Theo đề án tái cơ cấu, VNPT phải thoái hết vốn tại 63 DN

Theo đề án tái cơ cấu, VNPT phải thoái hết vốn tại 63 DN

Kín tiếng như lộ trình cổ phần hóa, niêm yết ở VNPT

(ĐTCK) Lộ trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng như đưa các DN đã CPH lên sàn chứng khoán tiếp tục được lãnh đạo VNPT… giữ kín, khiến “khoảng trống” thông tin trong giới đầu tư thêm lớn.

Thúc đẩy CPH, niêm yết…

VNPT và Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa ký biên bản thỏa thuận hợp tác, nhằm thúc đẩy chương trình tái cơ cấu của VNPT, đưa cổ phiếu của các DN thuộc VNPT đã CPH lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.

Đây là bước đi mới của VNPT trong nỗ lực triển khai Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2014-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 888/2014, cũng như Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN.

Theo biên bản hợp tác, VNPT sẽ phối hợp với HNX triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tại những DN mà VNPT không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối. VNPT sẽ ưu tiên thoái vốn theo các phương thức giao dịch trên sàn đối với các công ty đã niêm yết, hoặc đăng ký giao dịch trên TTCK, đồng thời đôn đốc các công ty có vốn cổ phần của VNPT thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên TTCK theo quy định...

“Sự hợp tác giữa hai bên sẽ nâng cao tính công khai trong hoạt động của DN, đảm bảo quyền lợi của NĐT, tăng cường hàng hóa cho TTCK. Đặc biệt, hai bên sẽ trao đổi, báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CPH và thoái vốn...”, Phó tổng giám đốc VNPT Lê Ngọc Minh nói và cho biết thêm, VNPT đang tích cực xúc tiến thực hiện thủ tục thoái vốn tại các DN không hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính của VNPT như: bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... theo lộ trình đã được phê duyệt. 

… nhưng không chỉ đích danh DN

Lãnh đạo VNPT cam kết thúc đẩy thoái vốn, CPH gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK là vậy, nhưng thông tin quan trọng nhất mà giới đầu tư đang quan tâm là danh mục DN mà VNPT sẽ CPH, thoái vốn, đưa lên sàn chứng khoán gồm những DN nào, bao giờ thực hiện…, thì lại không được lãnh đạo VNPT đề cập một cách cụ thể.

Kinh doanh trong lĩnh vực nhiều tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng cao là viễn thông, công nghệ thông tin…, các DN thuộc quyền quản lý của VNPT trong diện tái cơ cấu theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, đang có những than phiền rằng nỗ lực tìm kiếm thông tin về các DN mà VNPT sẽ CPH, thoái vốn, với thời gian cụ thể là bao giờ… của giới đầu tư đang gặp khó. Một khi bên mua (NĐT) có quá ít thông tin về hàng hóa mà nguyên nhân là do bên bán (VNPT) chưa kịp thời và thường xuyên minh bạch thông tin, thì việc thúc đẩy, cũng như đạt hiệu quả cao trong CPH, thoái vốn các DN như VNPT đặt ra là khó trở thành hiện thực.

Theo HNX, kể từ khi VNPT đưa DN đầu tiên là CTCP Thiết bị Bưu điện (POT) lên niêm yết trên HNX từ năm 2006, đến nay, tổng cộng 5 DN có vốn góp của VNPT đang niêm yết/đăng ký giao dịch trên HNX, với tổng giá trị niêm yết/đăng ký giao dịch tính theo mệnh giá hiện tại xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Trong quý I/2015, có một DN mà VNPT có vốn góp là CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 được đưa ra đấu giá thành công trên HNX, khi bán được 12,8 triệu cổ phiếu, thu về 290 tỷ đồng.

Với kết quả CPH, đưa DN lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK còn khiêm tốn như vậy, lại thêm danh mục các DN sẽ tiến hành CPH, thoái vốn chưa được VNPT công bố, câu hỏi đặt ra là liệu VNPT có hoàn thành số lượng lớn DN phải CPH, thoái vốn đảm bảo tiến độ, hiệu quả như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014-2015 hay không?

Theo Đề án Tái cơ cấu VNPT, sau khi sắp xếp, tổ chức lại, VNPT sẽ có 3 công ty con là: VNPT-VinaPhone, VNPT-Media và VNPT-Technology; 18 công ty do VNPT nắm dưới 50% vốn điều lệ. Đặc biệt, theo đề án này, số lượng các DN mà VNPT phải thoái hết vốn rất lớn, lên tới 63 đầu mối. Trong đó, có các đơn vị đáng chú ý như: CTCP Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land), Tổng CTCP Bảo Minh, Quỹ đầu tư Việt Nam (BVIM), Quỹ thành viên Vietcombank 3 (VPF3), Quỹ Đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (SFA2), Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VF2), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam…

Tin bài liên quan