Gửi tiết kiệm - một kênh đầu tư luôn cạnh tranh "hút" vốn của chứng khoán từ đầu năm đến nay - cũng đang mất dần sự hấp dẫn do lãi suất huy động đã bắt đầu giảm xuống, khiến vốn từ kênh này cũng đang chảy trở lại TTCK. Nguồn cung tiền ngày một sôi động hơn khiến thị trường có những phiên tăng điểm mạnh mẽ.
Trong hai tháng vừa qua, thị trường giao dịch với khối lượng ngày một tăng và tăng khá đều đặn. Tuy nhiên, nguồn cung cũng mạnh mẽ đến từ những NĐT ngắn hạn chốt lãi và cả những NĐT lớn muốn cơ cấu lại danh mục, hoặc cắt lỗ lấy tiền mặt. Với những phiên tăng điểm liên tục xen kẽ những phiên giảm điểm, thị trường trong thời gian qua thật sự gây bất ngờ cho nhiều NĐT vẫn giữ cái nhìn bi quan, không ít trong số đó đã cảm thấy hối tiếc vì sự thận trọng quá mức của mình.
Những mã chứng khoán thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) và tài chính hầu hết đều có giá trị vốn hóa lớn và có vai trò dẫn dắt trên TTCK. Xu hướng tăng giá của cổ phiếu BĐS cho thấy thị trường BĐS có những nét tương đồng như TTCK: khi giảm xuống mức sâu sẽ bật lên. Xu hướng vượt lên khỏi điểm thấp của thị trường BĐS tác động cộng hưởng với tâm lý lạc quan trên TTCK đã tạo đà tăng giá cho nhóm cổ phiếu BĐS. Những mã cổ phiếu BĐS tiêu biểu như SJS, TDH, NTL…, đã tăng trên 50% cho thấy thị trường đang tập trung và kỳ vọng nhiều các mã cổ phiếu ngành này. Nhưng không phải tất cả các DN thuộc ngành này hoặc có hoạt động kinh doanh trong ngành BĐS đều tốt lên. Khó khăn lớn nhất của các DN thuộc ngành BĐS vẫn là nguồn vốn huy động với mức lãi suất cao và kỳ đáo hạn trả nợ vào những tháng cuối năm. Vì vậy, sau khi tăng mạnh lên mặt bằng giá mới, giá cổ phiếu của một số DN khó có khả năng tăng cao hơn nữa nếu còn nhiều dự án chưa thể hoàn thành trong năm nay, hoặc bán lại dự án thì mức độ kỳ vọng về lợi nhuận sẽ không còn được như trước.
Cổ phiếu các CTCK cũng là những trụ cột khác, góp phần dẫn dắt thị trường khi danh mục của các công ty này được phục hồi và không còn các khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Các mã cổ phiếu như SSI, BVS, KLS và HPC liên tục tăng trần với sức cầu rất mạnh. Tính thanh khoản đã trở lại đồng nghĩa với nguồn thu từ phí giao dịch gia tăng nhanh chóng đối với các CTCK đã chiếm thị phần lớn từ trước như SSI hay BVS. Hơn nữa, thị trường phục hồi thì mảng tự doanh từ chỗ có rủi ro cao trở thành mảng kinh doanh nhiều lợi nhuận. Đây mới là cơ hội lớn cho các CTCK, vì hoạt động đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu từ trước. Nhóm cổ phiếu của CTCK có sức bật đầu tiên khi VN-Index phục hồi.
Nguy cơ mất khả năng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thương mại từng là nỗi ám ảnh trên TTCK, nay gần như được loại bỏ, theo đó, ngành ngân hàng lại đang lấy lại vị trí tiên phong. Ngân hàng vẫn cho thấy là ngành trụ cột của nền kinh tế với nhiều kỳ vọng về khả năng tăng trưởng. Giá cổ phiếu ngân hàng cả trên thị trường OTC lẫn niêm yết đều khởi sắc. Mặc dù các biện pháp kiềm chế lạm phát có thể gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng nhưng về cơ bản, các ngân hàng vẫn có điều kiện phát triển trong thời gian tới.
Theo xu hướng của thị trường, các DN có tỷ trọng đầu tư ra ngoài trong hai ngành tài chính và BĐS cũng nhanh chóng tăng điểm mạnh, đặc biệt là các mã blue-chip đã từng giảm giá quá sâu như REE, SAM, GMD… Đây là các mã cổ phiếu có tỷ trọng đầu tư tài chính trong hoạt động kinh doanh lớn và khi TTCK hồi phục, danh mục đầu tư của các DN này sẽ tăng giá trị lên cùng thị trường. Những khoản lỗ từ thời gian trước do trích quỹ dự phòng đầu tư tài chính có thể được hoàn nhập một phần vào lợi nhuận và với tính thanh khoản cao của thị trường, các DN hoàn toàn có cơ hội giải tỏa bớt danh mục đầu tư của mình. Thương hiệu cùng quy mô vốn hóa lớn cũng là một yếu tố để NĐT có cơ sở yên tâm trong các quyết định đầu tư. Tuy nhiên, điều hấp dẫn từ những cổ phiếu này là sự kỳ vọng về khoản lợi nhuận bất thường trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Đi kèm với đó là mảng kinh doanh BĐS cũng ấm dần lên, khiến các mã cổ phiếu này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Xu hướng tăng điểm của thị trường bắt đầu được dẫn dắt bởi những cổ phiếu blue-chip có kết quả kinh doanh khả quan và triển vọng như HPG, DPM, NTP… Sau khi thị trường dần tạo được niềm tin vững vàng hơn cho NĐT, hầu hết mã cổ phiếu có mức vốn hóa trung bình và nhỏ thể hiện được kết quả kinh doanh tốt liên tục tăng điểm mạnh. Khi thị trường có sự bứt phá, cổ phiếu tốt khó mua, thì sự quan tâm đột biến của NĐT đối với nhóm cổ phiếu đang xuống giá cũng khiến các mã cổ phiếu này tăng điểm theo đà của thị trường và tạo ra cơ hội cơ cấu lại danh mục cho NĐT. Hiện nay, do mức vốn hóa trên thị trường nhỏ dẫn đến khả năng thanh khoản yếu mà nhiều DN có tiềm năng thực sự chưa thu hút được sự chú ý của các NĐT lớn. Vì thế, khi thị trường dần ổn định lại, các mã cổ phiếu này cũng sẽ được chú ý nhiều hơn trong thời gian tới và đây là cơ hội tốt để đầu tư.
