Thống kê từ 13/9 đến ngày 1/11, cổ phiếu MWG đã giảm 39%, từ 57.500 đồng, về 35.100 đồng/cổ phiếu và đã giao dịch thấp hơn đáy đầu năm ngày 15/11/2022 là 37.490 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu MWG chính thức giảm xuống dưới đáy ngày 15/11/2022 (Nguồn: iBoard chứng khoán SSI) |
Chuỗi hở room kéo dài
Trong nhiều năm qua, vấn đề phát hành cổ phiếu ESOP chưa bao giờ gây áp lực lên giá cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG – sàn HOSE). Điều này là do khối ngoại sẽ thực hiện mua vào cổ phiếu mà không quan tâm mức giá đang giao dịch là cao hay thấp so với trung bình trước đó, ưu tiên của họ là tăng sở hữu cổ phiếu.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023 tới nay, khi hoạt động kinh doanh lao dốc, khối ngoại bất ngờ liên tục thoái ra và room khối ngoại của Công ty tiếp tục không kín. Tính tới ngày 22/9, dù room khối ngoại là 49%, nhưng theo dữ liệu của SSI Research, nhà đầu tư ngoại vẫn có thể mua thêm 9,32 triệu cổ phiếu MWG.
Khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu MWG từ ngày 20/10 đến 1/11 (Nguồn: iBoard chứng khoán SSI) |
Việc hở room tại MWG đã duy trì trong một thời gian dài và dự kiến sẽ tiếp tục do hoạt động bán ròng của khối ngoại. Đặc biệt, trong những phiên giao dịch gần đây, khối ngoại liên tục bán ròng hàng chục triệu cổ phiếu MWG, bất chấp giá cổ phiếu dư bán sàn.
Cụ thể, ngày 23/10 bán ròng 3,68 triệu cổ phiếu; ngày 24/10 bán ròng 3,19 triệu cổ phiếu; ngày 31/10 bán ròng hơn 2 triệu cổ phiếu, ngày 1/11 bán ròng hơn 5,3 triệu cổ phiếu…; và tính tới 10h sáng ngày 2/11, khối ngoại đã bán ròng hơn 2 triệu cổ phiếu MWG, đẩy giá cổ phiếu giảm thêm 900 đồng, về 34.200 đồng/cổ phiếu.
Thống kê mới nhất theo dữ liệu của Chứng khoán SSI, tính tới cuối ngày 1/11, room của khối ngoại còn lại tại Thế giới Di động là 47,07%, tương ứng khối ngoại có thể mua vào 28.196.171 cổ phiếu MWG.
Như vậy, chỉ từ ngày 22/9 đến ngày 1/11, khối lượng đã bán ra khoảng hơn 18,8 triệu cổ phiếu MWG.
Trước đó, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán ra 979.600 cổ phiếu; ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited vừa bán ra 2.397.200 cổ phiếu; ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd vừa bán ra 1.338.300 cổ phiếu; ngày 21/6, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra thêm 668.900 cổ phiếu; ngày 24/7, Arisaig Asia Fund Limited vừa bán ra 576.000 cổ phiếu; và ngày 28/8, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd tiếp tục bán thêm 2.102.900 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 6,02%, về chỉ còn 5,88% vốn điều lệ tại Thế giới Di động.
Bên cạnh các nhà đầu tư ngoại giảm sở hữu, các lãnh đạo Công ty thời gian qua cũng liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu MWG. Trong đó, ngày 13/7, ông Đặng Minh Lượm, Thành viên HĐQT bán ra 300.000 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,24% về còn 0,22% vốn điều lệ; từ ngày 7/9 đến ngày 8/9, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,266%, về còn 0,197% vốn điều lệ.
Kinh doanh lao dốc, chuỗi Bách hoá Xanh lỗ thêm hơn 900 tỷ đồng
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 30.287,7 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 38,82 tỷ đồng, giảm 95,7% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,1%, về 15,3% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 2,83%, về 0,13%. Trong khi đó, nếu tính theo quý, trong giai đoạn bình thường thì biên lợi nhuận ròng của Công ty vào khoảng 3 - 4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 37,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2.749,1 tỷ đồng, về 4.642,9 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 77,5%, tương ứng tăng thêm 270,38 tỷ đồng, lên 619,12 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 2,4%, tương ứng tăng thêm 10,27 tỷ đồng, lên 444,91 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 18,4%, tương ứng giảm 1.038,53 tỷ đồng, về 4.620,3 tỷ đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Thế giới Di động ghi nhận lỗ 422,31 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 1.298,53 tỷ đồng, tức giảm 1.720,84 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận gộp trong quý III mà Công ty tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty thoát lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến.
Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, Thế giới Di động cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Doanh nghiệp thông tin khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Đối với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Tuy nhiên, do bản chất là hàng thiết yếu nên Thế giới Di động cho hay các ngành hàng này đang ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 86.858,3 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 77,51 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng chuỗi Bách hóa Xanh, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lỗ 904,9 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế từ năm 2016 tới nay lên tới 8.299,87 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị khác cũng lỗ khi CTCP Bán lẻ An Khang (chuỗi nhà thuốc) lỗ 234,4 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2019 tới nay đang lỗ 553 tỷ đồng; MWG (Cambodia) Co., Ltd ghi nhận lỗ 96,8 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lỗ 701,5 tỷ đồng…
Trong năm 2023, Thế giới Di động đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022 (giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023). Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 1,8% mục tiêu lợi nhuận năm.