Mức giá mà Bộ công thương trả cho năng lượng tái tạo thấp khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Mức giá mà Bộ công thương trả cho năng lượng tái tạo thấp khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Khung giá thấp khiến nhà đầu tư năng lượng tái tạo nản lòng

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh bức xúc về khung giá để đàm phán cho các dự án năng lượng chuyển tiếp, việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo yêu cầu để bước vào đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của nhà đầu tư.

Khung giá làm nản lòng nhà đầu tư

“Khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo mà Bộ Công thương đưa ra trong Quyết định 21/QĐ-BCT (Quyết định 21) là thấp, tụt hẳn so với các mức giá FIT trước đây, khiến động lực cho phát triển năng lượng tái tạo không còn”.

Thực trạng này được các nhà đầu tư có dự án chuyển tiếp, hiện chuẩn bị bước vào đàm phán PPA với Công ty Mua bán điện (EPTC) phản ánh tại cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tuần này. Buổi làm việc có sự tham gia của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Minh Tiến, Giám đốc phát triển dự án của Công ty Eastern Power Group Pulic (trụ sở tại Thái Lan), có liên quan tới một số dự án điện gió tại khu vực Tây Nguyên cho hay, khung giá này rất thấp, khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn nếu tiếp tục theo đuổi năng lượng tái tạo.

Trước đó, ông Tiến cũng cho rằng, các tính toán về giá hiện nay dựa trên mức sản lượng cao nhất, tổng mức đầu tư thấp nhất để có giá thấp, khiến các nhà đầu tư bị thiệt. Nguyên do, trên thực tế, nhiều nhà máy năng lượng tái tạo vẫn bị cắt giảm 10-30% sản lượng hàng tháng. Như vậy, nếu nhà đầu tư đạt được thỏa thuận giá trong khung này thì “thiệt đơn thiệt kép”.

Là một trong 36 nhà đầu tư cùng ký tên trong đề nghị mới gửi tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc T&T Group cho hay, Quyết định 21 của Bộ Công thương được ban hành có phần vội vàng.

“Các nhà đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp đã không được hỏi ý kiến. Việc tính toán cũng chưa thuê tư vấn độc lập và các tính toán này chưa phù hợp với thực tế và hồ sơ của nhà đầu tư đã gửi EVN”, bà Bình nói.

Vẫn theo đại diện T&T Group, 1 tuabin đầu tư 100-150 tỷ đồng của doanh nghiệp này đã đứng im cả năm qua, nhìn rất xót xa. Trong khi đó, EVN vẫn phải mua các nguồn điện có giá cao khác.

“Giá sàn của điện gió nhập khẩu là 6,95 UScent/kwh. Vì thế, đề nghị các dự án đã hoàn thành, đã sẵn sàng lên lưới, không cần đầu tư truyền tải, cho được tạm tính giá sàn bằng 90% giá điện nhập khẩu và sau này có giá chính thức thì tính theo nguyên tắc hồi tố, bù trừ”, bà Bình đề nghị.

Với ông Trần Minh Tiến, mức giá kỳ vọng là khoảng 7,5 UScent/kWh cho điện gió.

Công ty Mua bán điện đã thành lập 3 nhóm công tác để chuẩn bị rà soát hồ sơ pháp lý mà các dự án chuyển tiếp gửi tới, nhằm đẩy nhanh thời gian đàm phán PPA. Dự án nào nộp đủ hồ sơ pháp lý sẽ được đàm phán trước theo thứ tự ghi nhận ở cổng nộp hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ http://ppa.evn.com.vn

Đại diện của Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf (Thái Lan) cũng cho hay, mức giá mà Bộ Công thương ban hành thấp, khiến khó thực hiện dự án. Vì vậy, mong Bộ Công thương tính toán thêm với các tư vấn, sử dụng thông số đầu vào hợp lý hơn để cho kết quả tốt hơn, bởi giá điện mặt trời cố định trước đây cũng cạnh tranh hơn giá điện than, điện khí.

Nhìn nhận vấn đề này, một chuyên gia đàm phán giá điện cho hay, sau khi giá FIT1, FIT2 kết thúc, các nhà đầu tư vẫn rất kỳ vọng mức giá tiếp theo cũng phải cao. Tuy nhiên, những nhận xét về việc giá cho năng lượng tái tạo giai đoạn trước cao, các nhà đầu tư hưởng lợi nhiều, còn nền kinh tế phải gánh chịu, hay các cuộc thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này là những rào cản lớn để có một mức giá như các nhà đầu tư mong đợi.

“Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2023) vừa diễn ra đã nhắc tới những số tiền rất lớn, tới hơn 300 tỷ USD để thực hiện tăng trưởng xanh, trong đó đầu tư vào năng lượng cần hơn 140 tỷ USD và tới 70% là được trông chờ vào khu vực tư nhân. Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay thì rất khó hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân xuống tiền”, một doanh nghiệp nói với Báo Đầu tư.

Thách thức hồ sơ pháp lý

Cho tới thời điểm ngày 20/3/2023, mới chỉ có 1 trong số 85 nhà đầu tư thuộc diện dự án chuyển tiếp có gửi hồ sơ tới Công ty Mua bán điện, phục vụ cho việc đàm phán PPA.

Chia sẻ với khó khăn, vất vả của các nhà đầu tư đã bỏ nguồn lực, công sức để đầu tư điện gió, điện mặt trời, nhưng không kịp về đích giá FIT, đồng thời để hỗ trợ một phần trong quá trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý đàm phán PPA, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN đã chỉ đạo các đơn vị của EVN thực hiện một số công việc cụ thể như tính toán khả năng giải tỏa công suất, gia hạn các thỏa thuận đấu nối trước đây giữa nhà đầu tư với các đơn vị của EVN mà nay đã hết hạn…

“Khung giá đã được Bộ Công thương ban hành, EVN cũng đề ra phương pháp đàm phán và mong muốn Bộ Công thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán. Về phía các chủ đầu tư, nên nhanh chóng nộp hồ sơ cho Công ty Mua bán điện. Các vấn đề vượt thẩm quyền thì EVN sẽ tiếp tục báo cáo Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công thương để cùng tháo gỡ”, ông Nhân nói.

Nhận xét về việc tới hiện nay mới chỉ có 1 dự án nộp hồ sơ, các chuyên gia đàm phán PPA cho rằng, việc hoàn thành hồ sơ pháp lý của các dự án tại thời điểm này đòi hỏi chủ đầu tư tốn thời gian và công sức.

“Có những hồ sơ dự án trước đây có thể hoàn thiện pháp lý nhanh và dễ dàng hơn trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, các nhà đầu tư phải nhanh chóng tập trung vào công việc này, vì nếu không hoàn thiện được hồ sơ pháp lý thì khó lòng bước sang giai đoạn đàm phán PPA”, một chuyên gia đàm phán PPA lưu ý.

Tin bài liên quan