Kinh tế thế giới khó chồng lên khó từ khủng hoảng Ukraine

Kinh tế thế giới khó chồng lên khó từ khủng hoảng Ukraine

Trong khi thế giới đang dõi theo tình hình khủng hoảng chính trị ở Ukraine, thì giới đầu tư và lãnh đạo thế giới đều lo lắng nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. 

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine, gồm cả việc Crimea sáp nhập vào Nga có thể khiến giá nhiên liệu và ngũ cốc trên thế giới tăng mạnh, quan hệ thương mại Nga - châu Âu, Mỹ chao đảo và kinh tế các nước mới nổi khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Hãng CNN (Mỹ), có một số lý do chính tác động đến nền kinh tế thế giới từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine:

Thứ nhất, Ukraine có vị trí địa chiến lược quan trọng; là cầu nối quan trọng giữa với các thị trường chính của châu Âu và Nga. Trước mắt, diễn biến ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả lương thực, bởi Ukraine là một trong các quốc gia xuất khẩu ngô, lúa mì hàng đầu thế giới.

Thứ hai, về năng lượng, Nga hiện cung cấp 25% nhu cầu khí đốt cho châu Âu, một nửa trong số này  được bơm qua đường ống tại Ukraine. Nếu khủng hoảng ở Ukraine kéo dài, có nguy cơ cả khu vực sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Thứ ba, nguy cơ Ukraine bị vỡ nợ. Ukraine đang nợ 13 tỷ USD trong năm 2014 và 16 tỷ USD sẽ đáo hạn vào năm 2015. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, họ sẽ bị vỡ nợ. Chính phủ Nhật Bản vừa cam kết viện trợ 1,5 tỷ USD cho Ukraine, nhưng con số này là quá ít để cải thiện tình hình.

Hiện giới quan sát vẫn chưa rõ ai sẽ là người giải cứu Ukraine. Đặc biệt, sau khi có sự thay đổi chính phủ tại Ukraine, Nga đã “đóng băng” khoản viện trợ 15 tỷ USD. Khả năng lớn nhất là viện trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF cho biết, IMF đang bàn bạc với các quốc gia, tổ chức tài chính khác để có thể huy động 35 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, để các cuộc đàm phán được tiến hành, điều kiện quan trọng đầu tiên là Ukraine cần phải có Chính phủ ổn định.

Thứ tư, tình hình bất ổn tại Ukraine diễn ra đúng lúc các nước mới nổi trên thế giới cũng gặp khó khăn. Tăng trưởng kinh tế của các nước này đã chậm lại, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm gói kích thích tiền tệ. Vì thế, tình hình tại Ukraine có thể khiến các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro tại các thị trường mới nổi khác.

Ba Lan, một trong những nước chịu tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng năng lượng Nga-Ukraine từng xảy ra vào các năm 2006, 2008. Ông Donald Tusk, Thủ tướng Ba Lan cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này có thể thay đổi lịch sử của Ukraine, Ba Lan và phần còn lại của châu Âu”.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tác động mạnh đến nền kinh tế Nga. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi suất và tung ra 12 tỷ USD trong kho dự trữ để ngăn đồng ruble mất giá. Ngày 25/3, Andrei Klepach, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga cho biết, dòng vốn rút khỏi nước này trong quý I/2014 có thể lên tới 65-70 tỷ USD, do nhà đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cũng trong ngày 25/3, tại Hà Lan, lãnh đạo các cường quốc thế giới đã tuyên bố loại Nga ra khỏi nhóm G8. Điều đáng chú ý là, thị trường thế giới hầu như không phản ứng gì đáng kể trước động thái trên. Bằng chứng là, tại phiên giao dịch  sau đó (ngày 27/3), giá vàng thế giới chỉ dao động ở mức 1.305 USD/ounce, giảm so với phiên giao dịch trước, giảm nhiều so với con số 1.350 USD vào đầu tháng 3/2014. Giá dầu thô Brent biển Bắc (giao tháng 4/2014) là 106,96 USD/thùng, giảm 0,07% so với phiên giao dịch trước đó. Các chỉ số chứng khoán chính ở châu Âu, như DAX (Đức), FTSE (Anh), CAC 40  (Pháp)...chỉ tăng hơn 1%, tức là các mức tăng đều rất thấp.

Tình hình chính trị của Ukraine còn diễn biến phức tạp và kèm theo đó, phản ứng của châu Âu và Nga cũng có nhiều tình tiết khó đoán. Dẫu sao, trong bối cảnh này, nền kinh tế thế giới ít nhiều cũng sẽ bị tác động.

Tin bài liên quan