Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn trong phòng chống tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00

Công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới sẽ chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ nhằm kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã diễn ra sáng12/12/2020 tại Hà Nội.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã diễn ra sáng12/12/2020 tại Hà Nội.

Đó là nội dung được đề cập trong nhiệm vụ, giải pháp của công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, trong tài liệu được cung cấp cho báo chí tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 ngày 12/12/2020.

Loại bỏ tư tưởng nhụt chí, cầm chừng

Về kết quả, theo tài liệu này thì từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, từ khi thành lập đến nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ (Cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý).

Trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tài liệu cung cấp cho báo chí cũng nêu 6 nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới.

Một, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phải xây dựng cho được sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phòng chống tham nhũng; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội.

Hai, tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, hiệu quả, khả thi. Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng chống tham nhũng; hoàn thiện quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, về quản lý kinh tế - xã trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội và những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp...

Ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tập trung vào những những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ nhằm kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Cán bộ, đảng viên vi phạm phải bị xử lý kịp thời, phù hợp, nghiêm minh. Tiếp tục rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ, đảm bảo vừa lựa chọn, sử dụng, bổ nhiệm được những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, vừa ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng có hiệu quả.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Nhiệm vụ thứ tư là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong công tác tự kiểm tra để phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong toả tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định pháp luật; đổi mới công tác quản lý, xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thành Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập bất minh của cán bộ, công chức, viên chức. Cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Sáu, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường phương tiện làm việc, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ của các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng. Phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng. Có chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tin bài liên quan