Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra chiều 2/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp cả nước có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục.
Trong sự phát triển đó có vai trò quan trọng của các tập đoàn kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các loại hình hợp tác xã và kinh tế hộ. Đặc biệt, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định giá trị thương hiệu của mình trên thị trường và được người dân trong nước tin tưởng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn
Tuy nhiên, Thủ tướng đặt vấn đề, làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội?
Thủ tướng cho rằng, đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao, chúng ta sẽ thành công.
Khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khoá huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội. 20 - 30 năm trước đây thì vốn và máy móc có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện nay và những thập kỷ tới đây, con người và đổi mới sáng tạo mới là yếu tố trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Tôi muốn nhấn mạnh là đổi mới sáng tạo không phải chỉ liên quan đến công nghệ, mà liên quan đến tất các lĩnh vực khác như tư duy, suy nghĩ, cách thức chúng ta vận động và sản xuất”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam.
"Khu vực kinh tế trong nước giàu tiềm lực, có tầm ảnh hưởng vượt biên giới quốc gia, sẽ góp phần lan tỏa sức mạnh mềm và ảnh hưởng của chúng ta trong khu vực và toàn cầu, không chỉ về phương diện kinh tế, mà trên tổng thể nhiều phương diện chiến lược khác”, Thủ tướng nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế. Đây được xem là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động nguồn lực xã hội. Nghị quyết số 10-NQ/TW là kết tinh tinh hoa, đúc kết kinh nghiệm từ trước và có tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của thế giới.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
“Có nhận thức đầy đủ thấu đáo các quan điểm của Đảng thì mới đủ bản lĩnh quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, mọi mặc cảm để phát triển kinh tế tư nhân, mới xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực tự cường, yêu nước, phát triển bản thân nhưng gắn chặt với lợi ích đất nước”, ông Bình nói.
Vấn đề tiếp theo, ông Bình cho rằng, đó là việc giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường.
Ông Bình dẫn chứng, trong lịch sử phát triển chủ nghĩa xã hội tại nhiều nước, có khi tuyệt đối vai trò kinh tế nhà nước, nên có nhiều tiêu cực và dẫn đến thất bại. Đôi khi cũng có tại nhiều nước tư bản cũng tuyệt đối vai trò của kinh tế tư nhân dẫn đến khủng hoảng nhiều năm và họ phải thừa nhận vai trò nhà nước trên quan điểm vỗ tay bằng 2 bàn tay: nhà nước và thị trường. Trong đó, nhà nước đóng vai trò điều tiết và thị trường đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức xã hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
“Cuối cùng là xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, có sức cạnh tranh. Để làm điều đó, Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế vĩ mô, cải thiện chính sách, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững”, ông Bình nói.