Kinh tế là sinh kế của người dân

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế là sinh kế của người dân. Không duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh là tước đi sinh kế của dân, thu nhập của người dân.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng, Chính phủ không chỉ điều hành để vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn đủ năng lực để đón nhận những cơ hội đang đến. Tới đây, Chính phủ cần xác định rõ nguyên tắc thực hiện, đặt mục tiêu trên hết là đặt lợi chung của nền kinh tế, của người dân lên trên hết.

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội XV đã kết thúc với nhiều quyết sách quan trọng không chỉ cho giai đoạn 2021-2025, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đây là một kỳ họp đặc biệt, không chỉ với ý nghĩa là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Lần đầu tiên, Quốc hội đã thông qua nội dung về cơ chế đặc biệt dành cho Chính phủ, trao quyền cho Chính phủ quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp, ban hành các quy định cấp thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh nhằm chủ động ứng phó với điều kiện dịch bệnh đang cấp bách, phức tạp. Quyết định chưa có tiền lệ gắn với trách nhiệm chưa từng có của cả Quốc hội và Chính phủ mới trong thực thi.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, chốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. Đây là một chỉ tiêu rất thách thức, đòi hỏi nghệ thuật điều hành linh hoạt, quyết liệt và trách nhiệm của Chính phủ mới ngay từ những ngày đầu tiên...

Có đại biểu Quốc hội gọi cơ chế đặc biệt trên là “thượng phương bảo kiếm” mà Quốc hội trao cho Chính phủ mới. Ông chờ đợi gì trong việc thực hiện cơ chế này?

Trong bối cảnh đặc biệt, như chúng ta vẫn gọi là thời chiến, cần những quyết định đặc biệt, cả về nội dung và tốc độ. Thời gian qua, nhiều vấn đề cấp thiết cần được xử lý, nhưng vướng về thẩm quyền, quy trình, thủ tục và cả những chồng chéo, thiếu thống nhất của các quy định pháp luật... Vì vậy, trong nhiều trường hợp, mọi người đều thấy cách giải quyết, thấy rõ yêu cầu thực tế, thấy rõ hiệu quả, tác động tích cực, nhưng Chính phủ không thể quyết được, nên không kịp xử lý các vấn đề phát sinh...

Bây giờ, với việc Quốc hội thông qua cơ chế đặc biệt trên, Chính phủ sẽ có dư địa để xử lý nhiều vướng mắc hơn, nhanh hơn theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Cũng phải nói thêm, Covid-19 đặt nền kinh tế vào tình thế thách thức chưa từng có, nhưng cũng mang lại cơ hội cho thúc đẩy cải cách. Trong lúc này, những nỗ lực cải cách thể chế dễ được đồng thuận. Cả nền kinh tế đều gồng lên chống dịch, đều thấy nguy cơ lớn về xã hội, kinh tế, với đất nước nếu các vướng mắc không được xử lý kịp thời.

Hơn thế, ngay lúc này, chúng ta đều thấy rõ nguy cơ khi đại dịch qua đi, cạnh tranh sẽ căng thẳng hơn, ai nhanh chân hơn sẽ thắng. Những đề nghị tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp cũng vì thế có thể được thực hiện nhanh hơn, quy trình đơn giản hơn. Những chồng chéo xung đột lâu nay đề xuất mãi chưa xử lý được, thì giờ có động lực và cơ chế thực hiện nhanh hơn.

Chúng tôi kỳ vọng, Chính phủ không chỉ điều hành để vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn đủ năng lực để đón nhận những cơ hội đang đến.

Cũng có ý kiến lo ngại về khả năng lạm dụng cơ chế trên?

Chúng ta không thể đảm bảo tuyệt đối không có chuyện này, chuyện kia trong thực thi. Đây là vấn đề đã được lường trước. Nghị quyết của Quốc hội đã khoanh vùng những địa hạt trao quyền cho Chính phủ. Quan trọng là tới đây, Chính phủ cần xác định rõ nguyên tắc thực hiện, đặt mục tiêu trên hết là đặt lợi chung của nền kinh tế, của người dân lên trên hết. Tôi tin Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các quyết sách phù hợp.

Ngay trước kỳ họp, Chính phủ cũng đã có nhiều nghị quyết để xử lý những vướng mắc trong thẩm quyền do sự chồng chéo, chưa thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Cách làm là dùng cơ chế tập thể, đưa các vướng mắc ra để tập thể bàn, quyết định và cùng chịu trách nhiệm.

Đây cũng là lý do tôi chờ đợi những quyết sách nhanh chóng, phù hợp cơ chế không chỉ trong công tác mua sắm vắc-xin, thiết bị y tế..., mà trong cả giải tỏa các ách tắc cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Lợi ích của nền kinh tế, của người dân, theo ông, nên hiểu thế nào?

Chính phủ nói rất đúng là không đánh đổi sức khỏe của nhân dân lấy kinh tế để nói về những giải pháp phòng chống dịch bệnh cấp bách, thậm chí sẽ gây nên những tác động lớn tới đời sống người dân. Điều này hoàn toàn đúng. Không kiểm soát được dịch bệnh, không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế được. Nhưng điều này không phải là lý do để chính quyền một số địa phương vin vào, chỉ đặt mục tiêu chống dịch mà hy sinh hẳn lợi ích kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh với chúng tôi về tình trạng có giải pháp thái quá, ít cân nhắc đến hoạt động của doanh nghiệp ở một số địa phương, khiến nhiều hoạt động kinh doanh bị ách tắc. Mấy ngày qua, Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải phải liên tục có văn bản về lưu thông hàng hóa khi các địa phương áp dụng các điều kiện phòng chống dịch không thống nhất, thiếu sự phối hợp...

Tôi nhấn mạnh điều này vì kinh tế là sinh kế của người dân. Có thể trong xã hội, có không ít người không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, với người lao động trong các doanh nghiệp này, kinh tế là sinh kế của họ. Không duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh là tước đi sinh kế của dân, thu nhập của người dân.

Bệnh dịch tác động rất lớn, rất rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, chúng ta cùng tận sức chống dịch, nhưng cũng phải tận lực hỗ trợ các hoạt động kinh tế của người dân, doanh nghiệp.

Ở đây có trách nhiệm của chính quyền địa phương và cả vai trò tổng chỉ huy của Chính phủ?

Người đứng đầu các địa phương cần phải nghĩ đến cả sinh mạng và sinh kế của người dân trong các quyết định lúc này. Chính phủ cần có kịch bản với các phương án để các địa phương có cơ sở thực hiện, phối hợp với các địa phương khác, không để mỗi địa phương đưa ra một điều kiện khác nhau.

Trong các tình huống đặc biệt, khi áp dụng cơ chế mà Quốc hội trao cho, thì chỉ có Chính phủ mới có quyền quyết định các nội dung ngoài thẩm quyền, các nội dung văn bản luật chưa quy định, địa phương thì không. Nếu thiếu kịch bản, phương án áp dụng cho các mức độ đặc biệt khác nhau, việc thực hiện có thể lại phát sinh thêm vướng mắc.

Lúc này, đòi hỏi trách nhiệm chính trị của người đứng đầu rất lớn.

Tin bài liên quan