TS. Nguyễn Đình Cung
Liên tiếp bổ sung dự án điện mặt trời, điện gió vào quy hoạch; đầu tư đường dây truyền tải 500 kV của tư nhân… là những vấn đề mới cần được nghiêm túc nghiên cứu ở góc độ an ninh năng lượng.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ góc nhìn về những nội dung này.
Việc bổ sung cấp tập các dự án điện mặt trời thời gian qua và giờ đây là điện gió vào Quy hoạch Điện với công suất rất lớn cho thấy điều gì, thưa ông?
Ở đây có 2 vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, tại sao cần bổ sung? Có thể, do Quy hoạch chưa đáp ứng được kỳ vọng, yêu cầu của thực tế, cũng đồng nghĩa là, năng lực xây dựng quy hoạch trước đó chưa cao.
Thứ hai, khi bổ sung lượng lớn dự án và công suất, cần đánh giá lại toàn bộ Quy hoạch hiện có, chứ không phải làm theo nhu cầu của nhà đầu tư trong điều kiện Nhà nước đã đưa giá mua điện mặt trời, điện gió lên cao.
Quy hoạch ngành điện không thể làm theo động lực của nhà đầu tư, bởi như vậy sẽ “băm nát” quy hoạch và sau này không thể sửa được.
Làm quy hoạch thì không được bảo thủ, khi cần sẽ phải bổ sung, cập nhật, nhưng phải tiến hành đánh giá thực trạng, cân nhắc tổng thể các nguồn cấp và yếu tố liên quan, chứ không phải lệch về một nguồn nào đó. Cũng không thể làm theo cách, nhà đầu tư này, tỉnh này xin, cơ quan chức năng chấp thuận bổ sung quy hoạch. Tỉnh khác, nhà đầu tư khác cũng xin, lại bổ sung tiếp. Như thế, quy hoạch không còn là quy hoạch nữa.
Đặc biệt, với ngành điện, do tính chất phải có hệ thống truyền tải để tiêu thụ, nên phải tính toán rõ ràng trong Quy hoạch. Nếu cứ bổ sung nguồn, mà hệ thống truyền tải không được bổ sung, hoặc không theo kịp tốc độ bổ sung nguồn, thì tự Nhà nước rơi vào thế bị động và cứ phải giải quyết tình thế đã rồi.
Khi đó, đường dây mà doanh nghiệp tư nhân xây dựng, dù ở cấp điện áp 500 kV từ trước đến nay chưa từng làm, cũng là tình thế để gỡ điểm nghẽn của quá trình bổ sung quy hoạch, chứ không phải là đột phá.
Gần đây, một số dự án điện mặt trời, điện gió sau khi được bổ sung vào quy hoạch hoặc mới hoạt động đã bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài? Ông thấy điều này có gì đáng chú ý không?
Nguồn điện của nước ta đang thiếu. Đầu tư vào điện mặt trời và điện gió đang sinh lời lớn với giá mua tốt đã dẫn tới “phong trào” đầu tư từ tư nhân trong nước.
Ở Việt Nam, việc doanh nghiệp chuyển nhượng vốn sau khi xin được dự án là được phép về mặt pháp luật. Về mặt thị trường, chuyển nhượng cũng là bình thường. Tuy nhiên, khi việc chuyển nhượng vốn diễn ra ở nhiều dự án hay có sự phổ biến, thì lại là điều bất thường.
Điều này cho thấy, cơ chế cấp phát dự án, bổ sung quy hoạch mang tính “xin - cho” và đã cho phép cả những nhà đầu tư không đủ năng lực. Như vậy, rõ ràng phải xem lại cách bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo như đã và đang làm.
Việc chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác trong nước cũng cho thấy, nhà đầu tư ban đầu có thể chỉ là “cò” hoặc “chuyên chạy dự án”, còn nhà đầu tư muốn làm thật thì không có cơ hội tiếp cận những dự án năng lượng có hiệu quả về kinh tế nên phải mua lại. Vì vậy, phải tạo cơ hội công bằng cho các nhà đầu tư, để nhà đầu tư có năng lực thực sự, công nghệ vượt trội có quyền tiếp cận và được thực hiện dự án.
Về việc chuyển nhượng vốn/dự án cho nhà đầu tư nước ngoài, thì phải xác định rõ, chúng ta cần gì ở nhà đầu tư nước ngoài? Nếu là cần vốn, thì phải chăng nhà đầu tư ban đầu không có năng lực tài chính, hay cơ chế không đủ thuận lợi để nhà đầu tư nội có thể vay được vốn? Cũng cần làm rõ, có phải trong nước có vốn, nhưng chính sách khó nên không huy động được, hay thực sự không có vốn?
