Ngay sau khi ông Donald Trump giành đủ số phiếu đại cử tri để chính thức trở thành tổng thống Mỹ, không khí lạc quan về triển vọng kinh tế hai nước vẫn được duy trì tại hội thảo "Tương tác thương mại Việt - Mỹ sau năm 2016" diễn ra sáng 20/12 tại TP HCM.
“Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu vào thế giới, do vậy, dù Tổng thống Mỹ là ai thì Việt Nam vẫn phát triển và hội nhập”, Luật sư Sasto Vecchi - nhà tư vấn Mỹ có trên 30 năm làm việc tại Việt Nam nhấn mạnh.
Một loạt chuyên gia khác cũng có cái nhìn tích cực về triển vọng thương mại Việt - Mỹ từ năm sau, dưới thời của ông Trump. “Chúng tôi có một dự báo đầy tham vọng, nhưng có cơ sở, đó là 20 năm tới Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam”, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty tư vấn Hội nhập toàn cầu GIBC cho biết. Vị này tin rằng, thị trường Mỹ sẽ đón nhận nhiều sản phẩm đa dạng của Việt Nam chứ không riêng gì hàng dệt may và da giày trong tương lai gần.
“Chúng tôi tin rằng buôn bán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tăng lên 57 tỷ đôla trong 5 năm tới. Trong đó, xuất khẩu từ Mỹ đến Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hiện nay, dù có TPP hay không”, ông Trần Ngọc Châu - Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ TP HCM nói thêm.
Năm 2006 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ chỉ mới đạt 8,81 tỷ USD thì sau 10 năm, năm 2015, con số này đã là 41,26 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 19% mỗi năm.
Tuy nhiên, dù triển vọng vẫn đang bao trùm nhưng các chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, Chính phủ và doanh nghiệp trong nước cần có cái nhìn thực tế hơn khi làm ăn với Mỹ từ 2017. Nhiều kịch bản phải được vạch ra và không thể nói nếu mất TPP thì chỉ có Mỹ chứ không phải Việt Nam thiệt thòi. Bà Mary Tarnowka - Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM cho biết kim ngạch thương mại song phương đã tăng 3 lần trong 8 năm qua, tức dưới thời ông Obama. Tuy nhiên, thời điểm này, đúng một tháng nữa khi ông Trump bước vào Nhà trắng, bản thân bà vẫn thừa nhận là chưa thể biết được chính sách cụ thể của Tân tổng thống.
Trước những quan điểm điều hành còn khó đoán định của ông Donald Trump, ông Lê Quốc Ân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may - vốn là đối tượng sẽ được hưởng lợi hàng đầu nhờ TPP phải thực tế nhìn vào viễn cảnh tương lai và rà soát lại chiến lược phát triển với 3 kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất là TPP vẫn còn nhưng nội dung sẽ thay đổi theo chính sách mới của ông Trump.
Trường hợp này xảy ra thì tốc độ tăng trưởng hàng xuất khẩu dệt may vào Mỹ sẽ giảm ít nhất 50% so với những tính toán trước đây khi có TPP. Khả năng thứ 2 là TPP bị khai tử. Khi ấy, tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Và cuối cùng là khả năng không có TPP và hàng dệt may Việt Nam bị chính quyền ông Trump đặt các chế độ giám sát, thuế chống bán phá giá. Nếu điều này xảy ra thì chắc chắn viễn cảnh sẽ không có tăng trưởng, thậm chí có thể bị suy giảm.
Biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng kim ngạch Xuất nhập khẩu trong quan hệ giao thương Việt-Mỹ từ 2006 đến nay
“Cả 3 khả năng trên còn bất định và khả năng lớn nhất thì lại phụ thuộc vào phía Mỹ và cả phía các đối tác của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với sự thận trọng, có lẽ chúng ta nên chọn chiến lược 'bi quan trên các bất định' để xây dựng phương hướng hoạt động trong thời gian tới”, ông Ân bày tỏ quan điểm.
Có cái nhìn tổng quan hơn, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright dự báo khả năng TPP bị trì hoãn hay chuyển sang các dạng khác là khá cao. Điều này có thể làm chậm lại tiến trình hội nhập cũng như cải cách dự kiến nếu có TPP của Việt Nam.
Do vậy, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần đánh giá một cách cụ thể những tác động đến môi trường kinh doanh trong nước khi không có TPP chứ không thể nói đơn giản là không có TPP thì Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Ngoài ra, việc một số doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Việt Nam như một trung gian để bán hàng qua Mỹ trong thời gian gần đây cũng là điều đáng quan tâm. “Nếu có thể tận dụng thì đây là một trong những cơ hội tốt cho Việt Nam, khi mà những chính sách cứng rắn trong quan hệ thương mại Mỹ đối với Trung Quốc như kiện cáo hoặc trả đũa có khả năng được thực hiện.
Trái lại, nếu không khéo thì Việt Nam cũng bị xem là nghi phạm hay tòng phạm. Khi ấy, hình ảnh cũng như vị thế thực chất của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ nói riêng, với các nước khác nói chung sẽ rất khó khăn”, TS Du cảnh báo.
Nếu như năm 2006 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ chỉ mới đạt 8,81 tỷ USD thì sau 10 năm, năm 2015, con số này đã là 41,26 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 19% mỗi năm. Hiện nay, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.