Khởi nghiệp nông nghiệp: Vì sao loay hoay?

Khởi nghiệp nông nghiệp: Vì sao loay hoay?

(ĐTCK) Nông nghiệp là lĩnh vực có lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nếu được tổ chức một cách hệ thống, bài bản thì đây sẽ là một “cứu cánh” của nền kinh tế Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp” do VCCI tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội.

Theo ông Lộc, để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái thúc đẩy khởi nghiệp. Để có thể khởi nghiệp thành công, bắt buộc phải xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Theo đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường; cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp cần hoàn thiện.

“Khởi nghiệp chỉ có thể thành công nếu được quốc gia ủng hộ cho tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy, khuyến khích, tạo ra sự hứng khởi cho khởi nghiệp, khuyến khích sự mạo hiểm trong khởi nghiệp và chấp nhận mạo hiểm”, ông Lộc nhấn mạnh.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 2/2016, cả nước có 4.424 doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản). Các doanh nghiệp này có hiệu quả kinh tế tương đối tốt, chỉ số phản ánh về hiệu suất sinh lời cao hơn so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. Đặc biệt, sau khi Chính phủ có 3 nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, việc quan tâm và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước và tập trung phát triển ở các vùng có điều kiện thuận lợi.

Sản xuất nông nghiệp đa phần có quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng, dịch vụ còn nhiều yếu kém. Doanh nghiệp chủ yếu quan tâm đến sản xuất và chế biến thô, mà chưa chú trọng sản xuất tinh và các hoạt động marketing. Bên cạnh đó, một số chính sách về đất đai, thuế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế, chậm sửa đổi so với thực tiễn.

Trong khi đó, tính ổn định của quy hoạch trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa bền vững, việc quản lý thực hiện quy hoạch chưa chặt chẽ, thiếu chế tài. Công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện còn chậm. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có hiệu quả không cao.

Để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Hiển, trước hết cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản, nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp.

Ông Vũ Ngọc Huyên, đại diện Học viện Nông nghiệp chia sẻ, thực tế 4 năm triển khai đề án hệ sinh thái khởi nghiệp của Học viện, hiện có 5 đề án tham dự thành công trong việc thành lập doanh nghiệp, 3 dự án đang loay hoay kêu gọi vốn và hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai ý tưởng trên thực tế.

“Chúng ta cần phải nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn, không để những dự án khởi nghiệp chỉ nằm trên giấy. Để hỗ trợ khởi nghiệp thành công, phải thành lập một hội đồng cố vấn hỗ trợ triển khai ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, cần có các cơ chế hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai thực hiện được các ý tưởng này. Vốn nhà nước chỉ là vốn mồi ban đầu, sau đó, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần và các doanh nhân đi trước, những người có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ khởi nghiệp thành công là vô cùng quan trọng”, ông Huyên nói.

Cần lai tạo được những giống mới để trồng phù hợp

Bà Loreen Weintraub ,Tổng giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn ORCA (Israel)

Yếu tố để giúp khởi nghiệp thành công là khi bắt đầu sự nghiệp nhỏ nhưng phải có ý nghĩ lớn ra toàn cầu, có giá trị với xã hội và toàn cầu. Thứ hai là thu hút đầu tư phải chọn ý tưởng, chọn nhân sự tốt. Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã trải qua hạn hạn nặng nề, vì vậy, giải pháp đưa ra là lai tạo được những giống mới để trồng phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch thông qua việc mua ứng dụng và phát triển các công nghệ hiện đại của nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam.

Đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp là quan trọng nhất

Ông Đàm Quang Thắng,Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hóa chất Nông nghiệp Hà Nội

Việc đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp là rất quan trọng nhằm nâng giá trị của nông sản lên, thông qua sáng tạo trong quy trình sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm ra thị trường, ứng dụng công nghệ, công nghệ cao, làm ra công nghệ, thay đổi tư duy của người sản xuất để có giá trị cao, thay đổi ý thức của người tiêu dùng… Qua đó, chọn ra những mô hình tốt nhất để đưa giá trị vào sản phẩm, làm lợi cho cộng đồng, xã hội.

Tin bài liên quan