Việc công bố thông tin tại nhiều DN chưa được ban lãnh đạo chú trọng và vẫn mang tính đối phó.

Việc công bố thông tin tại nhiều DN chưa được ban lãnh đạo chú trọng và vẫn mang tính đối phó.

Làm gì để nâng cấp chất lượng công bố thông tin?

Bổ sung Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, cổ đông nắm từ 5% vốn trở lên vào đối tượng phải công bố thông tin; nên quy định CTCK hàng quý phải báo cáo lên Sở giao dịch bảng giá giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết để Sở công bố cho các DN tham khảo… là một số kiến nghị của các thành viên thị trường tại Hội thảo "Hoàn thiện chế độ công bố thông tin" do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức sáng 31/3 tại Hà Nội. ĐTCK xin lược trích một số ý kiến tiêu biểu.

 

 

Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc luật và quản lý rủi ro,Công ty Quản lý quỹ SSI

Việc công bố thông tin (CBTT) một cách kịp thời, đầy đủ là yêu cầu hết sức quan trọng để đảm bảo minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư tham gia TTCK. Một yêu cầu đặt ra là cần phải làm rõ các trường hợp CBTT, các đối tượng và các nội dung phải CBTT để tránh lúng túng, không có cơ sở rõ ràng, không đầy đủ, không thống nhất trong việc CBTT. Về đối tượng CBTT, ngoài các đối tượng đã quy định trong Thông tư 38, cần bổ sung Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vì bản thân SCIC cũng là một tổ chức tài chính. Ngoài ra, cần phải làm rõ các đối tượng CBTT chỉ cần phải thực hiện thông qua một trong các phương tiện CBTT để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Riêng với công ty quản lý quỹ, chúng tôi cho rằng, việc yêu cầu CBTT báo cáo tài chính chỉ nên áp dụng đối với công ty quản lý quỹ có quản lý quỹ công chúng. Ngoài ra, việc yêu cầu các CTCK và công ty quản lỹ quỹ cần CBTT bất thường trong vòng 24 giờ  khi có thông tin liên quan đến công ty có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thì cần phải quy định rõ trường hợp nào được coi là vi phạm nghiêm trọng.

Ông Nhữ Đình Hòa, Phó tổng giám đốc CTCK Bảo Việt

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhiều công ty đại chúng, kể cả công ty niêm yết đã không coi trọng việc triển khai lập báo cáo thường niên. Về báo cáo thường niên, tôi cho rằng, cần thiết phải công bố đầy đủ chi tiết thông tin của DN như đánh giá của HĐQT, ban giám đốc về triển vọng của DN… để nhà đầu tư có thể nắm bắt rõ tình hình của DN. Tuy nhiên, một số thông tin không nhất thiết phải đưa ra trong báo cáo thường niên như: thư quản lý của kiểm toán viên hay ý kiến của kiểm soát nội bộ…

Về việc CBTT giao dịch cổ phiếu quỹ, tôi cho rằng, cần phải cân nhắc thêm việc có nên quy định trường hợp ngoại lệ của công ty đại chúng mua cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ để ổn định thị trường theo kế hoạch đã được UBCK chấp thuận hay không. Nếu có thì cũng phải CBTT để tạo sự bình đẳng đối với các DN khác và để hạn chế các giao dịch nội gián.

Ông Phan Minh Tuấn, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital

Hiện nay, việc CBTT tại nhiều DN chưa được ban lãnh đạo chú trọng và vẫn mang tính đối phó, làm theo yêu cầu, thậm chí một số quy định bắt buộc phải CBTT nhưng DN vẫn chưa làm. Đó là những vấn đề nổi cộm thể hiện sự yếu kém trong việc CBTT của các công ty đại chúng trong thời gian qua. Để nâng cao yêu cầu trong việc CBTT, Nhóm công tác thị trường vốn của Dragon Capital cho rằng, cần đưa ra các yêu cầu chi tiết, cụ thể hơn về nội dung của các tài liệu như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, tài liệu họp đại hội đồng cổ đông cũng như website của công ty. Cụ thể, kèm theo việc CBTT về báo cáo tài chính, cần phải có thuyết minh báo cáo tài chính (kể cả thuyết minh BCTC quý), hiện nay nhiều DN niêm yết trên sàn HASTC không công bố thuyết minh báo cáo tài chính quý, nếu có thì cũng rất sơ sài. Về dự phòng đối với các cổ phiếu OTC, nên buộc các công ty phải trích lập dự phòng đối với loại cổ phiếu này, đồng thời giúp đỡ các công ty trong việc xác định giá giao dịch của cổ phiếu OTC bằng cách quy định các CTCK hàng quý phải báo cáo lên Sở giao dịch bảng giá giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết để Sở công bố chính thức trên website của mình cho các DN tham khảo…

Bà Bùi Thanh Thuỷ, Phó giám đốc dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam

Chúng tôi cho rằng, UBCK có thể xem xét tăng thời hạn nộp báo cáo với các tổ chức nước ngoài từ 7 ngày lên 15 ngày vì trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua các tổ chức lưu ký toàn cầu, nên nếu báo cáo trong vòng 7 ngày thì rất gấp gáp. Nếu có thể, nên có quy định cho phép nộp trước báo cáo qua fax và sau đó nộp bổ sung sau 5 đến 10 ngày tiếp theo. Ngoài ra, cần bổ sung nghĩa vụ báo cáo đối với CTCK và công ty quản lý quỹ nước ngoài cũng như đối với công ty quản lý quỹ trong nước khi thực hiện quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng.

Thực tế, hiện nay còn một số đối tượng có thể tiếp cận được những thông tin nội bộ của công ty như các cổ đông nắm giữ từ 5% trở lên. Chúng tôi kiến nghị nên xem xét và bổ sung đối tượng này vào nhóm cổ đông nội bộ và cần tuân thủ quy định về CBTT như cổ đông nội bộ bên cạnh tuân thủ quy định về báo cáo cổ đông lớn…