Sau 13 năm làm xong 95% dự án mà vẫn chưa được xác nhận thời điểm là chủ đầu tư, chủ một doanh nghiệp đã bật khóc tại Hội nghị trực tuyến Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với doanh nghiệp và nhà đầu tư (tháng 11/2023)

Sau 13 năm làm xong 95% dự án mà vẫn chưa được xác nhận thời điểm là chủ đầu tư, chủ một doanh nghiệp đã bật khóc tại Hội nghị trực tuyến Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với doanh nghiệp và nhà đầu tư (tháng 11/2023)

Lời khẩn cầu và động lực với doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Điểm chung đến nhức nhối trong những tiếng “kêu cứu” của doanh nghiệp trong năm 2023 là nỗi sợ lâm nguy bởi cán bộ “né” trách nhiệm; là sự mỏi mòn vì những cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo; là phải chịu trách nhiệm về thuế vô lý... Doanh nghiệp chia sẻ, chỉ cần gỡ bỏ những khó khăn này, họ sẽ có động lực mạnh mẽ để tiến về phía trước.

Đừng buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho công ty “ma”?

Những ngày cuối cùng của năm 2023, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính phản ánh tiếng kêu cứu của doanh nghiệp thủy sản.

Trong đó, vấn đề gây bức xúc nhất là doanh nghiệp liêu xiêu, khó khăn trong kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hóa đơn của cơ sở kinh doanh bỏ trốn, ngừng hoạt động, bị đóng mã số thuế, cưỡng chế hóa đơn.

Ông Hòe cho hay, trong thời gian vừa qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản gặp vô vàn khó khăn. Trong đó, nhiều công ty buộc phải đóng cửa, rời bỏ thị trường, bị đóng mã số thuế hoặc nghiêm trọng hơn là chủ doanh nghiệp bỏ trốn, khiến các doanh nghiệp từng nhận hóa đơn của những công ty này rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế ra quyết định xử phạt vì hành vi “khai sai”.

Trên thực tế, doanh nghiệp không thể biết trước được việc các công ty bán hàng cho mình bị đóng mã số thuế, ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn. Nếu biết, thì doanh nghiệp mua hàng buộc phải loại hóa đơn đó ra. Nhưng dù có kê khai hay không kê khai, thì doanh nghiệp mua hàng vẫn là bên chịu thiệt thòi, không được hoàn thuế, trong khi lỗi không phải của mình.

Với mỗi tờ hóa đơn GTGT không được hoàn thuế, doanh nghiệp sẽ mất khoản 10% thuế GTGT và có thể phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể, nếu nộp chậm sẽ bị phạt (có hóa đơn chỉ vài trăm ngàn, nhưng tiền phạt lên cả triệu đồng).

Cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những doanh nghiệp bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ, thì không nên yêu cầu doanh nghiệp mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn thuế GTGT.

- Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep)

Câu chuyện này không chỉ xảy ra với doanh nghiệp thành viên của Vasep. Gửi đơn kêu cứu tới UBND TP.HCM, Hội Doanh nghiệp quận 10 cho hay, khi kiểm tra quyết toán thuế tại doanh nghiệp, nếu phát hiện có hóa đơn của đối tác đã giải thể hoặc công ty “ma”…, thì cơ quan thuế đẩy hết cho doanh nghiệp đang được kiểm tra phải chịu trách nhiệm. Điều này là rất vô lý, bởi doanh nghiệp không thể biết trước được đối tác có thể giải thể để mà tránh.

Theo Hội Doanh nghiệp quận 10, việc cơ quan thuế không kiểm soát, xử lý được việc mua hóa đơn bất hợp pháp mà buộc doanh nghiệp có liên quan (vô tình là đối tác) phải đóng lại số thuế từ các hóa đơn phi pháp cũng rất phi logic.

Vasep phân tích, theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp xuất hóa đơn, thì cơ quan thuế tiến hành xác minh và cấp mã, do đó, hóa đơn đó phải được coi là hợp lệ và doanh nghiệp phải được hoàn thuế GTGT. Vì vậy, cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những doanh nghiệp bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ, thì không nên yêu cầu doanh nghiệp mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn thuế GTGT.

Từ tháng 11/2023, nhiều tiếng kêu của doanh nghiệp thuộc Vasep đã được Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính chuyển tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan để xử lý, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Thế nên, lời khẩn cầu vào những ngày cuối cùng của năm 2023 như tiếng thở dài của doanh nghiệp, phải chờ lời giải trong năm 2024.

