Đã có thêm nhiều bằng chứng cho thấy, nền kinh tế tiếp tục có những dấu hiệu tích cực hơn.
Chẳng hạn, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, diễn ra ngày hôm qua (29/4) tại Hà Nội, lạm phát đang ở mức rất thấp, chỉ 0,88%; xuất khẩu vẫn tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 45,74 tỷ USD; giải ngân cả vốn ODA và FDI đều đạt khá, với tương ứng là 510 triệu USD và 4 tỷ USD. Ngoài ra, theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5% của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, phân tích về các chỉ số vĩ mô này, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, sự dịch chuyển là rất chậm chạp. “Nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn, chưa có động lực để ‘kích’ lên được”, ông Ân nói.
Có cùng quan điểm này, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro. “Cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm”, ông Bùi Hà nhận định.
Các chuyên gia kinh tế khi thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân cũng đã nhấn mạnh sự “mong manh” của nền kinh tế.
Sự mong manh này không chỉ được nhìn nhận ở xu hướng tích cực chưa thật sự rõ nét, mà còn là những rủi ro đang tiềm ẩn đối với nền kinh tế, trong cả ngắn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, dễ thấy nhất là việc các chỉ số liên quan đến tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng là khá yếu ớt. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 21/4/2014, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 3,81%, trong khi cùng kỳ tăng 4,8%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tăng 0,53% so với tháng 12/2013, thấp hơn so với con số 1,44% của cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng chưa có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước là dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, nhu cầu tín dụng cho sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp. Nguyên nhân được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra có thể là do hệ thống doanh nghiệp vẫn khó khăn trong giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, trong khi sức cầu của nền kinh tế vẫn ở mức thấp.
“Tín dụng vẫn chưa thoát, dòng tiền vẫn chưa được sử dụng hiệu quả, thì khó có thể kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp hiện chỉ vay để đảo nợ, chứ không phải để phục vụ cho sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, sang quý II/2014, có lẽ cần phải quan tâm nhiều đến vấn đề tăng trưởng”, ông Ân nói.
Trên thực tế, câu chuyện tín dụng vẫn đang “tắc” đâu đó đang là mối lo ngại rất lớn, bởi đó sẽ là một yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế. Tín dụng chính là mạch máu nuôi dưỡng nền kinh tế Việt Nam. Tín dụng không thông, doanh nghiệp khó đã đành, bản thân các ngân hàng cũng lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do tốc độ huy động vốn cao hơn so với cho vay, các ngân hàng dư thừa thanh khoản đang tập trung mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu Chính phủ được bảo lãnh. Tuy nhiên, việc tăng cường nắm giữ trái phiếu chính phủ, mặc dù một mặt giúp các tổ chức tín dụng tăng dự trữ thanh khoản, nhưng đồng thời gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng này trong việc cân đối vốn theo các kỳ hạn hợp lý.
Một báo cáo vừa được công bố của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhận định rằng, hiện nay, hai chính sách quan trọng là tài khóa và tiền tệ không còn nhiều dư địa cho tăng trưởng. Cụ thể, trong khi chính sách tiền tệ rất khó nới lỏng để hỗ trợ cho tổng cầu đang yếu, do lo ngại lạm phát, thì chính sách tài khóa cũng chịu sự ràng buộc do lo ngại nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách.
Và khi cả chính sách tiền tệ và tài khóa đều như vậy, kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2014 khó có thể xảy ra. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thậm chí còn đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ không đạt mục tiêu, mà chỉ dừng ở con số 5,71% trong năm nay và tiến dần lên mức 5,98% trong năm 2015, theo giá so sánh 2010.
Đầu tháng 4/2014, khi công bố báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 chỉ ở mức 5,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra mức 5,6%, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ Việt Nam đề ra cho năm 2014 là 5,8%.