G7 và Úc cho biết trong một tuyên bố rằng, mức trần giá sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 hoặc rất sớm sau đó.
Các quốc gia cho biết, họ dự đoán rằng bất kỳ sự sửa đổi nào về giá sẽ bao gồm một hình thức tổ chức để cho phép các giao dịch tuân thủ được ký kết trước khi thay đổi.
Mỹ đã đàm phán chi tiết với các đồng minh trong nhiều tháng qua về việc đặt giá trần đối với dầu của Nga. Mức trần giá này cũng đảm bảo dầu có thể tiếp tục lưu thông trên thị trường toàn cầu và ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến khi các chính phủ trên thế giới nỗ lực giảm lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố: “Trần giá sẽ khuyến khích dòng dầu chiết khấu của Nga chảy vào thị trường toàn cầu và được thiết kế để giúp bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Trần giá sẽ đặc biệt có lợi cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, những nước đã phải chịu gánh nặng của giá năng lượng và lương thực tăng cao”.
Trong tuần tới, G7 sẽ cấm một loạt dịch vụ - bao gồm bảo hiểm hàng hải và tài trợ thương mại - liên quan đến vận chuyển dầu thô của Nga trừ khi người mua mua dầu ở mức 60 USD/thùng hoặc dưới 60 USD/thùng. Quy định này được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng vì hầu hết dầu của Nga đều sử dụng vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây.
Mặc dù Nga có thể cố gắng tạo ra chế độ bảo hiểm dầu mỏ của riêng mình, nhưng một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chế độ này sẽ bị hạn chế về quy mô, đắt hơn và kém tin cậy hơn, làm giảm khối lượng bán dầu của Nga cho các thị trường mới nổi quan trọng và ảnh hưởng đến nguồn thu của nước này.
Ở mức 60 USD/thùng, G7 cho biết mức trần giá được thiết lập đủ cao để duy trì động lực kinh tế cho Nga tiếp tục bán dầu trên thị trường toàn cầu. Giá được thiết lập dựa trên giá mà Nga đã bán dầu trong lịch sử và cao hơn chi phí sản xuất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính giá hòa vốn toàn chi phí cho sản xuất dầu của Nga là gần 30 đến 40 USD/thùng.
Ngoài ra, theo một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, liên minh giới hạn giá cũng sẽ xem xét lại lại mức trần giá định kỳ - hàng quý hoặc nửa năm một lần và sẽ tính đến các điều kiện kinh tế và thị trường.
G7 tin rằng mức trần giá sẽ cho phép các thị trường mới nổi mặc cả để được giảm giá mạnh hơn đối với dầu của Nga. Trong khi các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một phần của liên minh giá dầu, nhưng những quốc gia này là những người mua dầu của Nga. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cho biết các quốc gia đó sẽ sử dụng giá trần để đàm phán thỏa thuận tốt nhất có thể và các cuộc đàm phán đó ở Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ không được thực hiện ở cấp quốc gia mà phần lớn là do các giám đốc điều hành công ty.
Vào cuối tháng 11, Mỹ đã đưa ra các hướng dẫn chi tiết về cách tham gia hợp pháp vào giao dịch hoặc tài trợ cho dầu mỏ của Nga để người mua có thể tiếp cận liền mạch nhất có thể.
Đề xuất ban đầu của G7 vào tuần trước là mức trần giá 65 - 70 USD/thùng mà không có cơ chế điều chỉnh. Vì dầu thô Ural của Nga đang giao dịch thấp hơn mức trên nên Ba Lan, Litva và Estonia đã đề nghị đưa mức trần giá xuống thấp hơn.
Dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng vào thứ Sáu (2/12).