Có thể khẳng định, về dài hạn TTCK Việt Nam sẽ tăng trưởng rất tốt. Về triển vọng phát triển của từng ngành và từng DN, cơ hội tăng trưởng là rất lớn dựa trên nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao. Điển hình như khu vực ngân hàng sẽ bùng nổ do kết quả của tăng trưởng kinh tế mạnh, ít chịu ảnh hưởng của nền kinh tế tài chính thế giới và không lệ thuộc lớn vào các khoản tài trợ nước ngoài. Giá trị của các ngân hàng được định giá tương đối thấp so với tiềm năng phát triển của ngành và các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cần thời gian để nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng quản lý và ứng dụng công nghệ để phù hợp với quy mô cũng như nâng cao tính cạnh tranh trong xu thế hội nhập…
Trong vài tháng tới, có thể thấy rằng việc tiếp tục thực hiện những giải pháp kiềm chế lạm phát sẽ phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng. Lợi nhuận công ty sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Nền kinh tế vĩ mô sẽ dần dần cải thiện nhưng chưa loại bỏ ngay được những khó khăn và thách thức. Thông tin hỗ trợ thị trường trong tháng tiếp theo sẽ ít hơn, thông tin được kỳ vọng nhất là lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh xuống mức thấp hơn hiện nay. Nhiều khả năng đến hết tháng 9, kết quả kinh doanh của các DN niêm yết sẽ không tốt như mong đợi khi ngấm những khó khăn từ đầu năm. Trong những tháng cuối năm, thị trường tiếp tục vận hành theo triển vọng của nhóm ngành và tín hiệu tốt hơn của nền kinh tế vĩ mô. TTCK luôn nhạy cảm trước những chỉ số của nền kinh tế và nó đi trước các yếu tố cơ bản của nền kinh tế một khoảng thời gian nhất định, vì thế trong tháng 9 này vẫn tiếp tục vận hành đón đầu những tín hiệu khả quan từ nền kinh tế vĩ mô.
Sự hồi phục của thị trường trong những phiên cuối tháng 8 chững lại ở mức khoảng 550 điểm. Với mức điểm này, danh mục đầu tư của hầu hết các thành phần tham gia đầu tư trên thị trường chưa thể nói có nhiều hứa hẹn khả quan. Khối DN sản xuất có tham gia đầu tư tài chính như REE hay SAM khó có thể đạt kết quả kinh doanh tốt trong ngắn hạn và vẫn phải đối mặt với các khó khăn chung trong lĩnh vực truyền thống của mình, trong khi danh mục đầu tư chứng khoán chưa thể đem lại lợi nhuận. Trước những rủi ro lớn trong việc đầu tư ra ngoài ngành, đặc biệt là đầu tư tài chính, có nhiều khả năng các DN này sẽ hạ thấp tỷ trọng đầu tư tài chính bằng việc hiện thực hóa lợi nhuận hoặc tái cơ cấu lại danh mục đầu tư khi có cơ hội. Cùng với đó sẽ có sự cơ cấu lại danh mục của các NĐT tổ chức lớn khi nắm giữ cổ phiếu của các DN trên. Việc này trước mắt sẽ tạo ra một lượng cung tương đối lớn làm thỏa mãn sức cầu của thị trường khiến tính thanh khoản sẽ tiếp tục duy trì ở mức tích cực trong tháng này. Song song với đó, khi thị trường tăng điểm thì có thể nhiều công ty niêm yết sẽ đẩy mạnh phát hành cổ phiếu, nhiều DN sẽ tiến hành các IPO - đã phải trì hoãn trong giai đoạn khó khăn vừa qua - tạo ra thêm một lượng cung đáng kể cho thị trường.
Thị trường đi lên thời gian qua chủ yếu là do các thông tin hỗ trợ từ những tín hiệu của nền kinh tế vĩ mô, còn về nội lực của các DN niêm yết thực tế chưa thể hiện chính xác. Thông tin về các DN trên thị trường còn ít, chưa kịp thời, thể hiện không tương ứng với diễn biến giá cổ phiếu. Hơn nữa, NĐT bắt đầu có tính toán kỹ hơn và chiến lược đầu tư bài bản hơn sẽ giữ cho thị trường khó có sự hưng phấn quá mức.
Nhìn chung, thị trường khó có thể tăng mạnh như đã từng xảy ra vào cuối năm 2006. Nhưng với đà tăng điểm mạnh trong hai tháng qua, NĐT đã vượt qua được rào cản tâm lý lo sợ, với những kỳ vọng trước mắt, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong tháng 9. Sau đó, diễn biến thị trường sẽ điều chỉnh theo mức độ thể hiện kết quả kinh doanh của các DN niêm yết trong 2 quý cuối năm.