Ngày 11/1, TAND TP. Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lan (SN 1974, ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, phiên tòa hồi tháng 6/2020 bị tạm hoãn để điều tra bổ sung làm rõ hành vi của một số người liên quan.
Theo cáo trạng, Lan là đối tượng không có nghề nghiệp nhưng “nổ” với nhiều người là có quan hệ làm ăn với Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam – Vicem và các quan chức trong ngành xi măng, có thể mua được máy móc thanh lý giá rẻ. Bị cáo kêu gọi mọi người tham gia góp vốn đầu tư.
Để mọi người tin tưởng, Lan tạo nick zalo giả mạo, gọi điện thoại, nhắn tin mạo nhận là Tổng giám đốc Vicem.
Khoảng tháng 9/2016, Lan kêu gọi các anh Trương Thành Kiên, Bùi Duy Thọ và Bùi Trọng Tấn góp vốn mua các loại vật tư như bi nghiền, sắt vụn, các loại động cơ… của nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Liên tục từ tháng 9-11/2016, các anh Kiên, Thọ, Tấn đã chuyển khoản nhiều lần, mỗi lần hàng trăm triệu đồng để đầu tư cho Lan.
Thậm chí, vào chiều 17/10/2016, Lan gọi điện thoại cho anh Kiên nói đang bị xã hội đen đe dọa. Lan nói vay họ 800 triệu đồng nhưng không có tiền trả. Bị cáo liên tục thúc giục nên anh Kiên đã đưa cho Lan 280 triệu đồng.
Đến tháng 11/2016, các bị hại chưa nhận được tiền lãi từ vốn góp nên đã hỏi Lan. Bị cáo nại ra việc khi tháo dỡ dây chuyền nhà máy thì xảy ra tai nạn lao động làm chết 2 kỹ sư khiến công việc phải dừng lại, nhà máy bị thanh tra nên chậm thanh toán.
Đến đầu tháng 1/2017, bị cáo nói cần mua xe ô tô Lexus để biếu quan chức nên nhờ anh Kiên làm thủ tục đăng ký tên công ty của gia đình anh Kiên. Anh Kiên đồng ý làm thủ tục và tiền mua xe hết 3,6 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 9/2016 - 3/2017, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền 13,6 tỷ đồng của 3 bị hại. Riêng anh Kiên bị chiếm đoạt hơn 8,1 tỷ đồng.
Giả mạo nick zalo, gọi điện
Cùng với thủ đoạn trên, bị cáo tung các thông tin gian dối để lừa tiền nhiều người khác. Ban đầu bị cáo trả một khoản gọi là tiền lợi nhuận để các bị hại có niềm tin đưa thêm hàng tỷ đồng.
Nhiều trường hợp nghi hoặc, bị cáo nhờ người giả mạo là ông Minh – Tổng giám đốc Vicem gọi điện thoại.
Bị cáo mở loa ngoài nói chuyện để bị hại nghe được cuộc hội thoại như “Anh đang họp ở xi măng Tam Điệp. Anh thấy còn nhiều sắt vụn ở đây, em và các bên tranh thủ mua rồi bán lấy tiền, còn món 56 tỷ kia anh sẽ bảo Chung trả tiền sớm”.
Trường hợp thiệt hại nặng nhất là chị Mai Thị Ngà, mất hơn 101 tỷ đồng do tin tưởng việc kinh doanh của Lan là có thật. Từ tháng 2 - 7/2016, chị Ngà đã chuyển cho Lan 79 tỷ đồng. Sau đó, Lan còn lập nick zalo Buiminh giả mạo Tổng giám đốc Vicem, kết bạn với chị Ngà và hỏi vay 10 tỷ đồng. Cùng những lần khác, bà Ngà đã chuyển tổng cộng cho Lan hơn 101 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, trong hơn 3 năm (2014 - 2017), Lan đã chiếm đoạt gần 292 tỷ đồng của 31 bị hại tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội.