Thích ứng nhanh với đại dịch
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gọi SME là “xương sống” của mọi nền kinh tế, là nền tảng của sự phát triển. “Hội nhập đã vào đến sân nhà mình. Anh bán cà phê ở Tây Nguyên hay chị thợ may ở Hội An cũng có thể kinh doanh quốc tế, cũng phải đương đầu với cạnh tranh”, ông Vũ Tiến Lộc đặt kỳ vọng vào các công cụ số giúp việc kinh doanh trở nên hiệu quả, kể cả với doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ kinh doanh.
Covid-19 đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống, nhưng mặt khác, lại đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng của người Việt.
Theo dữ liệu tổng hợp từ các sàn thương mại điện tử, start-up công bố gần đây, số lượng đơn hàng của GrabMart đã tăng 91% chỉ sau một tuần triển khai, giá trị trung bình của một đơn hàng GrabFood đã tăng 26% so với trước khi có dịch.
Trong khi đó, xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt. Theo dữ liệu của Moca (ví điện tử của Grab), số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3/2020 đã tăng 22,5% so với tháng trước đó. Còn nếu nhìn tổng thể hệ sinh thái Grab, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab hiện chiếm đến 43%.
Dù vậy, cũng có hàng loạt rào cản và cần giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
TS. Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho biết: “Giao dịch trực tuyến tại Việt Nam giai đoạn dịch đã tăng 20 - 30%, nhưng ở Malaysia hay Thái Lan, tốc độ chuyển dịch từ offline sang online nhanh hơn, khoảng gấp đôi tại Việt Nam”, TS. Đinh Bá Tiến nói.
Trong một khảo sát vừa được CTCP Tiki thực hiện cho thấy, các SME thường e dè trong việc mở rộng kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử, xuất phát từ 3 nỗi sợ: sợ không bán được hàng, sợ không thể quản lý và sợ “tiền mất, tật mang”.
Tựu trung, lý do dẫn đến những lo ngại này chính là kiến thức kinh doanh trên thương mại điện tử còn hạn chế.
Cần có chuyên gia tư vấn, đào tạo
Để chuyển giao dịch từ offline sang online, cần có thành phần cơ bản liên quan đến thanh toán điện tử.
TS. Đinh Bá Tiến cho rằng, Napas giảm 50% phí chuyển tiền liên ngân hàng, trong khi phí giao dịch điện tử vẫn giữ nguyên và các doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ nếu lắp đặt POS quẹt thẻ phải gánh mức phí cao hơn so với các năm trước. Trong khi đó, nhiều nước như Ấn Độ, Malaysia… đưa phí dịch vụ thanh toán về 0, nhằm khuyến khích thanh toán điện tử thay thế phương thức truyền thống.
“Các ngân hàng triển khai thanh toán điện tử qua các ứng dụng, QR hay trung gian thanh toán, nhưng có thể thấy, phí doanh nghiệp phải trả cho các đối tượng như ngân hàng, ví điện tử lại đang tăng dần”, TS. Đinh Bá Tiến nhận xét.
Như đã đề cập, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế hiện là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm khoảng 97%. Trong đó, có 65% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Nhóm đối tượng này chuyển từ offline sang online nhanh, nhưng Nhà nước cần tư vấn, hỗ trợ.
Với các doanh nghiệp này, điện tử hóa là việc làm còn rất mới mẻ. Nếu có kênh thông tin mang tính chất đánh giá từ chuyên gia sẽ giúp tiếp cận được các giải pháp, công cụ số phù hơp, thay vì phải tự đi tìm từng mảnh ghép.
Chia sẻ quan điểm trên, GS. Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, muốn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch số trong hộ kinh doanh và SME, cần có đội ngũ chuyên gia tư vấn hay đào tạo online qua phương thức kinh doanh mới.
Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý Tiki.vn nhận định, giai đoạn đầu chuyển dịch sang kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử là thời điểm có nhiều thử thách nhất với các doanh nghiệp, bởi họ chưa quen thuộc với phương thức vận hành, mức độ hiệu quả hay nguồn lực cần đầu tư.