đó các ngân hàng phải từng bước sắp xếp lại. Vì thế, khả năng nợ xấu trong năm nay sẽ tăng nhiều, giảm ít.

 

Ông nhận định như thế nào về triển vọng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm?

Tôi cho rằng, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 12% như ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay là không dễ, có thể chỉ kỳ vọng ở mức xấp xỉ 10% trở lại. Vì hiện tại còn nhiều rào cản đối với tăng trưởng tín dụng, trong đó lãi suất không phải là vấn đề quyết định duy nhất. Trên thực tế, lãi suất giảm, DN cũng chưa muốn tiếp cận vốn vay. Vả lại, trước xu hướng nợ xấu tăng, ngân hàng cũng phải thận trọng trong việc chọn lọc khách hàng và kiểm soát chặt hơn chất lượng khoản vay.

 

Nhưng có ý kiến cho rằng, do các ngân hàng quá thận trọng nên tín dụng khó tăng?

Theo tôi, không phải đến lúc này các ngân hàng mới thận trọng, mà sự thực trong tình hình hiện nay, các ngân hàng rất khó để đưa vốn ra nền kinh tế. Vì tồn kho tăng, sức mua giảm, DN không mặn mà với việc sử dụng vốn vay để đầu tư, kinh doanh mới. Ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay được.

 

Các ngân hàng nhỏ phải làm gì để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh này, theo ông?

Các ngân hàng phải từng bước sắp xếp, bố trí lại chiến lược kinh doanh…, nếu không thể tự đứng vững thì phải tìm đối tác để sáp nhập, hợp nhất, bán lại. Tôi cho rằng, hợp nhất, sáp nhập để lớn mạnh và phát triển tốt hơn là một xu hướng tất yếu. Thực tế 2 năm qua cho thấy, ngân hàng nhỏ ngày càng khó khăn. Chi phí đầu vào của ngân hàng nhỏ luôn cao hơn ngân hàng lớn, trong khi thanh khoản yếu, đồng thời khả năng điều hành, quản trị cũng yếu kém. Hiện thị trường đã có một số ngân hàng chọn phương án hợp nhất, sáp nhập để cùng lớn mạnh và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

 

Ông nhận định chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm sẽ như thế nào và bao giờ thì khó khăn mới đi qua?

Chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục thận trọng. Hiện lạm phát có chiều hướng giảm, nhưng nếu giảm trần lãi suất huy động quá sâu sẽ tác động đến lạm phát. Do đó, trần lãi suất có thể giảm tiếp, nhưng không nhiều. Song với lãi suất cho vay đòi hỏi phải giảm thêm. Trong thời gian tới, khi triển khai các chính sách tại Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và đưa vốn vào nền kinh tế sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường, hoạt động của ngành ngân hàng cũng chuyển biến theo. Nếu các chính sách của Chính phủ đưa ra được triển khai mạnh mẽ trong năm nay thì khả năng năm 2014, hoạt động của ngành ngân hàng sẽ ổn định.