Các ngân hàng đang “rộng cửa” cho cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà

Các ngân hàng đang “rộng cửa” cho cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà

Lãi suất vay tiêu dùng hạ vẫn chưa hấp dẫn khách hàng

(ĐTCK) Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mua ô tô, xe máy, sửa chữa nhà… với lãi suất được chào khá hấp dẫn. Song khi tiếp cận thực tế vốn tiêu dùng hoặc mua nhà của ngân hàng, lãi suất vẫn cao.

Lãi suất giảm dần

HongLeong Bank đang triển khai cho vay mua nhà lãi suất 9%/năm cố định trong năm đầu tiên; 9,5%/năm áp dụng cho năm đầu tiên đối với sản phẩm vay thế chấp bằng bất động sản; 9,99%/năm áp dụng cho năm đầu tiên đối với sản phẩm vay mua ô tô.

OCB cho vay mua ô tô, vay tiêu dùng lãi suất 5,5 - 6%/năm trong 3 tháng đầu kể từ khi giải ngân. Ngân hàng này có thể hỗ trợ 100% vốn cho khách hàng có nhu cầu, nếu tài sản thế chấp của khách hàng là bất động sản. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn cho vay tiêu dùng tín chấp, lãi suất được chào mời ở mức khá thấp.

ACB áp dụng lãi suất từ 9,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân đã hoặc đang vay tại ACB và là hội viên Blue Diamond. Chương trình áp dụng đối với các khoản vay có thế chấp như: cho vay tiêu dùng; vay mua nhà đất; xây dựng, sửa chữa nhà; mua xe ô tô và các khoản vay tín chấp.

Thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện đã giảm dần so với năm trước. Các ngân hàng còn đưa ra gói lãi suất ưu đãi 0% trong tháng đầu giải ngân, với kỳ vọng thu hút được cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà. Lãi suất tiêu dùng được đánh giá đã về mức phù hợp để khách hàng xem xét tiếp cận vốn, đặc biệt là với tín dụng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, căn hộ để ở.

Theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank, vốn cho cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà hiện nay đã được các ngân hàng “rộng cửa”.

Dư nợ vẫn khó tăng

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số rào cản nhất định đối với tín dụng cho vay mua nhà. Cụ thể, lãi suất đã được các NHTM điều chỉnh giảm, nhưng phía khách hàng cá nhân vẫn chưa mặn mà vì cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay chưa thực sự ổn định, được ngân hàng ưu đãi trong giai đoạn đầu, sau đó tăng cao.

Mặt khác, cung về nhà ở có mức giá phù hợp chưa đáp ứng được cầu. Mặt khác, trong quá trình vay vốn, người thu nhập thấp rất khó chứng minh được khả năng trả nợ, trong khi đây lại là điều kiện cần thiết để NHTM quyết định rót vốn. 

Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP. HCM cho biết, đối với việc giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng, đến cuối tháng 4/2014, Vietcombank Chi nhánh TP. HCM có 121 hợp đồng tín dụng và chủ yếu là cá nhân. Tổng số vốn cam kết giải ngân là 75 tỷ đồng cho 117 khách hàng, nhưng đến thời điểm này mới giải ngân được 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng, các ngân hàng chọn lọc khá kỹ dự án để liên kết tài trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn. Chẳng hạn, tại ACB, HDBank hay Eximbank, dù lượng vốn đưa ra cho cá nhân vay mua nhà lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng nếu khách hàng mua nhà ở các dự án không nằm trong danh sách liên kết với các NHTM này thì cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn.

Thực tế, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân mua nhà để ở rất lớn, đặc biệt là ở những thành phố tập trung đông dân cư như TP. HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, những năm qua, giá bất động sản tăng quá cao nên dù gần đây giá đã giảm đáng kể, khách hàng vẫn kỳ vọng giá nhà đất và lãi suất giảm nữa mới tính đến chuyện vay vốn ngân hàng mua nhà để ở. Thị trường bất động sản cần có thêm các chương trình kích cầu tín dụng, giảm lãi suất. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng cần xem xét để điều chỉnh giá bán phù hợp. 

Trong khi đó, phía ngân hàng vẫn luôn thận trọng trong quá trình xét duyệt cho vay, vì lo ngại rủi ro nợ xấu. Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM cho thấy, nợ xấu đến cuối tháng 5/2014 của các ngân hàng trên địa bàn vào khoảng 44.700 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng dư nợ. Các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho 6.500 khách hàng, với số tiền trên 156.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu bất động sản hiện còn 5.877 tỷ đồng; nợ xấu trong các khoản vay tiêu dùng là 2.100 tỷ đồng.  

Tin bài liên quan