Các mảng kinh doanh của CTCP Tập đoàn Lộc Trời chịu tác động khá lớn của yếu tố... thời tiết

Các mảng kinh doanh của CTCP Tập đoàn Lộc Trời chịu tác động khá lớn của yếu tố... thời tiết

Lộc Trời: Rủi ro rình rập từ… ông trời!

(ĐTCK) Với mảnh kinh doanh chính là thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, sản xuất lúa gạo, CTCP Tập đoàn Lộc Trời, trước đây là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, chịu rủi ro rất lớn từ ngoại cảnh.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp có lý giải về ý nghĩa của cái tên mới “Lộc Trời”, nhưng có một sự thật rõ ràng, đây là ngành phụ thuộc rất nhiều vào… ông Trời!

Lộc Trời, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang vướng vào một câu chuyện chung, là có tỷ lệ nợ cao, nguy cơ nợ xấu luôn rình rập.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 cho thấy, với hơn 4.728 tỷ đồng doanh thu từ mảng thuốc bảo vệ thực vật trên tổng số 7.783,05 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tương đương tỷ lệ hơn 60,75% và đóng góp hơn 81,7% vào lợi nhuận gộp, có thể nói, thuốc bảo vệ thực vật là ngành nghề kinh doanh trọng yếu của CTCP Tập đoàn Lộc Trời. Thế nhưng, đây không hề là mảng kinh doanh dễ nhằn.

Không nói đến những yếu tố liên quan đến đặc thù sản phẩm, khi các doanh nghiệp bảo vệ thực vật của Việt Nam chủ yếu vẫn nhập khẩu sản phẩm về phân phối, hoặc nhập khẩu nguyên liệu để pha chế, đóng gói… thì chính đặc thù về sản phẩm, cách bán hàng, với việc quay vòng vốn chậm, dễ phát sinh nợ xấu mới là yếu tố tạo nên rủi ro lớn của doanh nghiệp trong ngành.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Lộc Trời cho thấy, khoản phải thu của Công ty cuối năm lên tới hơn 1.696 tỷ đồng. Đến hết quý I/2017, Lộc Trời đã giảm được số dư phải thu ngắn hạn khách hàng về 1.569 tỷ đồng và hoàn nhập được 24 tỷ đồng nợ xấu đã trích lập.

Con số này không hề nhỏ, càng đáng nói hơn trong bối cảnh tài sản dài hạn của Công ty chiếm tới 85% vốn chủ sở hữu và Lộc Trời đang có tới 3.755 tỷ đồng nợ phải trả (chủ yếu là nợ vay).

Lộc Trời: Rủi ro rình rập từ… ông trời! ảnh 1
Mảng kinh doanh giống cây trồng của Lộc Trời cũng đối mặt với rủi ro của ngành

Trên thị trường chứng khoán, CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC), từ chỗ tập trung cho mảng thuốc bảo vệ thực vật đã phải lên kế hoạch 2 năm để thoái vốn khỏi lĩnh vực này, do rủi ro nợ xấu.

“Năm 2015, Công ty đã tăng trưởng mạnh doanh thu mảng này, nhưng đi kèm với nó là nợ xấu, vì bán hàng cho bà con, chỉ cần bà con gặp khó khăn là lập tức Công ty bị phát sinh nợ xấu. Thêm vào đó, Công ty muốn đi theo hướng phát triển xanh, nên không lựa chọn tiếp tục tham gia vào mảng này”, Tổng giám đốc TSC từng phát biểu như vậy về lý do kiên quyết cắt mảng nông dược khỏi hoạt động của Công ty.

Quay trở lại với mảng kinh doanh nông dược của Lộc Trời, năm 2015, Công ty trích lập dự phòng 48 tỷ đồng nợ xấu, năm 2016 là gần 39 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là, báo cáo tài chính hợp nhất của Lộc Trời cho thấy, đến cuối năm 2016, Công ty phản ánh 285,42 tỷ đồng ngắn hạn khó đòi, với thời gian quá hạn của các khoản nợ đã lên tới 2 - 3 năm.

Không có thuyết minh chi tiết về chính sách bán hàng của Lộc Trời, nhưng việc hạch toán trích lập dự phòng 30% khoản nợ ngắn hạn đã quá hạn phải thu từ 1 - 2 năm, trích lập hơn 40% với khoản nợ ngắn hạn đã quá hạn từ 2 - 3 năm… và tồn tại hơn 221 tỷ đồng khoản phải thu đối tượng khác được trích lập tỷ lệ trung bình hơn 46% đã cho thấy rủi ro nợ xấu của Lộc Trời có thể không phản ánh hết, nếu theo tiêu chí thận trọng của các doanh nghiệp khác.

Để bù đắp những rủi ro về nợ, Lộc Trời đã xây dựng mức giá bán với tỷ lệ lợi nhuận gộp khá ấn tượng, lên tới xấp xỉ 68% trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Không phủ nhận Lộc Trời đang có vị thế lớn trong mảng nông dược, nhưng khi hoạt động kinh doanh mảng này vẫn chủ yếu dừng ở công đoạn thương mại hoặc gia công đóng gói nguyên liệu nhập ngoại thì việc duy trì biên lợi nhuận sẽ khó khăn, nhất là khi các hãng thuốc bảo vệ thực vật ngoại đang tiếp cận mạnh mẽ thị trường nội địa không chỉ qua kênh thương mại, mà bằng con đường M&A trực tiếp doanh nghiệp nhỏ trong nước.

Với mảng kinh doanh giống cây trồng, Lộc Trời cũng đối mặt với rủi ro của ngành. Năm 2015 là năm ám ảnh của các doanh nghiệp giống lớn, đặc biệt là giống ngô ở khu vực phía Nam, do nhu cầu giống ngô và giá bán đều sụt giảm mạnh.

Nguyên nhân là giá ngô trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh, giá ngô nhập về trong nước còn rẻ hơn giá thành sản xuất trong nước, dẫn đến bà con nông dân không thể trồng ngô. Đặc thù của giống là bảo quản và hạn sử dụng, nên để đảm bảo chất lượng, hàng tồn kho qua mùa được các hãng giống chấp nhận mất chi phí tiêu hủy.

Nếu giai đoạn 2014-2015 bùng nổ xuất hiện các hãng giống cây trồng trong nước, thì đến giai đoạn cuối năm 2016-2017, một loạt doanh nghiệp ngành này phải tạm dừng hoạt động, hoặc đổi chủ.

Lĩnh vực hạt giống của Lộc Trời năm 2016 đóng góp doanh thu 568 tỷ đồng và lợi nhuận gộp gần 79 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với năm 2015 là 685 tỷ đồng doanh thu và 196 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Đến quý I/2017, vai trò của mảng này lại tăng lên, cùng với việc suy giảm kết quả kinh doanh của của mảng nông dược, nhưng xét về cuộc cạnh tranh lâu dài, đây sẽ là mảng kinh doanh hứa hẹn cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi các ông lớn về giống trên thế giới thay đổi cuộc chơi và bản thân ngành nông nghiệp (với mảng bắp, gạo) trong nước vốn được xem là kém khả năng cạnh tranh.

Tin bài liên quan