TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Thưa ông, doanh nghiệp bị tác động thế nào trước đại dịch Covid-19?
Trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Thống kê đã tổ chức điều tra, khảo sát trên 126.500 doanh nghiệp (từ ngày 10/4/2020 đến 20/4/2020) để đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả cho thấy, trên 91% doanh nghiệp có quy mô vừa, 89,7% doanh nghiệp nhỏ và trên 82% siêu nhỏ cho biết là bị tác động tiêu cực.
Hoạt động của nền kinh tế đã dần trở lại bình thường sau khi chấm dứt giãn cách xã hội (từ ngày 23/4/2020), nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, trong tháng 6/2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2019 cũng như các năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới, sử dụng lao động, số vốn đăng ký cũng như số vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp, doanh nghiệp đang hoạt động bổ sung thêm vốn đều giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ có điểm sáng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 16,4%, nhưng có tới 29.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, khoảng 19.600 doanh nghiệp đang chờ thủ tục cuối cùng trước khi rút khỏi thị trường, trên 7.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể... và trên 22.400 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp lớn chịu tác động bởi Covid-19 còn lớn hơn, thưa ông?
Doanh nghiệp lớn hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, nên tỷ lệ bị tác động tiêu cực bởi đại dịch lớn hơn, vì chỉ cần một trong những ngành nghề bị tác động tiêu cực là đã được tính là bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn có quy mô vốn lớn, nhiều kinh nghiệm, thị trường lớn và thị trường chỉ tạm thời bị gián đoạn do dịch bệnh, nên khi dịch bệnh đi qua, khu vực doanh nghiệp này sẽ sớm phục hồi.
Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu mới thành lập, vốn ít, chưa có kinh nghiệm, nên dễ phải đóng cửa khi bị tác động tiêu cực như đại dịch Covid-19.
Theo ông, doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động lớn nhất ở những yếu tố nào?
Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt, doanh thu giảm, nên thiếu nguồn tài chính để duy trì hoạt động cũng như để thanh toán các khoản nợ, thậm chí là thanh toán lương cho người lao động.
Để giải cứu doanh nghiệp, bên cạnh được hưởng các chính sách giảm 50% các loại thuế, phí, lệ phí; được gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền sử dụng đất như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ còn được giảm 30% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Hiện chưa có số liệu khảo sát, thống kê về tác động của các chính sách này đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa biết có bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, điều chắc chắn là, không nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ưu đãi để vượt qua khó khăn, trong khi thiếu vốn để duy trì hoạt động, phục hồi sản xuất là khó khăn lớn nhất đối với khu vực doanh nghiệp này.
Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng phải tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, thưa ông?
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi này.
Nguyên nhân là các tổ chức tín dụng không thể hạ chuẩn cho vay, vì nếu hạ chuẩn sẽ tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng trở lại và tác động tiêu cực không chỉ đến hệ thống ngân hàng mà toàn nền kinh tế. Do không hạ chuẩn cho vay, nên muốn vay được vốn, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 2 điều kiện.
Trong đó, điều kiện cần là phải có tài sản thế chấp. Trong khi gặp khó khăn, để tồn tại, nếu có gì có thể thế chấp được, thì doanh nghiệp đã thế chấp rồi, nên không còn gì để thế chấp nữa. Điều kiện đủ là doanh nghiệp phải chứng minh được hiệu quả hoạt động, có dòng tiền để trả cả gốc lẫn lãi. Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, không ai dự đoán được tình hình dịch bệnh sẽ ra sao, nên doanh nghiệp rất khó chứng minh được hiệu quả hoạt động. Đó chính là nút thắt cần phải sớm tháo gỡ, nếu không sẽ có làn sóng doanh nghiệp nhỏ “một đi không trở lại”.
Vậy theo ông, phải làm gì?
Thực hiện tất cả các chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; sử dụng có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết bài toán thế chấp tài sản khi khu vực doanh nghiệp này vay vốn ngân hàng.
Còn để giải quyết vấn đề hoạt động làm sao có hiệu quả, thì doanh nghiệp phải tự làm, không ai có thể làm thay.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy mạnh hơn nữa tiến độ đầu tư công. Khi vốn đầu tư công được giải phóng sẽ trở thành lực kéo doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nền kinh tế.