Vấn đề chất lượng sản phẩm là điểm yếu cơ bản của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Vấn đề chất lượng sản phẩm là điểm yếu cơ bản của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế

(ĐTCK-online) “Nhờ các giải pháp chính sách kịp thời và mạnh mẽ, Việt Nam đã vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu và dự kiến tăng trưởng cao hơn vào năm 2010 - 2011”, đó là đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2009 vừa được công bố.

Trước đó, trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010 của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Thành, cũng nhận xét: “Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010 có nhiều cơ sở để thoát khỏi chu kỳ thu hẹp, hướng tới một thời kỳ tăng trưởng cao hơn”.

 

Mâu thuẫn giữa tăng trưởng và lạm phát

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, với chính sách tài khóa thắt chặt nhằm đạt mục tiêu hạn chế thâm hụt tài khóa 8,3% GDP và chính sách tiền tệ thắt chặt với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt tương ứng 6,5% năm 2010 và 6,8% năm 2011. Theo đó, lạm phát trong năm 2010 được dự báo sẽ tăng tốc ở mức trung bình khoảng 10%.

Cũng có cái nhìn tương tự, TS. Thành đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế. Thứ nhất là kịch bản lạm phát thấp ở mức 8,5% thì nền kinh tế có thể đạt tăng trưởng ở mức 6,3%. Kịch bản thứ hai là mức lạm phát cao khoảng 10,5% thì tốc độ tăng trưởng dự báo có thể đạt mức 6,8% đến 6,9%. “Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có thể khiến dẫn tới những bất ổn vĩ mô như lạm phát vượt một con số, thâm hụt thương mại tiếp tục tăng và thâm hụt ngân sách có thể không thay đổi đáng kể so với năm 2009”, ông Thành khuyến cáo.

 

Không thắt chặt tiền tệ

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các biện pháp kích thích kinh tế trong năm 2009 cũng tạo nên sức ép lạm phát và phá giá tiền tệ. Sự kết thúc của trợ cấp cho các khoản vay ngắn hạn và dự kiến việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ siết chặt một số khách hàng vay, có thể dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ xấu, gây thêm căng thẳng trong hệ thống ngân hàng.

Điều quan trọng là cần quản lý sự giảm sút tăng trưởng tín dụng và cung tiền thông qua việc tăng lãi suất một cách có trật tự, hơn là một tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, việc loại bỏ trần lãi suất trên các khoản vay trung và dài hạn là một bước đi đúng hướng.

Vì vậy, theo ông Ayumi Konishi, Việt Nam cần có các biện pháp tập trung ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tăng trưởng nhanh, đồng thời cải thiện hiệu quả nền kinh tế nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững với tư cách là một nước có thu nhập trung bình.

Có cái nhìn sát thực tế hơn, ông Thành nhận định, năm 2010 là năm vấn đề lạm phát cần phải coi trọng hơn so với năm 2009 do kinh tế đã từng bước phục hồi và các yếu tố hậu thuẫn cho mức giá thấp không còn nữa. Tuy nhiên, cũng không nên thắt chặt tiền tệ một cách hoàn toàn cứng rắn, mà cần sự linh hoạt để duy trì thanh khoản cho nền kinh tế.

“Nếu thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ có thể đẩy lãi suất lên cao hơn nữa và DN sẽ phải chịu chi phí vốn rất cao, không bù đắp được những gì đã được nhận từ mức lãi suất hỗ trợ trong năm trước. Bên cạnh đó, việc thiếu đồng bộ trong điều hành lãi suất có thể khiến thị trường vốn bị bóp méo, càng làm lãi suất cho vay ra cao hơn”, ông Thành nói và cho rằng, trong năm 2010 cần tiến đến mục tiêu điều chỉnh tỷ giá theo hướng linh hoạt với thị trường hơn thay vì giữ tỷ giá chính thức cố định.

 

Khuyến khích người Việt dùng hàng Việt

ADB nhận định, xuất khẩu sẽ tăng vào năm 2010 do sự tăng nhu cầu từ bên ngoài. Tuy nhiên, nhập khẩu sẽ tăng hơn xuất khẩu do sự gia tăng dự kiến của tăng trưởng trong nước và giá nhập khẩu cao hơn. Đồng tình với nhận định này, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, qua khảo sát cho thấy, nhu cầu trong nước đối với hàng hóa sản xuất trong nước tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Điều này chứng tỏ, việc khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam hiện nay đang rất cấp thiết.

Tuy nhiên, ông Thành cũng phải thẳng thắn thừa nhận, việc khuyến khích người Việt tiêu dùng hàng Việt không phải là một việc dễ dàng và không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở những hoạt động tuyên truyền.

Theo ông Thành, cần phải có các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm với sự tham gia từ nhiều phía. “Có thể đưa ra các chương trình gắn nhãn mác sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm tham gia chương trình này phải đảm bảo chất lượng, được kiểm chứng bởi các tổ chức thứ ba độc lập. Có như vậy mới tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng”, ông Thành nói.