Nhiều hạn chế trong liên kết vùng
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay, liên kết vùng đã nói rất nhiều và tất cả các địa phương đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc liên kết.
Theo ông Quang, sau những tác động của dịch bệnh cũng như xung đột trên thế giới, việc liên kết càng trở nên có ý nghĩa hơn với phát triển kinh tế - xã hội.
“Các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu,... cần chung tay, hợp lực để thúc đẩy việc liên kết diễn ra mạnh mẽ và mang lại lợi ích hài hòa. Những hạn chế cần được tháo gỡ sớm để vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thực sự trỗi dậy, trở thành trụ cột quan trọng cùng với hai đầu đưa kinh tế Việt Nam đi lên”, ông Nguyễn Quang nói.
Theo Giám đốc chi nhánh VCCI Đà Nẵng, vùng trọng điểm kinh tế miền Trung có nhiều khu kinh tế, di sản, cảng biển, sân bay,... chính là các lợi thế để tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư đến khu vực. Cùng với đó, các chính sách kêu gọi đầu tư, tốc độ tăng trưởng GRDP tương đối tốt cũng đã trở thành động lực cho mỗi địa phương.
“Hiện tại, đã có một số địa phương vươn lên về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp,... tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực. Song vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô nền kinh tế khu vực vẫn còn nhỏ, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhưng quy mô về vốn đăng ký lại không tăng. Vì vậy, cần phải đặt ra lời giải trong việc thu hút đầu tư, nguồn vốn chảy về các địa phương để cùng nhau phát triển, tạo dựng sự liên kết đưa kinh tế vùng đi lên xứng với tiềm năng vốn có”, ông Nguyễn Tiến Quang nói thêm.
Ông Hoàng Hồng Hiệp, Quyền viện trưởng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho hay, quá trình phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn hạn chế, một trong những lý do chủ yếu là tiếp cận vùng trong phát triển kinh tế xã hội vùng còn chưa rõ nét, tính liên kết trong phát triển giữa các địa phương nội vùng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, hiệu quả liên kết chưa thật sự tốt, chưa lan tỏa để tạo tỉnh kết nối và hỗ trợ trong phát triển nội bộ ngành, giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau, nội vùng và ngoại vùng.
Ông Hiệp cho rằng, đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết vùng là một định hướng chiến lược và là giải pháp mang lại nhiều lợi ích đối với phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Xu thế liên kết vùng góp phần đánh thức và khai thác tối ưu tiềm năng của vùng, thúc đẩy sự hợp tác liên kết, phát huy thế mạnh của các địa phương trong vùng, nhằm giải quyết những vấn đề chung như lao động, việc làm, hạ tầng, giao thông, khai thác tài nguyên, cơ cấu ngành kinh tế, sản xuất, tiêu thụ.
Chỉ có liên kết mới phát triển
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Bình – GVCC Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã chỉ ra nhiều hạn chế trong liên kết phát triển như hoạt động liên kết phát triển của miền Trung – Tây Nguyên mới chỉ bắt đầu và chưa tạo ra lực hút liên kết; Chưa có một chủ thể đứng ra tổ chức và thực hiện liên kết và do đó chưa thể có được sơ chế liên kết phát triển ở miền Trung – Tây Nguyên và thiếu sự phối hợp giữa các địa phương…
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Bình cho hay, các địa phương cần phải nhận thức rõ ràng sự cần thiết phải liên kết vùng với nhau, chỉ có liên kết mới có thể phát triển. Đồng thời phải thay đổi nhận thực về vấn đề liên kết, tham gia liên kết là tự nguyện và vì lợi ích của chính mình.
“Các vùng cần xây dựng cơ sở pháp lý cho liên kết vùng trên cơ sở bổ sung và hoàn thiện các luật đã có. Khi đó liên kết vùng mới thực sự được thừa nhận và có cơ sở để điều chỉnh các quan hệ trong liên kết. Đồng thời Nhà nước cũng cần có những chính sách về liên kết vùng nhằm tạo điều kiện cho liên kết cũng như hiệu lực hóa cơ sở pháp lý.
Tùy theo điều kiện của từng vùng mà chúng ta có thể xây dựng các mô hình thể chế quản trị vùng phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, phải hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, tỉnh, ngành và vùng. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, thẩm định quy hoạch và quản lý quá trình thực hiện quy hoạch và tính pháp lý của quy hoạch”, Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Bình nói.