Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế số, nhất là trong pháp luật về kinh doanh sẽ tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của khu vực và thế giới.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế số, nhất là trong pháp luật về kinh doanh sẽ tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của khu vực và thế giới.

Kinh tế số... sốt ruột

0:00 / 0:00
0:00
14 tỷ USD là giá trị của nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2020. Con số này có thể đạt 54 tỷ USD vào năm 2025.

Đây là ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Á năm 2020.

Nhưng các doanh nghiệp mong muốn nhiều hơn khi đang có hàng loạt văn bản liên quan đến kinh tế số có tên trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới để thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cũng như các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng Internet của người dân Việt Nam bùng nổ. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước khi có dịch bệnh, người Việt dành bình quân khoảng 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet. Con số này tăng lên 4,2 giờ/ngày trong giai đoạn giãn cách xã hội và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày.

Số người dùng các dịch vụ Internet tại Việt Nam tăng mới lên đến 44%, cao hơn nhiều so với khu vực, 94% sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ mới. Tất cả các ngành đều tăng trưởng mạnh so với năm trước, trừ du lịch. Thương mại điện tử tăng 46%, vận tải và thực phẩm tăng 50%, truyền thông trực tuyến tăng 18%...

Đầu tư vào lĩnh vực Internet ở Việt Nam năm vừa qua lên đến 151 giao dịch, với tổng giá trị 935 triệu USD.

Thế nhưng, hành lang pháp lý của Việt Nam dường như chậm chân trong việc chạy đuổi theo tốc độ phát triển đó.

Hàng loạt vấn đề đang được giới kinh doanh đặt ra, nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng. Nào là điều kiện kinh doanh và xin cấp phép dịch vụ trên môi trường mạng ra sao khi các sáng kiến, ý tưởng mới xuất hiện liên tục, nhiều quy mô, nhưng đa số sẽ thất bại? Nào là phân loại các dịch vụ ra sao? Ứng dụng gọi xe, dịch vụ nghe nhạc, xem phim, xem video trực tuyến khác thế nào với các dịch vụ tương ứng truyền thống? Quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội thế nào khi đang có sự đan cài chức năng, ứng dụng?...

Cùng với đó, vấn đề bảo vệ tài sản số trong các hợp đồng lao động, dân sự đang là đòi hỏi cấp bách, khi hành vi xâm phạm dữ liệu ngày càng nhiều, nhưng chưa được bảo vệ đúng mức. Trên website công khai bản án của Tòa án nhân dân các cấp, chưa có vụ việc nào xử lý các hành vi xâm phạm dữ liệu, xâm phạm hệ thống thông tin...

Như vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế số, nhất là trong pháp luật về kinh doanh sẽ tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam không chỉ bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN và thế giới, mà còn tạo nên sự chuyển dịch tích cực cho kinh tế và xã hội Việt Nam, giảm các tác động tiêu cực của các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số đến xã hội.

Trong môi trường này, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trẻ và tài năng đang gia tăng sẽ có môi trường để thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo và phát triển sản phẩm tại thị trường trong nước, từ đó dần mở rộng ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Các doanh nghiệp lớn sẽ có cơ sở để trở thành các nhà đầu tư mạo hiểm, tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thực hiện vài trò dẫn dắt.

Tất nhiên, những kết quả trên sẽ chỉ xuất hiện khi các các quy định pháp luật được xây dựng theo đúng nguyên tắc là hợp lý, khả thi và công bằng, nhưng với tốc độ... số. Điều này có nghĩa, cách thức, quy trình, thủ tục và tư duy truyền thống trong xây dựng văn bản pháp luật có thể phải xem xét lại. Đặc biệt, nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được làm những gì pháp luật cho phép có vẻ không còn phù hợp, khi rất nhiều ý tướng, sáng tạo đã vượt qua sự hình dung trước đó của các cơ quan hoạch định chính sách.

Tin bài liên quan