Bên cạnh đó, cần làm rõ “nhà đầu tư nước ngoài” là ai? Liệu họ có mang công nghệ tốt đến không? Nếu đa số người mua đến từ một vài nước lớn hoặc có nhà đầu tư từ nước lớn đứng phía sau, thì cần lưu tâm cả khía cạnh an ninh năng lượng để tránh bị ảnh hưởng, phụ thuộc trong lâu dài.
Theo ghi nhận, các nhà đầu tư mua lại dự án năng lượng sạch gần đây đến từ các nước trong khu vực ASEAN và lân cận, thiếu vắng các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển như châu Âu hay Mỹ. Thực tế này nói lên điều gì, thưa ông?
Nói lên rất nhiều điều. Câu hỏi này cũng thường được đặt ra trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta. Các nhà đầu tư vào Việt Nam chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, hay gần đây là Trung Quốc và ít có đầu tư lớn đến từ Mỹ, châu Âu.
Tôi có đặt vấn đề về lý do “đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều” với Đại sứ của một nước phát triển và muốn có những dự án lớn trong ngành năng lượng. Vị đại sứ này nhắc tới một số ý như: hệ thống chưa minh bạch, thủ tục hành chính kéo dài, chính sách không tiên lượng được, thảo luận giữa các cơ quan hữu trách mất quá nhiều thời gian…
Ngoài ra, đầu tư từ “thiên đường thuế” vào Việt Nam chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư nói chung và khi có sự xuất hiện của nhà đầu tư từ “thiên đường thuế”, thì các nhà đầu tư “tử tế” khó có thể vào được nữa.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hút tư nhân đầu tư đường dây truyền tải là rất nên làm để giảm gánh nặng trên vai Nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Điện là hàng hóa đặc biệt, sản xuất ra thì phải truyền tải đến nơi tiêu thụ. Với tính chất của ngành điện, tôi cho rằng, đối với khâu truyền tải điện, Nhà nước nên độc quyền cả đầu tư và vận hành lưới truyền tải xương sống để đảm bảo tính liên tục, công bằng và an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, trong điều kiện đầu tư của Nhà nước không thể bao quát được tất cả, mà tư nhân có điều kiện, thì cũng nên khuyến khích tư nhân bỏ tiền đầu tư truyền tải theo cách: tư nhân đầu tư mạng lưới nhánh và Nhà nước có thể quản lý, trả phí cho tư nhân.
Việc tư nhân “đổ xô” đầu tư vào năng lượng tái tạo dẫn tới phải bổ sung nhiều đường dây mới. Trong khi đầu tư của Nhà nước không thể nhanh do phải qua quy trình duyệt, thì tư nhân đã đề xuất xây dựng đường dây cấp điện áp cao để tải điện từ dự án của mình lên lưới nhằm hưởng ưu đãi giá bán điện cao. Theo ông, điều này có được cho là “đột phá” không?
Ở trường hợp cụ thể, cần phân biệt rõ, đường dây 500 kV mà doanh nghiệp đầu tư ảnh hưởng thế nào tới an toàn hệ thống điện quốc gia. Nếu các doanh nghiệp tư nhân cùng xây dựng một đoạn đường dây 500 kV nào đó để kết nối và truyền tải điện do mình sản xuất ra lên hệ thống điện, thì đường dây này vẫn mang tính chất để bán điện, nhắm tới phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp là chính, chứ chưa phải là truyền tải. Nếu hiểu theo cách đó, thì doanh nghiệp tư nhân phải có trách nhiệm với đường dây mà mình xây dựng.
Cơ quan chức năng phải làm rõ câu chuyện này. Cần xác định vấn đề phải xử lý ở đây là gì để đạt được mục tiêu trong vấn đề cụ thể đó.
Nhà đầu tư tư nhân cũng đề xuất, sau khi đầu tư đường dây 500 kV sẽ bàn giao lại 0 đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia quản lý vận hành. Nhưng EVN cho rằng, chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng đường dây này đã được tính vào giá mua điện cao, nếu nhận bàn giao 0 đồng, thêm 1 lần nữa các chi phí này lại được tính vào giá điện, chưa kể câu hỏi về chất lượng. Ông thấy thế nào?
Đầu tiên, nhà đầu tư xây đường dây phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và được kiểm soát nghiêm ngặt.
Do đường dây mà nhà đầu tư đề xuất chỉ chủ yếu phục vụ việc bán điện của mình lên hệ thống, nên họ phải có trách nhiệm với đường dây này. Nếu cho rằng mình chưa có kinh nghiệm vận hành lưới truyền tải cao áp, nhà đầu tư có thể thuê các doanh nghiệp có chuyên môn vận hành.