Lộc Trời bao tiêu lúa cho bà con nông dân sau mùa gặt/

Lộc Trời bao tiêu lúa cho bà con nông dân sau mùa gặt/

Lộc Trời và hành trình sản xuất nông nghiệp bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 20/10/2021, tại Hội nghị quốc tế về lúa gạo lần thứ 5, diễn ra tại thành phố Cologne (Đức), các đại biểu từ nhiều quốc gia trên thế giới rất ấn tượng với bài phát biểu của ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về những đóng góp có tính chất tiên phong, nền tảng của Lộc Trời trong việc canh tác lúa gạo bền vững ở Việt Nam.

Tại hội nghị, Lộc Trời chia sẻ niềm tự hào là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên thế giới đến thời điểm này đạt 100 điểm tuyệt đối theo mô hình canh tác lúa bền vững (SPR) trong 2 năm liên tiếp 2020 - 2021. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình sản xuất mới, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với nền tảng tri thức được bồi đắp và phát triển liên tục trong quá trình gần 30 năm phát triển chính là cơ sở để Tập đoàn tự tin trong định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nền tảng tri thức nông nghiệp

Viện Nông nghiệp Lộc Trời, đơn vị dẫn dắt hoạt động nghiên cứu của Tập đoàn, có 41 thạc sĩ, tiến sĩ, 7 trung tâm nghiên cứu, kết nối chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, các trường đại học lớn về nông nghiệp trong cả nước…

Đây chính là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo, phát triển nhiều giống lúa mới, xây dựng và ban hành các quy trình canh tác chuẩn trên cây lúa, phù hợp với yêu cầu của các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… cùng nhiều quy trình canh tác trên các nhóm cây trồng khác.

Đây cũng là đơn vị đã tạo ra giống Lộc Trời 28 - gạo Thiên Vương - đạt Giải Nhất gạo thơm thế giới năm 2018 tại Hội nghị Thương mại gạo quốc tế diễn ra tại Quảng Đông - Trung Quốc, cũng là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng cho thành tích 100 điểm SRP hoàn hảo duy nhất thế giới 2 năm 2020 - 2021 trên 4 vụ liên tiếp.

Từ cuối năm 2020, Viện Nông nghiệp Lộc Trời tổ chức các chương trình “Cà phê khoa học Lộc Trời” với các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế, được tổ chức định kỳ theo quý, để cùng trao đổi và tìm ra những giải pháp, sáng kiến góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Tính đến tháng 11/2021, Lộc Trời đã tổ chức thành công 5 kỳ Café Khoa Học Lộc Trời, với các chủ đề: Công nghệ sau thu hoạch; Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và khí tượng trong dự báo sâu bệnh; Giải pháp giúp giảm 50% lượng phân bón trong canh tác lúa...

Viện Nông nghiệp Lộc Trời cũng là đơn vị chịu trách nhiệm lưu giữ, trao truyền, đào tạo và phát triển kiến thức nông nghiệp cho toàn thể cán bộ - công nhân viên Tập đoàn Lộc Trời; là đơn vị tập huấn kỹ thuật cho hơn 1.200 kỹ sư nông nghiệp “3 Cùng”; và hướng dẫn, tập huấn các phương pháp canh tác tiên tiến cho hơn 200.000 hộ nông dân đang liên kết sản xuất với Tập đoàn bằng phương pháp trực tiếp và trực tuyến.

Tiên phong ứng dụng công nghệ cao

Là tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu khu vực, Lộc Trời tiên phong trong việc liên kết sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, máy móc công cụ phục vụ canh tác trên quy mô lớn. Với đội ngũ 1.200 kỹ sư nông nghiệp “3 Cùng”, Tập đoàn đồng hành, liên kết sản xuất hiệu quả với hơn 240.000 hộ nông dân.

Từ năm 2019, Lộc Trời đã triển khai sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để cung cấp các dịch vụ cơ giới hóa phục vụ mùa vụ nhằm nâng cao chất lượng nông sản, giữ an toàn cho sức khỏe của bà con nông dân.

Hiện nay, Lộc Trời sở hữu gần 200 drone và đội ngũ vận hành hơn 200 người, cung cấp các dịch vụ như phun thuốc bảo vệ thực vật, sạ giống, rải phân bón…

Với công suất 20 - 30 ha/ngày, thời gian phun nhanh, có thể tiết kiệm lượng nước sử dụng lên đến 90% và lượng hóa chất sử dụng trên 30% so với cách phun thông thường, dịch vụ drone của Lộc Trời mang lại hiệu quả cao trên cây lúa và nhiều loại cây trồng khác, đồng thời bảo vệ sức khỏe con người, giảm ô nhiễm môi trường.

Đến nay, dịch vụ bay drone của Lộc Trời đã được sử dụng trên nhiều loại cây trồng với nhiều địa hình khác nhau. Cụ thể, Tập đoàn đã thử nghiệm phun drone trên dưa hấu tại tỉnh Vĩnh Long và sầu riêng tại TP. Cần Thơ, trên chuối tại Bà Rịa - Vũng Tàu… và nhiều loại cây trồng khác. Đặc biệt, dịch vụ bay drone của Lộc Trời cũng tiên phong trong việc hỗ trợ bà con nông dân Bến Tre dập dịch sâu đầu đen hại dừa đã xuất hiện từ cuối năm 2020.

Bên cạnh drone, Lộc Trời cũng tiên phong xây dựng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ bà con nông dân kịp thời và hiệu quả. Tháng 11/2019, ứng dụng “Bệnh viện cây ăn quả” được giới thiệu đến bà con nông dân.

