Kỳ vọng năm 2021 phục hồi mạnh mẽ, giới đầu tư tích cực gom hàng

Kỳ vọng năm 2021 phục hồi mạnh mẽ, giới đầu tư tích cực gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lấy lại được đà tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (30/12) khi giới đầu tư tiếp tục “đặt cược” và sự phục hồi kinh tế vào năm 2021.

Thứ Tư, chứng khoán Mỹ dường như đã vượt qua được nỗi hoang mang và lấy lại được kỳ vọng từ gói viện trợ kinh tế mở rộng hơn nữa từ chính phủ Mỹ. Thị trường phiên trước đó “trôi dạt” một phần là do việc Thượng viện Mỹ chưa đưa ra quyết định về dự luật nâng mức hỗ trợ tiền mặt cho người dân từ 600 USD lên 2.000 USD do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, dù đã được Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua trước đó.

Dù các nhà lập pháp Dân chủ đã lên tiếng kêu gọi ủng hộ đề xuất của ông Trump, song Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell hôm thứ Tư một lần nữa cho biết, ông sẽ không cho phép bỏ phiếu độc lập cho dự luật này.

Trước đó, cuối ngày 29/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho khoản hỗ trợ 600 USD mỗi người dân trong kế hoạch này sẽ bắt đầu giải ngân vào buổi tối cùng ngày.

Mặt khác, Mỹ ghi nhận ít nhất 200.902 trường hợp nhiễm Covid-19 mới và khoảng 3.626 trường hợp tử vong vào ngày thứ Ba, New York Times cho biết. Biến thể Covid-19 mới, dễ lây lan hơn được phát hiện gần đây ở Vương quốc Anh đã được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ ở Colorado, vào hôm 20/12.

Trong khi đó, AstraZeneca hôm thứ Tư cho biết, vắc-xin Covid-19 mà họ phát triển với Đại học Oxford đã được chính phủ Vương quốc Anh phê duyệt. Với ngày càng nhiều vắc-xin được phân phối vào năm tới, các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế vào năm sau.

Về dữ liệu kinh tế, chính phủ Mỹ hôm thứ Tư cho biết, thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này đã tăng lên 84,8 tỷ USD trong tháng 11 từ mức 80,4 tỷ USD của tháng trước. Tồn kho bán buôn giảm 0,1% trong tháng 11, thay vì tăng như dự báo, một dấu hiệu tốt cho nhu cầu kinh tế.

Ngoài ra, chỉ số PMI khu vực Chicago đã tăng lên 59,5, cao hơn dự kiến ​​vào tháng 12, nhưng doanh số bán nhà đang chờ xử lý đã giảm 2,6% trong tháng 11.

Vài tuần cuối năm, thị trường chứng kiến ​​sự chuyển hướng của dòng tiền sang các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, trong đó các lĩnh vực như ngân hàng, năng lượng và vật liệu là những cổ phiếu được giới đầu tư quan tâm nhất.

Kết thúc phiên 30/12, chỉ số Dow Jones tăng 73,89 điểm (+0,24%), lên 30.409,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5 điểm (+0,13%), lên 3.732,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 19,78 điểm (+0,15%), lên 12.879,00 điểm.

Chứng khoán châu Âu kết thúc chuỗi 5 phiên khởi sắc liên tiếp vào ngày thứ Tư khi các nhà đầu tư có động thái chốt lời, bất chấp tình hình triển khai vắc-xin tích cực và việc ký kết thoả thuận thương mại Brexit chỉ ra một năm 2021 phục hồi mạnh mẽ hơn cho các thị trường khu vực.

Kết thúc phiên 30/12, chỉ số FTSE 100 tại giảm 46,83 điểm (-0,71%), xuống 6.555,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 42,60 điểm (-0,31%), xuống 13.718,78 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 12,38 điểm (-0,22%), xuống 5.599,41 điểm.

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.

Chứng khoán Nhật Bản giảm trong ngày giao dịch cuối cùng của năm. Trong năm 2020 này, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 16%, và tăng gần 18,4% trong quý IV. Còn chỉ số Topix tăng gần 4,8% vào năm 2020 sau khi tăng hơn 15,2% trong năm trước.

Thị trường tài chính Nhật Bản sẽ đóng cửa từ thứ Năm dịp năm mới và mở cửa trở lại vào thứ Hai tuần sau.

Chứng khoán Trung Quốc tăng trở lại, khi giới đầu tư ngày một kỳ vọng kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm tới. Hầu hết các ngành đều tăng, trong đó năng lượng và tài nguyên dẫn đầu với nhóm cổ phiếu năng lượng xanh tăng vọt, sau khi Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ giảm lượng khí thải carbon để đáp ứng cam kết của chính phủ.

Kết thúc phiên 30/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 123,98 điểm (-0,45%), xuống 27.444,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 35,42 điểm (+1,05%), lên 3.414,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 578,62 điểm (+2,18%), lên 27.147,11 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 52,96 điểm (+1,88%), lên 2.873,47 điểm.

Giá vàng tăng trong phiên ngày thứ Tư nhờ đồng USD tiếp đà suy yếu do nhà đầu tư đang xem xét quyết định của Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell chặn cuộc bỏ phiếu độc lập về đề xuất tăng khoản hỗ trợ tiền mặt trong gói cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD của Mỹ.

Kết thúc phiên 30/12, giá vàng giao ngay tăng 15,90 USD (+0,85%), lên 1.894,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 10,50 USD (+0,56%), lên 1.893,40 USD/ounce.

Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Tư, được hỗ trợ bởi trữ lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm và việc Anh phê duyệt vắc-xin coronavirus thứ hai.

Báo cáo mới nhất của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) được công bố ngày 30/12 cho thấy, trữ lượng tồn kho dầu thô nước này giảm 6,1 triệu thùng trong tuần gần nhất xuống 493,5 triệu thùng. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý, tồn kho dầu thô của Mỹ vẫn đang ở mức cao hơn 10% so với tuần cuối cùng của năm 2019.

Kết thúc phiên 30/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,40 USD (+0,83%), lên 48,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,49%), lên 51,34 USD/thùng.

Tin bài liên quan