Lộc Trời hoãn ký hợp đồng mới
Là một trong những doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kinh doanh gạo đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hiện Tập đoàn Lộc Trời đang gặp khó khi các nhà máy phải giảm nhân lực, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất để đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ” dẫn đến việc giảm năng suất của các nhà máy.
Bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển hàng hoá cũng có những khó khăn nhất định trong lưu thông ảnh hưởng đến tiến độ đưa hàng hóa ra cảng.
Cụ thể, một số cảng biển dừng hoạt động dẫn đến quá tải cho các cảng còn lại, đặc biệt là việc hàng hóa bị ứ đọng tại cảng Cát Lái; các container không đóng được hàng, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí (do bị hãng tàu phạt, bị khiếu nại từ người mua…).
Thêm vào đó, các biện pháp kiểm soát dịch tễ của các địa phương, các dịch vụ như giám định, khử khuẩn... tại nhà máy cũng như tại cảng được tiến hành chậm, cũng ảnh hưởng đến tiến độ đóng hàng của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, để đảm bảo uy tín thương hiệu, Lộc Trời buộc phải đàm phán với khách hàng để điều chỉnh thời gian giao hàng và hoãn ký kết các hợp đồng mới.
Đại diện Lộc Trời cho biết, nếu đến cuối năm 2021 vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh thì sản lượng cả năm của Công ty chắc chắn sẽ sụt giảm.
Chi phí gia tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận
Tại thị trường trong nước, giá lúa thu mua tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đi ngang sau thời gian giảm sâu do hoạt động mua bán, sản xuất bị ngưng trệ hàng loạt.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chi phí leo thang đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo niêm yết bị “co hẹp” lại. Tình trạng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong quý III/2021 do dịch bệnh hiện vẫn chưa được kiểm soát, cộng thêm nhiều chi phí khác phát sinh trong quá trình doanh nghiệp duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”.
Kết thúc quý II/2021, LTG ghi nhận doanh thu đạt 2.724,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 45,5 tỷ đồng, lần lượt bằng 185,7% và 30,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, lợi nhuận gộp điều chỉnh 12,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 50,6 tỷ đồng về 348,1 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 33,1%, tương ứng tăng thêm 14 tỷ đồng lên 56,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 19,2%, tương ứng tăng 41,3 tỷ đồng lên 256,5 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, LTG ghi nhận doanh thu đạt 5.121,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 229,1 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 132,8% và 101,7% so với 6 tháng đầu năm 2020. So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 400 tỷ đồng, sau 6 tháng, LTG đã hoàn thành được 57,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/6/2021, tổng tài sản của LTG tăng 22,8% so với đầu năm lên 8.498,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 4.210,3 tỷ đồng, chiếm 49,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.501,4 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.409,7 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng tài sản.
Lộc Trời cho biết thời gian qua đã dành khá lớn chi phí để triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, tổ chức nhiều biện pháp đảm bảo sức khỏe cho cán bộ nhân viên, người lao động của Tập đoàn cũng như duy trì sản xuất thông qua thực hiện “3 tại chỗ” cho 14 nhà máy.
Đặc biệt, dù trong bối cảnh dịch bệnh và nhiều chi phí gia tăng, LTG vẫn triển khai việc thu mua nông sản của bà con nông dân theo giá đã cam kết và đưa ra thị trường tiêu thụ với giá bình ổn. Do vậy, dù Lộc Trời đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác cung ứng nhưng chi phí sản xuất tăng, vận chuyển tăng và các chi phí liên quan tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tập đoàn.
Lộc Trời đã đề xuất với Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng lãnh đạo tỉnh An Giang về giải pháp xuống giống rải vụ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong canh tác hiện nay là xuống giống và thu hoạch đồng loạt. Với cách làm này, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch lúa liên tục theo ngày nhưng vẫn đảm bảo chất lượng lúa gạo thành phẩm và ổn định sản lượng cung cấp ra thị trường, tránh được tình trạng được mùa mất giá cho bà con nông dân.
Bằng nhiều giải pháp, Lộc Trời đang nỗ lực để hỗ trợ bà con nông dân trong mùa dịch. Tuy nhiên, điều này cần sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền cũng như tạo điều kiện về chính sách, đặc biệt là các ưu đãi về tài chính từ ngân hàng để Lộc Trời có thể hỗ trợ bà con nông dân hiệu quả hơn.
Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến chuỗi logistics, nên việc bán hàng chậm hơn kế hoạch đề ra. Lộc Trời cho biết vẫn đang nỗ lực để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kinh doanh của năm 2021.
Luỹ kế hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất khẩu được gần 3,5 triệu tấn gạo, trị giá 1,88 tỷ USD. Giá bình quân 540,68 USD/tấn. Xuất khẩu sụt giảm cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD.
Bộ Công Thương nhận định hiện nay, hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Bên cạnh đó, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân và cả khách hàng đều gặp rủi ro lớn.
Bộ Công Thương cho rằng nếu tình trạng này tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia và các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.