“Việt Nam phải quyết định xem nên mở 2 hay 3 sòng bạc quy mô lớn trong 20 năm tới”, bà Virginia Foote, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) khuyến nghị khi phát biểu tại hội thảo về phát triển đặc khu kinh tế ở Quảng Ninh cách đây không lâu.
Theo bà Virginia, nếu chỉ xây dựng những sòng bạc nhỏ như ở Crowne Plaza Đà Nẵng thì không phải là vấn đề, nhưng nếu muốn xây dựng sòng bạc quy mô lớn tại Việt Nam, thì phải tính đến nhu cầu. Cho rằng nhu cầu sẽ không cao, do thu nhập người dân Việt Nam còn thấp và khi có thêm những casino lớn, sẽ gây tình trạng “thừa cung”, bà Virginia thậm chí còn lo ngại cho sự phát triển của Đặc khu kinh tế Vân Đồn, nơi mà dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, có nội dung casino, được coi là dự án động lực.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam dẫn câu chuyện cách đây 6 năm, khi ông đưa một tập đoàn chuyên kinh doanh casino tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Họ đến rồi lại đi vì cho rằng, với quy mô dân số và nền kinh tế Việt Nam thời điểm ấy, thì không thể có quá 2 giấy phép casino.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, người luôn thống nhất quan điểm không nên khuyến khích thu hút đầu tư vào casino, cho rằng, chỉ nên phát triển casino ở những vùng đất xa đất liền như Phú Quốc hay Vân Đồn. “Không nên có quá nhiều casino”, ông Mại khẳng định.
Việt Nam dù vẫn coi việc đánh bạc là bất hợp pháp, song thời gian qua đã cấp phép cho không ít dự án casino cỡ nhỏ và vừa, chỉ dành cho người nước ngoài chơi. Nếu là quy mô lớn, trong tổng thể một khu nghỉ dưỡng phức hợp, thì chỉ có Dự án Hồ Tràm Strip, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Nam Hội An, 4 tỷ USD, ở Quảng Nam.
Mặc dù hoạt động không khác casino, nhưng cả hai dự án này chỉ được phép gọi là “khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài”. Còn danh chính ngôn thuận, Việt Nam mới chỉ đồng ý về nguyên tắc xây dựng hai casino ở Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh), sau khi thí điểm casino ở Đồ Sơn (Hải Phòng).
Tuy nhiên, cả hai dự án casino trên vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư, dù rất nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như LasVegas Sand, Phoenix Macau Tailoi (Ma Cau, Trung Quốc), Quỹ đầu tư Westar (Australia), ISC… bày tỏ mối quan tâm.
Nhưng các nhà đầu tư cũng mới chỉ đến rồi lại đi. Ngay cả ISC, tập đoàn đang dự định hợp tác với Tuần Châu để phát triển một dự án lên tới 7 tỷ USD ở Vân Đồn, cũng mới chỉ dừng ở ý tưởng. Ở Phú Quốc, mới đây đã có một nhà đầu tư Singapore đến tìm hiểu, Chính phủ cũng đã đồng ý chuyển địa điểm xây dựng casino, nhưng cho tới nay, chưa có thông tin nào liên quan đến kế hoạch này.
Trong khi đó, không ít địa phương tiếp tục đề xuất được mở casino, khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phải lên tiếng là “quá nhiều”. Không chỉ Vĩnh Phúc mong muốn được kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, hoạt động casino tại Tam Đảo và cá cược đua ngựa tại khu vực Đại Lải - thị xã Phúc Yên, mà Quảng Bình cũng rậm rịch kế hoạch này. Thậm chí, địa phương này đã từng ký biên bản ghi nhớ với Công ty Kế hoạch - Đầu tư Zeta (Hàn Quốc) về việc đầu tư Dự án Khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế tại Phong Nha - Kẻ Bàng, với tổng vốn 4 tỷ USD.
Chưa kể, LasVegas Sand còn muốn xây casino ở Hà Nội và TP.HCM, với quy mô khoảng 6 tỷ USD…
Dù có nhiều nhà đầu tư đã đến, nhưng số thực sự mặn mà với casino ở Việt Nam lại không nhiều. Nhiều quan điểm cho rằng, đó là do chính sách pháp luật Việt Nam về casino chưa thực sự thông thoáng. Nhưng thông thoáng hay không phụ thuộc vào ý chí của Việt Nam trong phát triển casino. Liệu có nên cho phép mở quá nhiều casino hay không?