Không đưa ra được chứng cứ, Vinalines thua kiện 3 triệu USD

Không đưa ra được chứng cứ, Vinalines thua kiện 3 triệu USD

Vinalines vừa bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội chính thức bác yêu cầu  hủy phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế về viêc bồi thường cho nhà thầu SK E&C số tiền lên tới 65,4 tỷ đồng.

Sau 7 tháng thụ lý đơn xin hủy phán quyết từ phía Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra quyết định không hủy phán quyết nói trên, đồng thời không cho phép các bên tiếp tục khiếu nại, kháng cáo.

Không còn nơi bấu víu, Vinalines nguy cơ thua kiện 65 tỷ đồng               

Mất 65 tỷ đồng là đòn giáng mạnh vào Vinalines vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh                

Với quyết này, Vinalines buộc phải thi hành phán quyết trước đó của Hội đồng trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) trong vụ tranh chấp với nhà thầu Hàn Quốc.

Trước đó, vào đầu năm 2014, VIAC ra phán quyết buộc Vinalines phải trả hơn 65 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD) cho công ty SK Engineering & Construction (SKE&C) của Hàn Quốc - nhà thầu thi công gói thầu b1 - xây dựng bến cảng thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động).

Cụ thể, đây là khoản tiền mà cơ quan trọng tài buộc Vinalines phải thanh toán cho lô cọc thép 544 đoạn SPP mà SK E&C mang đến công trường trước khi Dự án bị dừng đột ngột để điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2012.

VIAC cho rằng, với cơ sở hồ sơ do SK E&C đệ trình, việc Vinalines đã không thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng khi từ chối thanh toán khối lượng cọc thép được nhập về Việt Nam và khi hạng mục đó đã có xác nhận của tư vấn giám sát.

Trước đó, để triển khai Dự án Cảng Vân Phong, vào tháng 10/2009, Vinalines và liên danh nhà thầu là SK E&C - Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) đã ký hợp đồng số 03/VP/2009/HĐ - HHVN thi công gói thầu số 6b1. Hợp đồng xây dựng cầu tàu này có giá trị gần 1.000 tỷ đồng và được khởi công vào tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công.

Theo phán quyết của VIAC, ngay cả khi nhà thầu chưa hoàn thiện bộ hồ sơ thanh toán, nhưng nếu tư vấn đã phát hành Chứng chỉ thanh toán tạm, thì chủ đầu tư buộc phải thanh toán. “Thậm chí, ngay cả trong trường hợp tư vấn không kiểm tra sự chính xác và tính phù hợp của Hồ sơ thanh toán mà vẫn thông qua và trình lên Vinalines, thì chủ đầu tư vẫn phải phê duyệt và thanh toán, rồi sẽ đi kiện tư vấn để đòi lại”, phía VIAC đưa ra quan điểm.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Cảng biển (Vinalines), nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Hàng hải phụ trách cảng Vân Phong khẳng định: “Chúng tôi không thể nhắm mắt ký hồ sơ thanh toán chưa hoàn thành, có thể dẫn tới sai phạm trong quản lý vốn, gây thất thoát tài sản của Nhà nước”.

Ông Sơn cho biết, trong quá trình VIAC thụ lý vụ việc, Vinalines đã nộp đầy đủ tài liệu chứng minh, cũng như trình bày cụ thể tại các phiên xét xử, nhưng VIAC vẫn ra phán quyết buộc Tổng công ty phải thanh toán ngay giá trị lô cọc 544 đoạn SPP mà SK E&C tự mang đến công trường và tự tính giá, cũng như các khoản lãi phát sinh với số tiền tổng cộng hơn 65 tỷ đồng, sau khi đã khấu trừ trực tiếp khoản hơn 87 tỷ đồng tạm ứng trước đó cho nhà thầu này.

Vinalines cho rằng, VIAC ra phán quyết mà không căn cứ vào các quy định Hợp đồng về nghiệm thu và thanh toán. Cụ thể, SK E&C không hề có giá trị hoàn thành và kê khai thuế hàng tháng theo Điều 14.3 của Hợp đồng; không có hồ sơ thanh toán theo Điều 14.17; không có hồ sơ sản xuất lô cọc ống thép; không có biểu xác định giá lô cọc theo Điều 13.8.2/ĐKR Hợp đồng có xác nhận của chủ đầu tư.