Đừng thanh tra, kiểm tra chồng chéo

Dưới góc độ quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra là hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo kỷ cương và pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, bên cạnh những lợi ích, thì một vấn đề nổi lên không kém phần nan giải là tình trạng nhiều doanh nghiệp thủy sản phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm.

Đáng nói là, dù cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường..., dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

“Hoạt động thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà như hiện nay đã và đang làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, phần nào làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các công ty đang gặp rất nhiều khó khăn như đơn hàng và giá cả sụt giảm, thiếu hụt lao động sản xuất, chi phí đầu vào tăng liên tục”, văn bản của Vasep nêu.

Từ đó, Vasep kiến nghị cơ quan chức năng tuân thủ đúng chủ trương của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017: “Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước, thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên”.

Đừng để nhà đầu tư buông tay vì quy định phòng cháy, chữa cháy

Đây là tiếng kêu ròng rã suốt năm 2023 của nhiều hiệp hội doanh nghiệp phía Nam.

Theo phân tích của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, với quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiện nay, chi phí PCCC cao hơn chi phí đầu tư nhà xưởng. Đây là điều rất bất hợp lý, làm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư phải bỏ cuộc.

Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân (TP.HCM) cho hay, có hiện tượng doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm, nhưng vẫn phải đóng cửa vì thủ tục thẩm duyệt PCCC. Trong đó, có nhiều xưởng cơ khí bị đóng cửa do không xin được giấy phép xây dựng của công trình đã xây dựng trước đây.

Bởi vậy, Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân “kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành những quy chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hơn là áp dụng tiêu chuẩn của các nước phát triển để giá thành các thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ các công trình PCCC phù hợp với tổng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản”.

Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi các điều kiện bất hợp lý trong quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC mà nhiều doanh nghiệp và người dân không thể thực hiện được; đồng thời khắc phục tình trạng chi phí cho PCCC cao hơn chi phí xây dựng cơ bản.

Đừng “hành là chính” và đừng vô cảm

Đây là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp trong nhiều loại hình, được Câu lạc bộ Tổng thư ký TP.HCM (tổ chức tự nguyện những người làm công tác văn phòng, thư ký của các hiệp hội, các hội ngành nghề, hội doanh nghiệp quận, huyện, câu lạc bộ doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM) tổng hợp và kiến nghị.

Theo Câu lạc bộ Tổng thư ký TP.HCM, thủ tục hành chính vẫn quá rườm rà ở nhiều lĩnh vực. Nhiều trường hợp lập hội đồng thẩm định, lấy ý kiến nhiều cơ quan, thẩm định nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết. Doanh nghiệp gặp khó khăn, phải đi lại nhiều lần ở giai đoạn trước khi được nhận hồ sơ và kể cả sau khi đã có kết quả cấp phép.

Việc tổ chức thực thi pháp luật của một số cơ quan còn kém hiệu quả, không đồng bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp. Lĩnh vực khó khăn hiện nay là chuyển mục đích sử dụng đất, cấp sổ đỏ, sổ hồng, cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, thủ tục hoàn công xây dựng. Đặc biệt, thủ tục xin đầu tư khai thác khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án đầu tư còn khó hơn trước đây.

“Báo cáo của các cơ quan về tỷ lệ đúng hạn, tỷ lệ hài lòng... cao là chưa đúng. Cần nghiên cứu thay đổi phương pháp thực hiện cải cách hành chính theo hướng giảm động tác thừa, công việc không cần làm... trong các cơ quan để tinh giản bộ máy; hạn chế, đơn giản hóa cơ chế xử lý hồ sơ theo hội đồng, lấy ý kiến nhiều cơ quan... theo kiểu “chia trách nhiệm”!”, Câu lạc bộ Tổng thư ký TP.HCM thẳng thắn nêu.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM “khẩn cầu” cán bộ đồng cảm để đồng hành với doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, có cán bộ, công chức thừa hành ít quan tâm đến khó khăn hoặc tình trạng đóng cửa doanh nghiệp, gây mất việc làm cho người lao động; có trường hợp lợi dụng các điều kiện quy định bất hợp lý, mức phạt cao... để làm khó doanh nghiệp.

Đó là chưa nói, với tinh thần quyết liệt phanh phui các “đại án”, không có “vùng cấm”, không còn “hạ cánh là an toàn”, đã xuất hiện tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm. Đến mức, năm 2023, trong vòng chưa đầy 1 tháng, Chủ tịch UBND TP.HCM phải ra 2 văn bản với những yêu cầu quyết liệt như thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Có rất nhiều chữ “đừng” cho năm mới mà doanh nghiệp gửi gắm tới cơ quan chức năng, tới từng công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ.

Tin bài liên quan