Lợi nhuận ngân hàng: 2 trường phái trọng chỉ tiêu và... thực dụng!

(ĐTCK) Với một số ngân hàng, việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận là việc phải hoàn thành bằng được, nhưng có những ngân hàng xem chỉ tiêu chỉ là định hướng, mục tiêu quan trọng hơn là hoạt động bền vững, hiệu quả. Kết quả lợi nhuận năm 2013 đã được các ngân hàng công bố dường như đang cho thấy hai trường phái rõ rệt này.
Lợi nhuận ngân hàng: 2 trường phái trọng chỉ tiêu và... thực dụng!

Trọng chỉ tiêu

VietinBank, Vietcombank và BIDV là 3 ngân hàng cổ phần đang báo lãi n2013 lớn nhất tính đến thời điểm này và vị trí này, chắc chắn sẽ không thay đổi ngay cả khi tất cả các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh. Cả 3 ngân hàng cổ phần gốc quốc doanh này đều có chung một điểm là hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đề ra.

VietinBank (CTG) có lợi nhuận trước thuế năm 2013 cao nhất toàn ngành, với 7.752 tỷ đồng, vượt kế hoạch 3,37%. Đáng chú ý, kế hoạch lãi trước thuế 7.500 tỷ đồng là con số đã được điều chỉnh giảm 1.100 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu đề ra. Cụ thể, ngày 23/12, tức chỉ còn vài ngày là kết thúc năm 2013, VietinBank công bố Nghị quyết ĐHCĐ bất thường dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch đã được thông qua tại cuộc họp thường niên trước đó, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận.

VietinBank điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận dù chẳng có quy định nào bắt buộc phải làm như vậy, hơn nữa lại tốn công sức, tiền của, mà chẳng đem lại lợi lộc gì cho cổ đông. Nhưng chính nhờ việc điều chỉnh này mà Ngân hàng đã đạt thành tích “vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra”.

Thu nhập chính của VietinBank vẫn là hoạt động tín dụng, các mảng hoạt động khác không có thay đổi bất thường. Có một điểm đáng lưu ý đó là tín dụng của ngân hàng này đến cuối tháng 6/2013 chỉ tăng nhẹ 0,38% so với đầu năm, sau đó nhích lên 3,66% vào cuối tháng 9 và tăng đột biến lên 12,88% tại thời điểm cuối năm 2013.

Vietcombank (VCB) cũng có tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoạn mục năm 2013: 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 1,47%; sau khi có Tổng giám đốc mới vào tháng 7, tín dụng đến cuối tháng 9 tăng 3,95% so với đầu năm. Đặc biệt, con số này đến cuối năm đã vọt lên 13,74%, tức chỉ riêng quý IV/2013, tín dụng tăng 9,42%. Đã có nhận xét rằng: “Đây là bước chuyển biến rõ nét, kể từ khi ngân hàng này có Tổng giám đốc mới”.

Riêng tháng 12/2013, Vietcombank giải ngân 40 triệu USD cho Viettel, 65,5 triệu USD cho Vietnam Airlines, 900 tỷ đồng cho Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) và đầu tư trái phiếu vào doanh nghiệp này… Với tín dụng tăng mạnh, tập trung trong mấy tháng cuối năm 2013, trong khi thu nhập lãi ròng quý IV vẫn tương đương với các quý khác, nhưng lợi nhuận sau thuế quý IV  cao hơn nhiều so với mức bình quân các quý trong năm, phải chăng những khoản cho vay vừa mới giải ngân đã phát sinh lãi?

Với lợi nhuận trước thuế năm 2013 là 5.744 tỷ đồng, Vietcombank đạt 99,04% kế hoạch đề ra.

BIDV (BID) không có đột biến như 2 ngân hàng bạn. Tín dụng của BIDV tăng trưởng ổn định và cao hơn mặt bằng chung toàn ngành trong suốt năm 2013; đến cuối tháng 6 tăng 7,31% so với đầu năm, cuối tháng 9 tăng 9,79% và đến cuối năm tăng 15,04%.

Điểm đáng ghi nhận ở BIDV là dù tín dụng tăng cao, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại giảm, từ mức 1,47% tại thời điểm cuối năm 2012 xuống còn 1% vào cuối năm 2013. Chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu hầu như không tăng đã góp phần giúp BIDV đảm bảo được lợi nhuận cao trong năm qua, là nền tảng tốt cho việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên TTCK vào ngày giao dịch cuối cùng của năm Quý Tỵ.

Cuối tháng 11/2013, có thông tin BIDV sẽ bán khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), song đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào về việc này. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 của BIDV là 5.311 tỷ đồng, vượt kế hoạch 12,51%; lợi nhuận sau thuế đạt 4.047 tỷ đồng, tăng 23,95% so với năm 2012.

Trường phái thực dụng

Eximbank (EIB) vừa bất ngờ báo lỗ ròng 222 tỷ đồng trong quý IV/2013. Nói là bất ngờ vì trước đó, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, lợi nhuận 9 tháng đạt xấp xỉ 38% kế hoạch đề ra và “phấn đấu cả năm đạt được 50% kế hoạch”, tức 1.600 tỷ đồng. Với kết quả lỗ trong quý IV/2013, lãi trước thuế cả năm 2013 chỉ còn 827 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số ước tính trước đó.

Trong quý IV/2013, thu nhập lãi ròng của Eximbank giảm do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 3 lần quý IV/2012, lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng… khiến lợi nhuận âm.

Tương tự như Eximbank, ACB báo lỗ ròng quý IV/2013 hơn 293 tỷ đồng cũng do thu nhập lãi ròng giảm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng và lỗ kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán… Lợi nhuận trước thuế cả năm 2013 đạt 1.035 tỷ đồng, hoàn thành 57,51% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 5,16% so với năm 2012 và đạt 824 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng nhân khác như MBB, Techcombank và SHB… cũng thuộc nhóm không đạt kế hoạch lợi nhuận (xem bảng 1).

Ngoài những nguyên nhân khách quan như khó khăn chung của nền kinh tế khiến nguồn vốn bị ứ đọng, lãi suất giảm và chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ…, rất có thể có những lý do chủ quan khiến các ngân hàng này “để” con số thực hiện cách xa kế hoạch đã đề ra.

Thứ nhất, các ngân hàng biết trước sẽ không đạt kế hoạch, nhưng không muốn “ép” để đạt cho bằng được. Nếu muốn đạt thì cũng có nhiều cách và cách đơn giản nhất là điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng, một số ngân hàng đã chủ động phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo Thông tư 02 khiến chi phí dự phòng tăng lên, do đó lợi nhuận năm 2013 giảm.

Thứ ba, một yếu tố quan trọng cần xem xét đó là kể từ ngày 1/1/2014, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông sẽ giảm từ mức 25% xuống còn 22%. Câu hỏi không ít người đặt ra là, phải chăng một số ngân hàng chủ động để dành lợi nhuận 2013 cho năm 2014?

Tin bài liên quan