Khống chế cho vay cầm cố CK: Nhiều ngân hàng đã về đích

Khống chế cho vay cầm cố CK: Nhiều ngân hàng đã về đích

31-12-2007 là thời hạn cuối cùng các NH thương mại phải đưa tỷ lệ cho vay cầm cố CK xuống 3% tổng dư nợ (TDN) theo Chỉ thị 03 của NHNN Việt Nam. Dù khó khăn nhưng đến nay đã có nhiều NH công bố hoàn thành tốt quy định này.

 

Rốt ráo cán đích

Tuần qua, SeABank là NH đầu tiên đã công bố hoàn tất việc khống chế dư nợ vốn cho vay đầu tư CK ở mức dưới 3%/TDN, tương đương 2,78%/TDN. Tiếp theo, Maritime Bank cũng đã công bố đến ngày 19-12 tỷ lệ cho vay cầm cố CK chỉ chiếm 2,19% và dự kiến đến 31-12-2007 sẽ là 1,17%. NH này cho biết đến nay chưa phát sinh các khoản nợ quá hạn thuộc đối tượng điều chỉnh của Chỉ thị 03.

 

Theo ông Lâm Hữu Hạnh, Phó Tổng giám đốc OCB, do ngưng cho vay đầu tư CK ngay sau khi Chỉ thị 03 ban hành và không cho vay tiếp nên OCB đã kịp về đích theo quy định.

 

Dự kiến đến 31-12, tỷ lệ cho vay cầm cố CK của OCB là 150 tỷ đồng, chiếm 2,5%/TDN (tổng dư nợ năm 2007 của OCB ước đạt 7.500 tỷ đồng). Để thực hiện tốt chỉ thị này, OCB đã phát huy các thế mạnh NH trong việc tăng mạnh dư nợ tín dụng mua ô tô trả góp (chiếm 20% TDN), cho vay xuất nhập khẩu, cho vay mở rộng nhà xưởng, dự án đầu tư BĐS…

 

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, cho biết mặc dù hiện nay tỷ lệ cho vay cầm cố CK của DongABank chỉ chiếm 1,8%/TDN, nhưng NH vẫn tiếp tục thu nợ và chưa cho vay mới.

 

Thời điểm cuối năm 2007 và đầu năm 2008 DongABank, đang rốt ráo xin phép mở rộng mạng lưới hoạt động trên cả nước nên không muốn bị NHNN “bắt giò”, xử lý vi phạm từ việc thực hiện Chỉ thị 03. Khá cẩn trọng trong cho vay kinh doanh CK nên hiện tỷ lệ cho vay lĩnh vực này của Eximbank luôn được kiểm soát trên 2%/TDN.

 

Tuy nhiên, Eximbank vẫn tiếp tục cho vay ngắn hạn cầm cố CK đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu. Sacombank, GiaDinhBank cũng cho biết đến 31-12 tỷ lệ cho vay CK sẽ dưới 3%/TDN. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Tổng giám đốc VIB Bank, NH đang phấn đấu tăng trưởng tổng dư nợ để giảm tỷ lệ cho vay CK xuống 3%. Tuy nhiên, nếu không thực hiện kịp NH sẽ có giải trình với NHNN.

 

Chuẩn bị kế hoạch 2008

 

Trong quá trình xử lý dư nợ cho vay kinh doanh CK, không ít NH và khách hàng gặp khó khăn, nhất là trước thời điểm ban hành Chỉ thị 03, một số NH đã cho vay thời hạn 1 năm, tức phải qua năm 2008 hợp đồng mới đáo hạn. Do đó NH không thể đơn phương thu hồi nợ. Bà Trần Thị Việt Thu, Tổng giám đốc GiaDinhBank, cho biết ngay việc thu nợ và không cho vay tiếp cũng dẫn đến các NH mất khách vì khách hàng chạy qua NH khác còn “room” để vay.

 

Gần đây, NHNN cảnh báo các NH về nguy cơ rủi ro trong tăng trưởng tín dụng nóng vì muốn cán đích Chỉ thị 03. Tuy nhiên, theo nhiều NH, tăng dư nợ nhưng họ cũng phải đảm bảo an toàn cơ cấu tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Chẳng hạn việc cho vay BĐS và tiêu dùng thực tế đang đáp ứng nhu cầu rất lớn hiện nay.

 

“GiaDinhBank đang đẩy mạnh dư nợ sang các dự án KCN, nhất là cho vay các DN vừa và nhỏ. Riêng cho vay cầm cố CK, GiaDinhBank cân nhắc việc liên kết các CTCK để cho vay. Tuy nhiên, NH sẽ khống chế hạn mức cho vay tối đa 20-30% thị giá với thời hạn từ 6-9 tháng”- bà Thu cho biết.

 

Hiện nay nhiều NH còn “room” cho vay kinh doanh CK đều dè chừng trong việc đưa ra kế hoạch cho vay cầm cố CK trong năm 2008. Hầu như các NH đều chờ hướng mở của NHNN trong việc thay đổi đối tượng điều chỉnh của Chỉ thị 03 cũng như hướng xử lý đối với các NH chưa hoàn thành Chỉ thị 03.

 

Theo ông Hạnh, kế hoạch năm 2008 tổng dư nợ của OCB là 11.000 tỷ đồng, trong đó “room” 3% dư nợ cho vay CK sẽ được OCB tiếp tục cho vay ngắn hạn, tối đa 3 tháng với hạn mức tối đa 35% thị giá. Nếu CP rớt xuống 60% thì NH sẽ xử lý CP cầm cố.

 

Còn theo ông Nguyễn Xuân Cảnh, Giám đốc Agribank TPHCM, với lợi thế là “room” 3% của hệ thống Agribank rất lớn, trong khi không phải chi nhánh Agribank nào cũng cho vay cầm cố CK  được nên Agribank TPHCM vẫn đang liên kết các CTCK để cho vay cầm cố CP trên sàn chính thức.