Một năm sau, Lộc Trời tiếp tục giới thiệu ứng dụng “Bệnh viện cây lúa”. Cả hai ứng dụng này đều bao gồm nhiều chuyên mục hữu ích như tin tức, tài liệu kỹ thuật, phác đồ điều trị các loại dịch hại…

Triển khai các mô hình liên kết sản xuất

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng giá mạnh, ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sinh kế của bà con nông dân, Lộc Trời đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung, cam kết không tăng giá bán thuốc bảo vệ thực vật.

Để thực hiện được cam kết này với nông dân mà không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tập đoàn, Lộc Trời đã đẩy mạnh mô hình liên kết Lộc Trời 123 cho lúa gạo, sử dụng năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực quản lý mùa vụ, ứng dụng các giải pháp công nghệ cao để điều phối sản xuất tổng thể, tiết giảm chi phí đảm bảo lợi nhuận hài hòa cho các bên.

Đây là mô hình xuống giống theo kế hoạch, theo đơn đặt hàng, giảm thiểu áp lực thừa cung, “được mùa mất giá”, tắc nghẽn sản xuất do xuống giống đồng loạt theo truyền thống.

Mô hình liên kết sản xuất Lộc Trời là mô hình “bao lợi nhuận”, đảm bảo lợi nhuận cố định, ổn định cho nông dân, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Để thực hiện mô hình này, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của Lộc Trời sẽ trực tiếp “xuống đồng” hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các quy trình canh tác, quản lý mùa vụ.

Mô hình này đã được thực hiện tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang với quy mô dự kiến lên tới 30.000 ha và sẽ tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Tại khu vực Tây Nguyên, Lộc Trời cũng đã áp dụng mô hình này đối với sản phẩm bắp sinh khối.

Từ tháng 6/2021, Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai dự án Lộc Trời Mimosa Farm tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là mô hình thí điểm công nghệ cao theo hướng sinh thái trên các loại rau ôn đới, dâu tây…

Đây sẽ là mô hình mẫu để Tập đoàn Lộc Trời tiến hành triển khai đồng bộ và hiệu quả tất cả các dịch vụ như cấp mã số vùng trồng, QR Code, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản khi mở rộng liên kết sản xuất và chuyển giao quy trình cho bà con nông dân trong các chương trình liên kết hợp tác với Lộc Trời.

Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm với cộng đồng

Hoạt động cùng nông dân thăm đồng của các kỹ sư nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời.

Hoạt động cùng nông dân thăm đồng của các kỹ sư nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời.

Năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội, đặc biệt là giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát.

Cụ thể, Tập đoàn đã ủng hộ gần 600 tấn gạo thương hiệu Hạt Ngọc Trời cho các bệnh viện dã chiến, những khu vực phong tỏa để phòng chống dịch. Ngoài ra, Tập đoàn phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Bộ Y tế và nhiều đơn vị khác để vận chuyển gạo ra ủng hộ các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Campuchia.

Bên cạnh đó, Lộc Trời còn ủng hộ hàng chục ngàn kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, hệ thống máy xét nghiệm Real-Time PCR LightCycler 480 II, thiết bị đo nồng độ oxy trong máu, găng tay y tế, sinh phẩm, hóa chất… đến các đơn vị y tế địa phương.

Tính đến quý III/2021, Tập đoàn đã ủng hộ gần 20 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước.

Hàng năm, Lộc Trời cũng dành nhiều kinh phí cho những hoạt động cộng đồng như tặng quà, giúp đỡ các gia đình chính sách, các hộ gia đình nghèo tại nhiều địa phương… Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Lộc Trời còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khám sức khỏe, phát thuốc cho bà con nông dân ở những vùng khó khăn, xa xôi.

Định hướng 5 năm tới và tầm nhìn dài hạn

CTCP Tập đoàn Lộc Trời đã được Bộ Công Thương công nhận công nhận là Thương hiệu Quốc Gia vào năm 2018, 2020 với 2 dòng sản phẩm là gạo Hạt Ngọc Trời và Gạo mầm Vibigaba.

Cùng với chứng nhận “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” 3 năm liên tiếp từ 2018 - 2020 của Bộ Công Thương, Tập đoàn Lộc Trời vinh dự là đơn vị được đánh giá cao, góp phần vào việc nâng cao giá trị nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế.

Trong năm 2021, bên cạnh thành tích 2 năm liên tiếp đạt 100 điểm tuyệt đối theo mô hình canh tác lúa SRP, Lộc Trời còn là doanh nghiệp được Bộ Công Thương vinh danh là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp (từ 2018 - 2020).

Cũng trong năm nay, hai sản phẩm Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ của Tập đoàn Lộc Trời được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận và công bố sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Những thành tích này là sự ghi nhận cho những nỗ lực trong sản xuất - kinh doanh của Lộc Trời trong thời gian qua.

Trong chiến lược phát triển 5 năm tới, Tập đoàn đặt mục tiêu giảm 1 triệu lít hóa chất thải xuống đồng ruộng mỗi năm, giúp tích lũy đủ tín chỉ carbon cho Việt Nam theo cam kết “Zero CO2 vào năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về chống biến đổi khí hậu tại Edinburgh, Vương quốc Anh đầu tháng 11 vừa qua; đóng góp vào việc bảo vệ nguồn nước cho các vùng nông thôn tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc sản xuất theo quy trình SRP; đảm bảo đời sống ổn định cho hơn 1 triệu hộ nông dân tham gia liên kết với Lộc Trời thông qua hình thức liên kết sản xuất bao lợi nhuận; thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững…

Tin bài liên quan