Đáng lưu ý là, SK E&C sử dụng một chứng cứ giả mạo là bản photocopy một thư trao đổi công việc giữa tư vấn giám sát và Giám đốc Ban Quản lý dự án để làm “Chứng chỉ thanh toán tạm” cung cấp cho VIAC xét xử. VIAC không hề xác minh tài liệu quan trọng này với tư vấn giám sát và Giám đốc Ban Quản lý dự án khi xét xử và ra phán quyết.

Bên cạnh đó, Vinalines cũng cho rằng, chính SK E&C mới là bên vi phạm hợp đồng, khi nhà thầu này đã không thực hiện trách nhiệm thầu chính theo các quy định trong hợp đồng đã ký cũng như theo pháp luật Việt Nam về thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Lô cọc ống thép nhà thầu này đưa đến công trường là sai quy cách, không có hồ sơ sản xuất, không tuân thủ hợp đồng về số lượng và giá cả. Bên cạnh đó, SK E&C không thực hiện quy định nghiệm thu khối lượng, khai thuế hàng tháng và ký đề nghị thanh toán.

Tuy nhiên, Hội đồng xét đơn của Tòa đã phản bác lập luận này với lý lo "Vinalines không đưa ra được chứng cứ để chứng minh".

Về nội dung Vinalines cho rằng phán quyết của VIAC dựa trên hồ sơ có một chứng chỉ thanh toán tạm mà chủ đầu tư khẳng định là giải mạo vì họ chưa hề phê duyệt, Tòa án nhận định: Việc Vinalines chưa phê duyệt không có nghĩa đây là chứng cứ bị giả mạo. Ngoài ra, cơ quan này cũng dẫn chứng văn bản nói trên đã được nhắc tới trong một biên bản họp giữa các bên, trong đó có chủ đầu tư.

Một số nội dung kiến nghị khác của Vinalines như Hội đồng trọng tài không triệu tập người có quyền và nghĩa vụ liên quan (là một doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia trong liên danh nhà thầu với SK E&C) hay trọng tài tuyên án hai lần cũng bị Tòa bác bỏ.

Theo cơ quan xét đơn, việc triệu tập là “quyền” chứ không phải “nghĩa vụ” của Hội đồng trọng tài, chiếu theo Luật Trọng tài thương mại. Hơn nữa, trong quá trình Tòa Hà Nội giải quyết vụ việc, Vinalines đã không xuất trình được bất kỳ tài liệu nào chứng minh họ có yêu cầu triệu tập người làm chứng. Trong khi đó, việc VIAC tuyên lần hai chỉ là để sửa chữa số liệu do nhầm lẫn, và điều này, cũng được luật cho phép.

Từ những phân tích trên, Tòa án nhân dân TP Hà Nội khẳng định không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết của VIAC mà Tổng công ty Hàng hải đề nghị.

Theo công ước New York 1958 về thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài mà Hàn Quốc và Việt Nam đều là thành viên thì việc thi hành có thể bị từ chối, đình chỉ trong trường hợp bên yêu cầu (ở đây là Vinalines) có bằng chứng cho thấy phán quyết bị đình lại, tạm hoãn bởi tòa án của nước ra phán quyết.

Điều này được hiểu là, trong thời gian Tòa án thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết của Vinalines thì doanh nghiệp được yêu cầu tạm ngưng thi hành. Tuy nhiên, với việc Tòa chính thức ra quyết đinh bác bỏ yêu cầu nêu trên thì đương nhiên yêu cầu ngừng thi hành phán quyết cũng hết hiệu lực, khi đó, Vinalines có trách nhiệm thực hiện phán quyết của VIAC.

Trước đó, ngay sau khi có phán quyết của VIAC đầu năm 2014, phía SK E&C đã yêu cầu các cơ quan Hàn Quốc bắt giữ hai tàu của Vinalines để gâp sức ép buộc doanh nghiệp Việt Nam thi hành phán quyết. Đại diện Vinalines lúc ấy cho rằng việc bắt giữ tàu là “vượt quá giới hạn”, thế nhưng ngay sau đó doanh nghiệp này cũng phải bỏ ra số tiền trên 3 triệu USD mở tài khoản phong tỏa nhằm giải phóng tàu.

Tin bài liên quan